Xem xét gia hạn ưu đãi thuế sản xuất và lắp ráp ô tô
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành rà soát việc thực hiện chương trình ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô. Cùng với đó, cần xem xét khả năng tiếp tục gia hạn chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2022).
- 30-06-2021Phú Yên dự kiến cần hơn 22 nghìn tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025
- 30-06-2021Thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 775 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 50% dự toán năm
- 30-06-2021Loạt 'ông lớn' Facebook, Amazon, Apple... thực hiện cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo ra sao?
Vừa qua, tỉnh ủy Hải Dương có văn bản gửi Thủ tướng về việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất ô tô. Theo đó, tỉnh này nêu rõ, ngành công nghiệp ô tô luôn là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn vào GDP của các nước lớn trên thế giới.
Tại Việt Nam, ngành ô tô cũng chiếm tới 3% GDP cả nước. Hiện nay, chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện cho sản xuất lắp ráp là một trong những ưu đãi đặc biệt và quan trọng nhất cho các nhà sản xuất ô tô.
Trong bối cảnh Việt Nam đang dần mở cửa thị trường cho xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nhiều quốc gia trên thế giới theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, việc tiếp tục gia hạn chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô là cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng để hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô đưa ra phương án kinh doanh và lộ trình ra mắt sản phẩm, Chính phủ cần xem xét ban hành chính sách (nên có tối thiểu 1 năm trước khi có hiệu lực). Việc ban hành những chính sách có tác động lớn có hiệu lực ngay sẽ gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc định hướng kinh doanh.
Xét đề nghị của Tỉnh ủy Hải Dương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô (chương trình ưu đãi thuế).
Đồng thời, các cơ quan cần nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trong đó bao gồm cả việc xem xét khả năng tiếp tục gia hạn chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2022) và báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, trong bối cảnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với mặt hàng ô tô giảm xuống 0% từ ngày 1/1/2018, nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, Chính phủ đã bổ sung chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô, thực hiện từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.