MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe máy hết thời "hoàng kim" tại Việt Nam

28-05-2021 - 16:08 PM | Thị trường

Doanh số xe máy tại Việt Nam trong năm 2020 đã giảm 17% so với một năm trước đó, xuống còn 2,7 triệu xe.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), thị trường xe máy Việt Nam trong năm 2020 đạt doanh số 2,7 triệu xe, giảm 17% so với năm trước đó. Đây đã là năm thứ 2 liên tiếp doanh số bán xe máy tại Việt Nam sụt giảm.

Trước đó vào năm 2019, doanh số xe máy tại Việt Nam đạt 3,25 triệu xe, 2018 là 3,39 triệu xe. Năm 2018 cũng được xem là năm đỉnh điểm về doanh số xe máy tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Kể từ đó, sức bán các mẫu xe máy liên tục đi xuống và tụt mạnh doanh số trong năm 2020.

Nguyên nhân chính được nhiều nhà sản xuất đưa ra cho màn sụt giảm đến hơn 500.000 xe trong năm qua là do ảnh hưởng của đại dịch khiến nhiều địa phương phải giãn cách, cửa hàng đóng cửa. Thêm đó vào đó, người dùng cũng có tâm lý e dè hơn khi mua sắm do lo ngại ảnh hưởng kinh tế. Một số khác, như Honda, cho biết tình trạng thiếu linh kiện cũng ảnh hưởng phần nào đến doanh số của các hãng xe.

Xe máy hết thời hoàng kim tại Việt Nam - Ảnh 1.

Doanh số xe máy tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020 (đơn vị: triệu chiếc).

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là thời hoàng kim của xe máy (đặc biệt là xe chạy xăng) đã qua. Với thị trường lớn thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia), thứ 2 khu vực (sau Indonesia), việc doanh số xe máy sụt giảm năm thứ 2 liên tiếp là một tín hiệu rõ ràng. Thực tế, doanh số xe máy đi xuống là xu hướng chung của nhiều thị trường. Chẳng hạn, Indonesia chứng kiến doanh số xe 2 bánh sụt giảm 43%, xuống còn khoảng 3,7 triệu xe, thấp nhất trong 30 năm qua.

Kinh tế phát triển, hạ tầng đô thị cải thiện khiến người dùng có điều kiện sắm ô tô nhiều hơn, đặc biệt là những người dùng trẻ. Việc các mẫu ô tô hạng A và sedan hạng B có giá bán ngày càng rẻ, trang bị tốt hơn trước đây với thiết kế trẻ trung, hiện đại càng kích thích người dùng mua sắm nhiều hơn.

Ngoài ra, còn phải kể đến một nguyên nhân khác là sự xuất hiện của các dòng xe máy điện khiến sức mua xe 2 bánh chạy xăng giảm đi. Không công bố doanh số nhưng VinFast liên tục tung ra các chương trình khuyến mại cho nhiều mẫu xe điện và lặng lẽ chiếm thị phần. Một hãng xe máy điện đáng chú ý khác là Yadee cũng đặt mục tiêu lớn cho thị trường Việt Nam.

Trên thị trường xe máy hiện nay, 6 ông lớn ở thị trường xe máy Việt Nam là Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM hiện chiếm khoảng 95% thị phần, trong đó Honda áp đảo phần còn lại với 78,6% thị phần toàn thị trường. Sản phẩm của hãng này trải rộng các phân khúc từ xe số, tay ga bình dân, tay ga cao cấp, xe côn tay và cả mô tô phân khối lớn. Các hãng khác có dải sản phẩm hẹp hơn, trong đó Piaggo chỉ kinh doanh các dòng xe ga cao cấp.

Xe máy hết thời hoàng kim tại Việt Nam - Ảnh 2.

Mặc dù doanh số đi xuống, các chuyên gia cho rằng "đất sống" của xe máy tại Việt Nam vẫn rộng mở. Thứ nhất là do thói quen di chuyển của người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn thì đây vẫn phải phương tiện di chuyển chính và tiện lợi nhất.

Thứ 2, hệ thống phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm chưa phát triển.

Thứ 3, xe máy điện dù đã phát triển nhưng vẫn khá chậm chạp tại Việt Nam với một số hạn chế chưa thể giải quyết tận gốc như giá bán còn cao, quy trình đổi hoặc xử lý sự cố liên quan đến pin khó khăn, trạm sạc công cộng không có. Do đó, sức phát triển của xe máy điện phần nào bị hạn chế.

Thực tế, các hãng xe máy lớn đều đã có những hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm các mẫu xe điện. Tuy nhiên, việc chưa hãng nào trong số 6 "ông lớn" kể trên đem một mẫu xe máy điện về cho thấy đây vẫn chưa phải giai đoạn chín muồi của thị trường. Năm ngoái, Piaggio từng công bố đưa mẫu Vespa Elettrica về Việt Nam nhưng cho đến nay, model này vẫn chưa xuất hiện.

Thành Duy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên