Xin bán bằng mọi giá dự án bột giấy trị giá 2.759 tỷ, nợ phải trả 2.651 tỷ đồng
Giá khởi điểm là 1.885 tỷ đồng tuy nhiên, Tổng công ty Giấy Việt Nam đề xuất nếu đấu giá không thành công sẽ giảm 10% cho lần đấu giá tiếp theo, không giới hạn số lần giảm giá cho đến khi khách hàng tham gia đấu giá thành công.
Giảm giá cho đến khi có khách hàng đấu giá thành công
Tổng công ty Giấy Việt Nam mới có báo cáo giải trình về đề xuất bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hoá tồn kho của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Theo đó, Tổng công ty Giấy cho biết, hiện nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến việc mua dự án, Tổng công ty Giấy Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương xem xét, cho phép Tổng công ty tiếp tục đăng tải thông tin và thực hiện bán đấu giá dự án theo phương án bán đã được phê duyệt với giá khởi điểm là 1.885.412.000.000 đồng, thời gian từ lúc đăng tải thông tin đến lúc tổ chức bán đấu giá tối đa không quá 45 ngày.
Bước 2, khi hết thời gian đăng tải thông tin và thực hiện bán như trên, trong trường hợp không có nhà đầu tư nào quan tâm, Tổng công ty Giấy Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù dưới hình thức ban hành Nghị quyết của Chính phủ, làm cơ sở tiếp tục tổ chức bán đấu giá dự án.
Cụ thể, cho phép giảm 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công liền trước đó, thời gian mỗi lần giảm giá theo đúng quy định của pháp luật và không giới hạn số lần giảm giá cho đến khi có khách hàng tham gia đấu giá thành công. Mỗi lần giảm giá Tổng công ty sẽ đánh giá lại khả năng tài chính và khả năng trả nợ của Tổng công ty sau khi xử lý dự án và báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định việc giảm giá tiếp theo.
Tại báo cáo này, Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng cho biết, cần phải định giá lại toàn bộ tài sản và hàng hoá tồn kho của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam để có căn cứ tiếp tục tổ chức bán đấu giá dự án này.
Bên cạnh đó, đề xuất chỉ định Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam tiếp tục thực hiện hợp đồng tư vấn định giá và mức giá công ty đưa ra cho lần thẩm định này <500 triệu đồng. Hình thức chỉ định thầu sẽ tiết kiệm được thời gian định giá.
Đấu giá 3 lần vẫn ế ẩm
Trước đó, giá trị của dự án này từng được xác định mức 1.712 tỷ đồng và việc định giá được giải thích do “đây là một dây chuyền được thiết kế dựa trên công nghệ chưa được kiểm chứng trong thực tế sản xuất để cho ra sản phẩm công nghiệp cuối cùng, không có dây chuyền tương tự để so sánh mà phải tính toán căn cứ vào giá trị đầu tư thực tế để xác định giá”. Tuy nhiên, sau 3 lần đấu giá vẫn ế ẩm.
Đây là dự án được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6).
Tháng 10/2003, dự án được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi với tổng mức đầu tư 1.487 tỷ đồng tuy nhiên sau nhiều năm không thể hoàn thành dù tháng 11/2007 đã điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2.286 tỷ đồng, tháng 6/2009 chủ đầu tư dự án được chuyển từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) thuộc Bộ Công Thương.
Theo đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã triển khai nhiều công việc với mục tiêu đưa dự án vào hoạt động, song khi được chạy thử có tải cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn, toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử.
Tổng công ty đã mời chuyên gia nước ngoài nghiên cứu khắc phục sự cố nhưng kết quả nhận được là dự án không có khả năng khắc phục sự cố, không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.
Trong một báo cáo, Bộ Công Thương từng cho biết, số liệu quyết toán dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã được kiểm toán của công ty TNHH Kiểm toán Việt Anh tại thời điểm 31/12/2015 tổng nguồn vốn là 2.703 tỷ đồng. Trong đó đáng lưu ý, khoản nợ dài hạn lên đến 2.426 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 225,8 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 107,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại báo cáo này, Bộ Công Thương chưa phản ánh được nguồn vốn thực tế đã giải ngân tính đến thời điểm 31/12/2015 lên đến 2.759 tỷ đồng.
BizLive