MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xóa bỏ bất công từ chênh lệch địa tô, tránh thất thoát nguồn lực đất đai

21-06-2023 - 11:15 AM | Xã hội

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề chênh lệch địa tô đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội. Do đó, sửa đổi Luật Đất đai lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Xóa bỏ bất công từ lợi ích chênh lệch địa tô

Ngày 21/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết, một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 18 là hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính đất đai, nghiên cứu, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Theo đại biểu, chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao, đất nông nghiệp được mua gom, đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có giá cao gấp chục lần. Ông cho rằng, vấn đề chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội.

Xóa bỏ bất công từ chênh lệch địa tô, tránh thất thoát nguồn lực đất đai - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận ngày 21/6. Ảnh: Như Ý.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Đặc biệt, để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, đại biểu cho rằng cần giải quyết tốt hai vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất.

Về nguyên tắc xác định giá đất, đại biểu đoàn Hà Nam cho rằng, quy định trong dự thảo luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế.

“Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ”, ông nói, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.

Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) khẳng định, quy hoạch sử dụng đất là nội dung đặc biệt quan trọng và được thể hiện xuyên suốt trong Luật Đất đai. Ông đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để có điều chỉnh phù hợp nhằm quản lý sử dụng có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch sử dụng đất được phân thành 3 cấp gồm cấp quốc gia - cấp tỉnh - cấp huyện. Để thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan Trung ương và chủ động trong tổ chức thực hiện của địa phương, đại biểu đề nghị mỗi cấp quy hoạch cấp quốc gia và cấp tỉnh quy định giới hạn một số nhóm đất chính cần thiết để đảm bảo mục tiêu tầm quốc gia và cấp tỉnh, không quy định quá chi tiết về các loại đất.

Xóa bỏ bất công từ chênh lệch địa tô, tránh thất thoát nguồn lực đất đai - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: Như Ý.

Sinh kế chưa được quan tâm đúng mức

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) quan tâm tới quy định phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, theo đại biểu, không phải cứ có nhà to hơn thì được coi là có nơi ở tốt hơn.

Ông cho rằng, nếu cứ hiểu theo nghĩa đen sẽ dẫn đến vướng mắc trong cơ chế đền bù. Theo ông, khi thu hồi đất, cuộc sống sinh kế của người dân bị ảnh hưởng ra sao lại chưa được quan tâm đúng mức.

“Sau thu hồi đất, công việc hàng ngày của họ không có, ảnh hưởng đến cuộc sống, rồi đến lúc nào đó lại phải bán nhà đi chi tiêu, rồi lại trở thành vô gia cư”, ông Huân bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thì cho rằng, thể chế chính sách đối với loại hình đất kinh doanh phi nông nghiệp còn mờ nhạt.

Theo thống kê có khoảng 25% lao động làm việc trong ngành ăn uống và liên quan đến lưu trú, đây là giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn về thể chế chính sách cho loại đất này còn mờ nhạt. Vì vậy cần có chế định cụ thể đối với đất thương mại dịch vụ để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi.

Đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 47 về điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất và được Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.

Theo Luân Dũng

tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên