Xịn như xe điện 'Made in China': Ô tô không khác gì 'cục pin di động', có thể cung cấp điện năng cho mọi thứ và cả ngôi nhà
Ngày càng nhiều người cho rằng chiếc ô tô điện của họ không chỉ là phương tiện chạy năng lượng sạch và rẻ, mà còn là nguồn cung cấp điện cho những trường hợp khẩn cấp và cuộc sống hàng ngày.
Mỗi buổi sáng, khi những cơn gió lạnh thổi qua khu công trường của Liu Jianhong ở miền bắc Trung Quốc, ông cùng các nhân viên của mình thường cùng nhau uống một tách trà nóng.
Liu sở hữu một doanh nghiệp ở Thiểm Tây, nơi mạng lưới điện thường rơi vào cảnh quá tải. Ông đã cắm một bộ sạc trông giống máy sấy tóc vào chiếc xe điện của mình - mẫu xe thể thao đa dụng của BYD Co., đầu còn lại kết nối với ấm đun nước. Vài phút sau, ấm phát ra tín hiệu nước đã sôi và Liu sẵn sàng pha trà.
Khi ô tô là "cục pin dự phòng"
Liu chia sẻ: “Nhờ có xe điện, chúng tôi có thể uống trà bất cứ khi nào và bất kể nơi nào. Các nhân viên của tôi cực kỳ hài lòng.” Không chỉ có thể đun nước, chiếc xe điện của ông Liu cũng từng “cứu” ông, đó là khi ông cần sạc máy khoan điện tại ngôi nhà mới chưa được lắp đặt hệ thống điện. Ông nói: “Nếu không có chiếc xe này, tôi đã lãng phí thời gian và sức lực đến đó.”
Khi các dòng xe điện có ổ cắm ngày càng phổ biến, thì phương tiện có “sạc 2 chiều” cũng trở thành yếu tố quan trọng với trải nghiệm của người tiêu dùng. Liu là một trong số ngày càng nhiều người cho rằng chiếc xe của họ không chỉ là phương tiện chạy năng lượng sạch và rẻ, mà còn là nguồn cung cấp điện cho những trường hợp khẩn cấp và cuộc sống hàng ngày.
Tại Trung Quốc, nơi cứ 1 trên 5 chiếc ô tô mới bán ra là xe điện, thì nhiều người đang được trải nghiệm những dòng xe như vậy. Họ sử dụng những chiếc xe như pin dự phòng và các nhà sản xuất xe điện cũng quảng cáo sản phẩm của mình là “những cục pin có bánh xe”.
Kể từ khi Liu Xiao (38 tuổi) bắt đầu gắn dây cắm của bếp cắm trại vào chiếc ô tô điện của mình trong những chuyến đi chơi cuối tuần, anh không còn lo lắng về việc tiếp xúc quá gần với lửa. Xiao là người đam mê cắm trại, sống ở thành phố biển Đại Liên.
Mẫu xe điện Tang EV của BYD có thể cung cấp điện cho nhiều thiết bị và cả các ô tô khác.
Mỗi lần đi chơi, anh thường phải mang một hộp đựng nhiên liện, nhưng giờ đây, chiếc xe điện của Xiao - đến từ hãng Li Auto của Trung Quốc, cũng có thể làm việc đó rất tốt. Vào những tháng mùa hè, gia đình anh cũng sử dụng ô tô để để chạy quạt điện và xem phim trên máy chiếu. Xiao chia sẻ về trải nghiệm này: “Chúng tôi cực kỳ hài lòng.”
Cách khu cắm trại ở Đại Liên mà Xiao thường đến khoảng gần 2.000 km về phía tây, Lei Li - một cư dân thành phố Tây An, đã mua một chiếc BYD lai sạc điện (plug-in hybrid) vào năm 2016, với tính năng đặc biệt là sạc 2 chiều. Li chọn chiếc xe này thay vì chiếc sedan của Volkswagen chạy bằng khí đốt. Anh nói: “Tôi đã rất ngạc nhiên về cách một chiếc ô tô có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử.”
Là một nhân viên bán hàng dòng xe tải cắm trại, Li thường xuyên đến các sự kiện triển lãm trong ngành. Li cũng phải sử dụng máy chiếu, bảng quảng cáo điện tử và máy in để in các tờ quảng cáo.
Trong khi đó, việc sử dụng điện ở các trung tâm triển lãm lại rất tốn kém, đôi khi chiếm tới 20% tổng chi phí mà anh đặt ra. Hơn nữa, việc kéo ổ cắm điện ở phòng trưng bày đông người lại khá nguy hiểm. Bởi vậy, Li đã nghĩ ra một giải pháp: đỗ ô tô cạnh gian hàng của mình và dùng nó để cung cấp năng lượng cho các thiết bị của mình.
Cách làm trên hiệu quả đếc mức Li đã sắm một chiếc xe mới của BYD chạy điện hoàn toàn. Anh cũng chia sẻ với ít nhất 10 người bạn của mình rằng họ nên mua xe điện.
Còn Liu - ông chủ công ty xây dựng ở Thiểm Tây, cũng có suy nghĩ tương tự. Sau khi rút 200 nghìn tệ (27.390 USD) từ tài khoản tiết kiệm để mua chiếc BYD, một số hàng xóm của Liu cũng làm theo.
Khi một sự cố xảy ra khiến cả khu mất điện trong 20 tiếng vào một mùa đông lạnh giá năm 2019, Liu đã sử dụng ô tô của mình để cung cấp năng lượng sưởi ấm tại nhà của một người bạn. Ông chia sẻ: “Cha mẹ của bạn tôi - họ đều khoảng 70 tuổi, đã rất lo sợ khi mất điện. Tôi rất vui vì có thể giúp họ tránh được cái lạnh.”
Xe điện có tính năng sạc 2 chiều ngày càng phổ biến
Doanh số bán xe điện ở Trung Quốc vẫn tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, lời cam kết của các nhà sản xuất xe điện về sự thú vị và tiện lợi cũng có thể góp phần thúc đẩy nhu cầu ở các thị trường như Mỹ và châu Âu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới cần khoảng 300 triệu chiếc xe điện vận hành vào năm 2030 để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Tính đến năm ngoái, chỉ 16,5 triệu chiếc đã được bán ra. Việc sử dụng xe điện ở nhiều nơi vẫn bị hạn chế, do lo ngại về quãng đường di chuyển, thiếu trạm sạc và chi phí trả trước cho xe điện vẫn cao hơn so với xe chạy xăng.
Việc sạc 2 chiều được thực hiện bằng cách kết nối chiếc xe với phích cắm điện - còn được gọi là V2L (năng lượng từ xe đến phụ tải). Các nhà sản xuất ô tô như Mitsubishi của Nhật Bản, BYD của Trung Quốc và Hyundai của Hàn Quốc cũng có những mẫu xe điện được phát triển hệ thống V2H (sạc từ xe đến nhà), tức là có thể cung cấp điện năng cho các ngôi nhà và doanh nghiệp. Thậm chí, các xe này còn có thể truyền năng lượng ngược trở lại mạng lưới điện (V2G).
Nhiều mẫu xe điện phổ biến của Trung Quốc, bao gồm Tang DM của BYD, Zeekr 001 của Geely Auto và L8 của Li Auto, được trang bị sẵn các bộ phích cắm điện. Trong quảng cáo của mẫu L8, người sử dụng cắm trại ở ngoài trời, trong khi uống cafe pha từ bột vừa mới xay nhờ năng lượng từ chiếc SUV của họ.
Ổ cắm điện và cổng sạc bên trong Ford F-150 Lightning
Tại Mỹ, Ford đã giới thiệu một tính năng quan trọng của chiếc xe bán tải F-150 Lightning chạy điện là có nguồn điện dự phòng. Và ở Nhật Bản - quốc gia thường xảy ra bão, động đất và sóng thần, Nissan cũng sản xuất một chiếc xe có khả năng cung cấp điện, hỗ trợ các ngôi nhà bị mất điện do ảnh hưởng của thiên tai.
Ingo Puhl - nhà đồng sáng lập hãng tư vấn tài chính khí hậu South Pole tại Zurich, cho biết ông kỳ vọng tính năng sạc 2 chiều sẽ thịnh hành hơn ở “nhiều nơi khác”. Ông nói, sự kết hợp của khả năng di động và cung cấp điện là cực kỳ hấp dẫn, đặc biệt là ở những địa phương có mạng lưới tiện ích chưa được mở rộng và chưa ổn định.
Sạc 2 chiều là tính năng phổ biến hơn ở các dòng xe lớn và đắt tiền hơn, chẳng hạn như xe SUV hay xe bán tải. Và tính năng này cần các hãng phải đầu tư vào một bộ chuyển đổi điện năng khác. Các chuyên gia cũng đang có quan điểm không thống nhất về việc liệu sạc 2 chiều có ảnh hưởng đến tuổi thọ pin hay không.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường