Xét xử nguyên phó thống đốc NHNN: Những ai bị triệu tập?
Kết quả điều tra cho thấy không đủ căn cứ để xử lý hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm với 11 cá nhân thuộc tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng Xây dựng ở các giai đoạn khác nhau...
Theo kế hoạch từ ngày 25 đến 29-6, TAND TP.HCM sẽ xử sơ thẩm vụ án thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 15.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB).
Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình và bốn nguyên cán bộ thanh tra gồm Hà Tấn Phước (nguyên tổ trưởng tổ giám sát, nguyên phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An), Phạm Thế Tuân (nguyên tổ phó tổ giám sát, nguyên phó giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP.HCM), Lê Văn Thanh (nguyên chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) và Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên tổ giám sát, nguyên phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An ) cùng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm theo khoản 2 Điều 285 BLHS 1999 với khung hình phạt 3-12 năm tù.
Theo quyết định đưa ra xét xử, năm bị cáo mời tất cả 10 luật sư bào chữa, trong đó có các luật sư nguyên là thẩm phán có tiếng trong ngành nay nghỉ hưu như ông Vũ Phi Long, Vũ Lai Bằng, Trương Thị Minh Thơ... Qua trao đổi ban đầu, có luật sư cho rằng hành vi ông Bình bị cáo buộc là không rõ, chứng cứ chưa thuyết phục...
Ông Đặng Thanh Bình.
Đáng chú ý tòa cũng triệu tập 11 cá nhân thuộc tổ giám sát của NHNN đặt tại Ngân hàng Xây dựng ở các giai đoạn khác nhau.
Cụ thể, những cá nhân này được nhắc đến trong cáo trạng như bà Bùi Thị Phương, phó trưởng phòng 1 thuộc Vụ 6 Cơ quan TTGSNH, được phân công là tổ viên và sau đó là tổ phó tổ giám sát giai đoạn 2012-2013. Kết quả đối chất thể hiện trong thời gian bà Phương làm tổ phó phát sinh khoản vay dưới hình thức cầm cố sổ tiết kiệm 5.190 tỉ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích. Trong quá trình thực hiện, bà Phương đã tham mưu cho tổ trưởng có báo cáo với thống đốc về việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm bà Trần Ngọc Bích và không liên quan đến các khoản tiền gửi thị trường 2.
Tương tự, ông Trần Kiều Minh, cán bộ cơ quan thanh tra giám sát NHNN làm tổ viên từ tháng 7-2013 đến tháng 5-2014, theo trình bày của các bị can Phước và Thanh thì ông Minh có trách nhiệm liên quan khoản vay 5.190 tỉ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích.
Bà Trần Thu Hồng, phó trưởng phòng quản lý rủi ro tín dụng Vietcombank Chi nhánh TP.HCM, được NHNN điều động làm tổ viên tổ thanh tra giám sát từ tháng 3-2012 đến tháng 5-2014. Ông Hà Ngọc Minh, phó phòng kế toán Vietcombank, được điều động về tổ giám sát từ tháng 2-2012 đến tháng 5-2014. Ông Minh liên quan đến khoản tiền tạm ứng Corebanking hơn 63 tỉ đồng và khoản hơn 201 tỉ đồng thuê trụ sở của VNCB tại Tô Hiến Thành và khoản 400 tỉ đồng thuê trụ sở tại Sư Vạn Hạnh.
Bà Trần Thị Hòa là trưởng phòng 6 thuộc Vụ 6 cơ quan thanh tra giám sát được phân công là tổ phó từ tháng 3-2012 đến tháng 7-2013. Bà Hòa có trách nhiệm trong khoản vay 600 tỉ đồng của Công ty Nhà Quốc Cường và Nhà Hưng Thịnh, tuy nhiên khoản vay của Hưng Thịnh đã tất toán và khoản vay của Quốc Cường chuyển nợ sang Công ty Thành Thành Công.
Bà Phan Thị Thanh Vân là thanh tra viên NHNN TP.HCM là tổ phó tổ giám sát tại VNCB từ tháng 9 đến tháng 5-2013. Bà Vân có trách nhiệm liên quan đến tiền gửi thị trường 2 và khoản vay trực tiếp tại VNCB…
Ông Trần Mạnh Hùng, phó phòng Vụ 1 cơ quan TTGSNH, là tổ viên, có nhiệm vụ giám sát việc thu hồi những khoản trái phiếu sử dụng vốn sai mục đích, các khoản đầu tư góp vốn theo kiến nghị của Thanh tra NHNN và việc thực hiện giao dịch đầu tư với bản chất cho vay vốn… là hoạt động giám sát sau (gián tiếp).
Ông Huỳnh Tấn Phục là thanh tra viên NHNN TP.HCM làm tổ viên từ tháng 9-2013 đến tháng 5-2014, có trách nhiệm liên quan đến tổ giám sát chấp thuận cho VNCB đưa 1.706 tỉ đồng gửi tại Tienphongbank và 3.070 tỉ đồng gửi tại BIDV.
Ông Lê Đức Khôi, cán bộ cơ quan thanh tra giám sát, là tổ viên từ tháng 9-2013 đến tháng 5-2014, có trách nhiệm ở khoản 300 tỉ cho vay liên quan nhóm Trần Ngọc Bích…
Ông Quách Minh Trung, trưởng phòng khách hàng cá nhân Vietcombank làm tổ viên, có trách nhiệm liên quan khoản 3.750 tỉ đồng cho vay 10 doanh nghiệp của ông Phạm Công Danh.
Ông Lê Ngọc Hải là cán bộ NHNN Chi nhánh Long An, là tổ viên tổ giám sát. Theo phân công, ông Hải được giao nhiệm vụ phối hợp với ông Nguyễn Quang Minh giám sát việc tuân thủ về hoạt động tín dụng và đầu tư của TrustBank, chỉ đạo ngân hàng báo cáo danh sách cổ đông và nhóm khách hàng liên quan… theo dõi, giám sát thanh khoản, sử dụng vốn vay tái cấp vốn và hoàn trả vốn vay tái cấp vốn NHNN… là các hoạt động giám sát sau (gián tiếp).
Kết quả điều tra cho thấy không đủ căn cứ để xử lý hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm với 11 cá nhân liên quan này.
Bị án Phạm Công Danh liên tục xuất hiện trong các đại án ngân hàng do giấc mơ có một ngân hàng riêng cho ngành xây dựng.
Cạnh đó, HĐXX cũng triệu tập hai bị án Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đến phiên tòa.
Ngoài 14 cá nhân liên quan và làm chứng được tòa triệu tập còn có ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh Thanh tra NNNN. Đồng thời tòa cũng triệu tập đại diện NHNN Việt Nam, cơ quan thanh tra giám sát NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Long An và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng VN.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin cáo trạng xác định ông Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu sáu ngân hàng yếu kém theo đề án của Chính phủ, trong đó có VNCB. Tháng 8-2012, ông Bình đã ký tờ trình Chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương.
Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt. Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội. Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao.
Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, gấp sáu lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỉ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỉ đồng. Hậu quả của vụ án khiến NHNN buộc phải mua lại VNCB với giá 0 đồng.
Không chỉ ông Bình thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB mà một số thành viên tổ giám sát được ông Bình ký quyết định thành lập cũng có những hành vi sai phạm trong thực thi công vụ của các bị cáo còn lại thuộc tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB.
Tổ giám sát đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện các hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB...