Xiaomi theo đuổi chiến lược phủ sóng cửa hàng bán lẻ khắp Trung Quốc, hòng lật đổ Huawei trong tương lai gần
Liệu kế hoạch chuyển hướng về thị trường trong nước của Xiaomi có đem lại hiệu quả và làm sao để Xiaomi vượt qua được các thách thức cạnh tranh cực kỳ gay gắt đến từ các đối thủ sừng sỏ như Huawei, Oppo hay Vivo?
- 02-05-2019Cuộc chiến giữa công nghệ cũ và mới: Nhà sáng lập Xiaomi vừa thua cược 1 tỷ tệ
- 19-01-2019Giá cổ phiếu Xiaomi giảm 43% nhưng nhà đầu tư người Nga này vẫn hốt bạc
- 11-01-2019Xiaomi trở thành thương vụ IPO tồi tệ nhất ở Hồng Kông, vì sao nhiều nhà đầu tư vẫn kiếm lợi nhuận khổng lồ?
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng và chưa tìm tiếng nói chung giữa hai bên, nhiều hãng smartphone Trung Quốc đang chuyển hướng tập trung trở lại thị trường nội địa.
Sau khi nhanh chóng mở rộng ra các thị trường nước ngoài, các hãng Trung Quốc như Xiaomi, Huawei đang chuyển hướng tập trung trở lại thị trường trong nước. Nhưng quá trình trở lại lần này không hề đơn giản do thị trường nội địa Trung Quốc đang dần bão hòa vì có quá nhiều hãng smartphone.
Theo Bloomberg, Xiaomi mới đây đã lên kế hoạch chi 725 triệu USD nhằm mở thêm các cửa hàng bán lẻ smartphone trên khắp Trung Quốc.
Trong một cuộc họp nội bộ mới đây, CEO Lei Jun cho biết Xiaomi đang nhắm mục tiêu xây dựng một hệ thống cửa hàng bán lẻ mới nhằm chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc trong vòng 3 năm tới và vượt mặt các đối thủ sừng sỏ như Huawei.
Mặc dù vậy con đường để đạt tới mục tiêu trên của Xiaomi đang ngày càng thu hẹp. Trong Q1/2019, tổng cộng 5 hãng smartphone hàng đầu nước này đã kiểm soát tới 89% thị phần, tăng từ mức 83% hồi năm ngoái.
Mo Jia, nhà phân tích thuộc hãng nghiên cứu Canalys cho biết, thị phần của Xiaomi không những không tăng mà còn giảm nhẹ từ 13% xuống 12%. Trong khi đó các đối thủ của hãng là Oppo và Vivo vẫn duy trì thị phần lần lượt là 19% và 17%.
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Xiaomi cũng đang tập trung trở lại cho thị trường Trung Quốc
Đó không ai khác là Huawei. Hãng smartphone lớn thứ hai thế giới đang gặp "vận xui" do lệnh cấm ở thị trường quốc tế nên quyết định sẽ dành nguồn lực tập trung cho thị trường Trung Quốc để bù đắp cho khoản doanh thu dự kiến 30 tỷ USD có thể mất trong năm nay.
Lệnh cấm của chính phủ Mỹ cũng khiến tham vọng vươn lên trở thành hãng smartphone số 1 thế giới vào năm 2020 của hãng tan biến.
Bryan Ma, phó chủ tịch tại bộ phận nghiên cứu công nghệ của IDC cho biết: "Huawei đang củng cố thành trì của mình ở thị trường quê nhà. Nhưng động thái này cũng sẽ làm gia tăng đáng kể áp lực cho các nhà sản xuất khác trong năm nay".
Tiếp cận thị trường nông thôn hoặc thành phố ở vùng xa sẽ là giải pháp tốt nhất cho Xiaomi
Dù đang chịu nhiều sức ép nhưng Xiaomi đã có những chiến lược mới nhằm đối phó với sự cạnh tranh gay gắt của Huawei, đó là tiếp cận thị trường ngách ở thành phố và nông thôn.
Tại đây Xiaomi đang có ít cửa hàng hơn các thương hiệu như Oppo hay Vivo. Đây cũng là hai hãng gặt hái được nhiều thành công tại thị trường nội địa nhờ việc đầu tư mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ thay vì thương mại điện tử.
Giống như các công ty khác, Xiaomi đang nhìn thấy những cơ hội và cách tiếp cận hoàn toàn mới thông qua việc kết hợp giữa mô hình kinh doanh trực tuyến và cửa hàng thực tế.
Lu Weibing, phó chủ tịch Xiaomi đồng thời là người phụ trách thương hiệu của dòng Redmi cho biết: "Internet đã xóa bỏ khoảng cách thông tin và cho phép người dân ở vùng xa có thể tiếp cận thông tin sản phẩm". Lu tự hào khoe rằng model Redmi K20 Pro hiện đang bán rất chạy tại một số cửa hàng của Xiaomi ở các thị trấn nhỏ tại Trung Quốc.
Đầu tư mạnh mẽ hơn cho các cửa hàng sẽ giúp tăng độ phủ sóng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng của Xiaomi tới cả khu vực nông thôn. Lei Jun khẳng định, khoản đầu tư 725 triệu USD sẽ là chìa khóa quan trọng để Xiaomi tiếp tục duy trì chiến lược phát triển và kinh doanh sản phẩm IoT hiện nay.
Tất nhiên để chiến thắng các đối thủ khác không đơn giản chỉ là việc mở các cửa hàng mới. Xiaomi sẽ phải có một chiến lược cạnh tranh bài bản thông qua các hoạt động khuyến mãi hoặc truyền thông để tạo sức ảnh hưởng trên thị trường trong nước.
Một ví dụ cho thấy chiến lược mở cửa hàng của Xiaomi sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Theo chia sẻ của một người dùng Weibo trên bài đăng của Lu. Người này cho biết anh kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán điện thoại Huawei ở cửa hàng của anh so với điện thoại Xiaomi.
Rõ ràng để đảo ngược điều này, Xiaomi cần phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần các đối thủ đi trước.
Trí thức trẻ