''Xóa sổ'' các xóm cà phê đường tàu
Thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ có hiệu lực đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
- 25-08-2022Đường sắt cao tốc Bắc-Nam công nghệ giống tàu Shinkanshen có gì đặc biệt?
- 15-07-2022Khách Tây tấp nập check-in 'xóm cà phê đường tàu' Hà Nội
- 26-06-2022Đường sắt Cát Linh- Hà Đông cho hành khách mang xe đạp gấp lên tàu
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây đã tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu (thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình) gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Liên tục tái diễn vi phạm
Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc VNR, cho biết từ đầu năm 2018, ngay khi xuất hiện tình trạng trên, tổng công ty đã chỉ đạo Công ty CP Đường sắt Hà Hải (đơn vị được giao quản lý) phối hợp với các đơn vị liên quan lập biên bản vi phạm, tuyên truyền, cưỡng chế giải tỏa các hành vi vi phạm, xử lý phạt hành chính...
Theo đó, Công ty Hà Hải ngày 2-5 đã có văn bản đề nghị các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng người dân bày hàng bán xung quanh khu vực đường sắt, du khách trong nước và nước ngoài tụ tập quay phim chụp ảnh, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Ngày 6-5, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo, xử lý tình trạng bán hàng và ngày 18-5, UBND TP đã có văn bản giao UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình phối hợp với VNR xử lý tình trạng bán hàng nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Nhiều du khách uống cà phê và tham quan, chụp ảnh ở khu vực xóm cà phê đường tàu Ảnh: HỮU HƯNG
Tuy nhiên, ngày 3-8, các đơn vị đường sắt liên quan đã phối hợp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, các đoạn đường sắt đi qua các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên. Kết quả ghi nhận tình trạng người dân vẫn bày bán hàng. Thời gian gần đây (nhất là dịp nghỉ lễ 2-9 vừa qua), tình trạng bán hàng và du khách nước ngoài, người dân vẫn đến khu vực trên để chụp ảnh, quay phim.
Theo ghi nhận, trong ngày 14-9, nhiều quán cà phê ở khu vực trên vẫn mở cửa hoạt động, thu hút đông đảo du khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan và uống cà phê. Có nhiều du khách vẫn thản nhiên di chuyển vào khu vực giữa đường ray để chụp ảnh dù lực lượng chức năng túc trực nhắc nhở.
Xây dựng đề án để thành điểm đến du lịch
Đại diện UBND quận Ba Đình cho biết địa phương đã quyết liệt dẹp bỏ các quán cà phê dọc tuyến đường sắt. Đến nay, địa bàn phường Điện Biên không còn hàng quán cà phê sát khu vực đường sắt. Một lãnh đạo UBND phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) cho biết ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, chính quyền đã mời các hộ kinh doanh trên địa bàn đến ký cam kết không vi phạm an toàn giao thông đường sắt.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, 100% cơ sở kinh doanh ở khu vực xóm cà phê đường tàu ở Hà Nội đều vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt, trong 3 ngày tới, quận sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh, đình chỉ có hiệu lực. Quận cũng sẽ xây dựng đề án gắn với tuyến đường sắt này nhằm hình thành điểm đến thu hút du lịch, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân và du khách. "Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công ty CP Đường sắt Hà Hải xây dựng đề án theo khung giờ, khoảng thời gian tàu chạy phù hợp, vừa đáp ứng nhu cầu người dân vừa tuân thủ quy định pháp luật" - ông Quân nêu giải pháp.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, theo Luật Đường sắt 2005, chính quyền sở tại hoàn toàn có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính để xử lý nghiêm các vi phạm không bảo đảm an toàn giao thông. Để giải quyết triệt để hơn nữa thực trạng trên, theo luật sư Hậu, UBND TP Hà Nội cần ban hành quy định chủ cơ sở tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ giải khát ngoài phạm vi 2 m tính từ mép ray đường sắt ngoài cùng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đồng thời, thành phố cần dỡ bỏ ngay các công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đường sắt và nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng, đến nay, thành phố đã tổ chức đóng 51/63 lối đi dân sinh, trên địa bàn thành phố hiện còn 12 lối đi dân sinh (chủ yếu tại quận Liên Chiểu) chưa thể đóng để phục vụ xe cộ lưu thông. Tại 12 lối đi dân sinh này, Đà Nẵng đã thu hẹp, lắp đặt biển chú ý tàu hỏa; tại 7 vị trí có mật độ lưu thông cao đã bố trí tăng cường tổ cảnh giới, chốt gác 24/24 để cảnh giới an toàn.
H.Định
Người Lao động