MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe đẩy bánh mì vỉa hè: Bán đều quanh năm, thu đủ tiền tỷ

13-02-2017 - 16:00 PM | Thị trường

Mỗi ngày dùng hết 35kg thịt lợn để làm khoảng 500 suất bánh mì doner kebab, tính ra doanh thu cả năm lên đến cả tỷ đồng, sau khi trừ hết các chi phí, vợ chồng chị Nhàn thu lãi với con số không hề nhỏ.

Bánh mì doner kebab bá chủ vỉa hè

Không chịu chung số phận "sớm nở tối tàn", như các trào lưu khác chỉ tồn tại được một mùa hoặc hai mùa, bánh mì doner kebab du nhập vào Việt Nam gần chục năm nay và ngày càng phát triển. Bắt đầu từ Sài Gòn từ những năm 2006 rồi lan nhanh ra Hà Nội. Đến nay, loại bánh mì kẹp thịt nướng này xuất hiện tràn ngập, thống lĩnh vỉa hè Hà Nội.

Trên các con phố Hà Nội, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy những chiếc xe lưu động cùng dòng chữ "Bánh mì doner kebab". Hình ảnh quen thuộc của những hàng bánh này là người bán tay cầm những con dao dài cả nửa mét đứng thái những miếng thịt nướng mỏng tang nóng hổi từ xiên thịt khổng lồ đang được quay nướng. Vào giờ cao điểm buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều tối, chiếc xe bánh mỳ thường bị khách vây kín để chờ.


Bánh mỳ doner kebab phát triển rầm rộ trên vỉa hè.

Bánh mỳ doner kebab phát triển rầm rộ trên vỉa hè.

Theo anh Nguyễn Văn Quân bán bánh mì doner tại khu vực trường đại học Bách khoa Hà Nội, bánh mì doner có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, phiên bản gốc của nó bao gồm 3 loại thịt là thịt cừu, thịt gà, thịt gà. Song, về Việt Nam để phù hợp với thói quen của thực khách, bánh mì doner đã được biến tấu, thịt gà được giữ nguyên, thịt lợn được dùng để thay thế cho 2 loại thịt cừu và thịt bò nhằm làm giảm giá thành xuống cho hợp với túi tiền và khẩu vị của dân Việt hơn.

Hiện nay, tại các khu vực có trường đại học, các khu chung cư, khu vực có toà nhà công sở... thường xuất hiện 1-2 xe bánh mỳ, thậm chí có nơi đến 5 - 6 hàng đứng bán suốt từ sáng tới 9-10 giờ tối.

Tại đoạn đường trước khu đô thị Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ dài khoảng 50m nhưng có tới 4 hành bánh mì doner đứng bán trên vỉa hè để phục vụ nhu cầu của cư dân đô thị và các khách đi qua đường.

Loại bánh mì doner này thường được bán với giá 15.000 đồng/bánh dài và 20.000 đồng/bánh hình tam giác, cá biệt có hàng bán loại bánh mì này với giá 30.000 đồng/bánh vì lượng rau, thịt làm nhân bánh được chủ cho nhiều hơn mức bình thường.

Thu tiền tỷ mỗi năm

Đứng bán bánh mỳ doner kebab ở khu vực Linh Đàm, chị Nhàn chia sẻ, hai vợ chồng chị đã gắn bó với xe bánh mỳ ở đây đã được gần 5 năm.

Chị kể, ngày trước chồng chị làm thợ xây, chị bán rau ngoài chợ, nhưng thu nhập không ổn định mà công việc của chồng lại khá vất vả nên chị quyết định theo chân một người bạn bán bánh mì trước đó để học việc. Sau hơn 2 tuần học cách ướp thịt, cách xiên thịt, cách quay thịt, cắt thịt thành tạho, chị bỏ 30 triệu đồng để mua chiếc xe đẩy có sẵn lò nướng bằng gas, bếp nướng làm nóng giòn bánh mì rồi đứng bán bánh mì ở khu vực Linh Đàm suốt mấy năm qua.


Các xe đẩy bán bánh mì doner ở vỉa hè thu lãi tiền triệu mỗi ngày, thậm chí vài triệu đồng mỗi ngày tuỳ thuộc vào số thịt bán được nhiều hay ít

Các xe đẩy bán bánh mì doner ở vỉa hè thu lãi tiền triệu mỗi ngày, thậm chí vài triệu đồng mỗi ngày tuỳ thuộc vào số thịt bán được nhiều hay ít

Lúc đầu, do mới bán, khách quen chưa nhiều nên một ngày chị chỉ bán được khoảng trên dưới 10kg thịt lợn cộng thịt gà. Tuy nhiên, hết 1 năm đầu, lượng thịt bán ra bắt đầu tăng dần đều, lúc cao điểm chị không thể làm kịp nên chị bảo chồng chị nghỉ việc thợ xây để phụ giúp chị.

Bây giờ, những ngày cao điểm, xe bánh mỳ của anh chị cắt bán hết 35kg thịt quay nướng để làm khoảng 500 suất bánh mì, trong đó có 300 suất bánh mì dài và 200 suất bánh mì tam giác. Tính ra số tiền thu về cả vốn lẫn lãi khoảng 8,5 triệu đồng. Sơ bộ cả năm doanh số 1 xe đẩy bánh mỳ của chị cũng lên tới cả tỷ đồng.

"Bánh mì doner kebab này nguyên liệu thịt là chính, rau gồm xà lách, dưa chuột, bắp cải muối dưa, đu đủ nộm chua ngọt cùng các loại nước sốt tương cà, sốt mayonnaise, tương ớt nên trừ hết các chi phí, ngày cao điểm vợ chồng tôi lãi 3 triệu đồng/ngày ", chị Nhàn chia sẻ.

Theo chị, số tiền kiếm được từ bán bánh mì doner cao gấp 3 lần số tiền trước kia vợ chồng chị làm công việc bán rau và thợ xây. Tuy nhiên, để có được số tiền lãi này, một ngày vợ chồng chị chỉ được ngủ khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ. Cụ thể, buổi sáng hai vợ chồng phải dậy từ 4 giờ sáng ra chợ đầu mối mua các loại rau ăn kèm, mua thịt lợn, thịt gà, sau đó về sơ chế sạch sẽ rồi tẩm ướp. Đến tầm 6 giờ sáng bắt đầu ra vỉa hè bán bánh mì cho tới tối. Khuya về lại ngồi thái bắp cải muối dưa, nạo đu đủ để làm nộm, rửa rau xà lách để chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Ngày nào cũng như ngày nào, mỗi ngày 35kg thịt lợn xiên vào 2 xiên để nướng. Hôm nào đắt khách hết sớm thì nghỉ sớm, hôm nào ế thì 9 giờ đêm hết hàng mới thu dọn đồ nghề.

Trong ngày, để bán kịp cả trăm chiếc bánh, nhất là vào 3 khung giờ cao điểm là sáng - trưa - tối, hai vợ chồng phải làm việc chóng mặt, vợ phải đứng cắt thịt liên tục, chồng nhanh tay độn nhân bánh cho khách. Đó chưa kể hàng chồng bánh đã được làm sẵn để lúc khách tới là có. Cùng với đó, là dàn 3 máy kẹp làm nóng bánh cho khách liên tục hoạt động. Cứ thế đều đặn các ngày trong năm, chỉ trừ các dịp lễ lớn là chị giảm số lượng thịt bán xuống còn một nửa, và Tết Nguyên đán thì tạm nghỉ bán.

Trong khi đó, anh Quân cũng cho hay, một mình anh đứng bán bánh mì tại khu vực trường đại học Bách khoa Hà Nội phục vụ sinh viên, song mỗi ngày anh bán được 15kg thịt trở xuống.

"Bán ở các khu đô thị có khách đều từ sáng tới tối đêm, nhưng bán ở cổng trường đại học chỉ có thời gian buổi sáng, buổi trưa nên lượng hàng bán ra cũng ít hơn. Tuy nhiên, bán hết từng đó thịt thì mỗi ngày tôi cũng lãi được hơn triệu đồng", anh Quân tiết lộ.

Theo Lưu Minh

Vietnamnet

Trở lên trên