Xe máy phải dán nhãn năng lượng!
Môtô, xe máy được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng sẽ phải dán nhãn công bố mức tiêu thụ năng lượng như ôtô.
Đó là một trong những nội dung chính được Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo trong đề cương chi tiết Thông tư Dán nhãn năng lượng đối với môtô, xe máy. Dự kiến tuần này, Bộ GTVT sẽ chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Công Thương, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) để bàn về vấn đề này.
Bắt buộc dán nhãn từ năm 2020
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tổng số xe đã đăng ký tại cơ quan công an tính đến ngày 15-3 là 3,76 triệu ôtô, hơn 55,1 triệu môtô và xe máy. Trong đó, xe máy là phương tiện giao thông đường bộ chủ yếu, số lượng dự kiến tăng khoảng 10% trong những năm tới.
Dự thảo nêu rõ việc dán nhãn năng lượng áp dụng bắt buộc với môtô, xe máy được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Các loại xe bán ra thị trường để lưu thông sẽ phải minh bạch thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe, ghi trên nhãn năng lượng dán trên xe. Nhờ đó, khách hàng biết và lựa chọn xe tiết kiệm nhiên liệu. Mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ do nhà sản xuất đăng ký, công bố, có sự kiểm tra, xác nhận của cơ quan quản lý về thông tin mà nhà sản xuất công bố.
Dự kiến từ năm 2020, xe máy được sản xuất, lắp ráp mới sẽ phải dán nhãn năng lượng
Theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 9-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, việc thực hiện bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống; thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với xe từ 7-9 chỗ ngồi đến hết ngày 31-12-2017; môtô, xe máy tới hết ngày 31-12-2019. Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với ôtô từ 7-9 chỗ ngồi từ ngày 1-1-2018; môtô, xe máy từ ngày 1-1-2020.
Cục Đăng kiểm dẫn chứng nhiều quốc gia trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ đã thực hiện dán nhãn năng lượng. Ở Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan cũng đang triển khai. Trong tình hình ngày càng khan hiếm, cạn kiệt nhiên liệu dầu mỏ, Cục Đăng kiểm nhìn nhận việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua dán nhãn năng lượng cần được quan tâm.
Lãng phí
Theo một chuyên gia của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, việc dán nhãn năng lượng xe máy giống như yêu cầu dán nhãn năng lượng đối với ôtô 9 chỗ trở xuống.
"Quy định về dán nhãn năng lượng đối với ôtô, khi xây dựng dự thảo đã gặp nhiều ý kiến phản đối. Chúng tôi cũng đã có ý kiến đóng góp với ban soạn thảo nhưng không được tiếp thu. Thực tế cho thấy việc dán thêm nhãn năng lượng là không cần thiết với cả ôtô, môtô, xe máy mới" - vị này nói.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng với các xe sản xuất, lắp ráp mới, các nhà sản xuất đều công bố những thông số kỹ thuật của xe, bao gồm cả mức tiêu thụ nhiên liệu ở tài liệu kỹ thuật liên quan và họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông số này. Do đó, việc dán thêm nhãn năng lượng về mức tiêu thụ nhiên liệu là lặp lại, không cần thiết và gây lãng phí.
Là người tiêu dùng sử dụng cả ô tô dưới 7 chỗ và môtô, anh Nguyễn Nam Hưng (ngụ TP HCM) lo lắng rằng chi phí để nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu xe dán nhãn năng lượng sẽ được tính vào giá thành bán xe và người tiêu dùng khi mua xe phải trả.
Trong khi đó, ông Thân Văn Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, lại khẳng định yêu cầu dán nhãn năng lượng với môtô, xe máy là xu thế quản lý chung theo hướng tiến bộ và nên làm. Cơ quan quản lý nên thực hiện với các xe sản xuất trong nước trước, sau đó rút kinh nghiệm rồi hãy áp dụng với xe nhập khẩu vì thông thường xe nhập khẩu tốt hơn, có tiêu chuẩn cao hơn xe sản xuất trong nước.
"Việc dán nhãn năng lượng với xe máy, làm khi nào thì phải tính vì phải phù hợp với điều kiện kinh tế và mức độ quản lý kỹ thuật của nước ta, để quy định có tính khả thi" - ông Thanh lưu ý.
Giá xe tăng tùy vào số lần kiểm tra
Đại diện các hãng xe máy cho biết việc dán nhãn năng lượng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất, lắp ráp xe máy do không phải đầu tư mới.
Các thông số kỹ thuật như mức tiêu hao nhiên liệu đều đã được cung cấp trên sách hướng dẫn cung cấp cho người mua xe nên chỉ cần in ấn các thông số kỹ thuật về năng lượng lên tem khá đơn giản. Tuy nhiên, cái khó là mức tiêu hao nhiên liệu do nhà sản xuất đăng ký, công bố này phải có sự kiểm tra, xác nhận của cơ quan quản lý. Theo đó, cơ quan quản lý kiểm tra, xác nhận theo hình thức nào, từng lô xe hay từng dòng xe, mỗi năm kiểm tra một lần hay hãng đưa ra mẫu mới là phải kiểm tra. Tần suất kiểm tra, chi phí kiểm tra sẽ tác động đến giá thành sản xuất.
N.Hải
Người lao động