Xử lý dự án gang thép “đắp chiếu” chờ nhà thầu Trung Quốc: “Thà bỏ đi một lần còn hơn”
Liên quan đến phương án xử lý dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, không thể tiếp tục ném tiền vào dự án này, thà bỏ đi một lần còn hơn.
- 13-12-2016Không có lợi ích nhóm trong các dự án thép!
- 12-12-201612 dự án thép bị loại khỏi quy hoạch
- 09-12-2016Bắt đầu tìm cách 'giải cứu' dự án 8.000 tỷ Gang thép Thái Nguyên
Mới đây, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đã tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên .
Đây là dự án có quy mô đầu tư lên đến 8.104 tỷ đồng, chủ đầu tư là CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) sau gần chục năm triển khai hiện “đắp chiếu”, nhà thầu Trung Quốc bỏ về nước, các chi phí hao mòn, duy trì, bảo dưỡng lên đến vài trăm tỷ đồng.
Trong phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm ngành công thương, Thủ tướng đã đề cập đến dự án này và cho biết: “Không thể cứ tiếp tục ném tiền vào những gang thép Thái Nguyên mấy nghìn tỷ”.
Thực tế, gang thép Thái Nguyên là một trong những dự án nghìn tỷ của các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đang rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, càng làm càng lỗ.
Về phương án xử lý dự án gang thép Thái Nguyên, trao đổi với BizLIVE, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói: “Thà bỏ đi một lần còn hơn” và cho biết, vấn đề phát triển, quy hoạch ngành thép, cho phép hay không cho phép dự án thép ra đời hay tiếp tục được triển khai không phải thừa hay thiếu. “Vấn đề hội nhập, tham gia phân công lao động, anh là người đi sau nên cần chọn những gì làm tốt nhất có lợi nhất và không ô nhiễm môi trường”, ông Mại nói.
Bình luận về vấn đề này, ông Mại cho biết thêm, thế giới bắt đầu giảm sắt thép. Tại Trung Quốc giảm 25%, từ 2002 đến giờ các dự án có sản lượng dưới 2 triệu tấn giảm dần… “Mình muốn đưa thép vào, chưa nói đến bao nhiêu, không thoát khỏi công nghệ Trung Quốc. Tại sao mình đi vào cái mà người ta đang khổ sở, muốn cắt giảm? Tôi dứt khoát phản đối việc tiếp tục cấp phép các dự án sản xuất thép có quy mô lớn”, ông Mại nói.
Ngoài ra, ông Mại cũng cho biết, ngoài thép, còn 2 ngành nên hạn chế là xi măng và hoá dầu. “Tôi cho rằng 3 ngành nên hạn chế là thép, xi măng, hoá dầu. Đáng lẽ không có Formosa Hà Tĩnh thì tốt nhưng lỡ rồi, bây giờ cần dừng việc cấp phép mới các dự án thép vì công nghệ lò cao, không có cách gì khác xả thải ra môi trường. Sản xuất xi măng, 1 năm gần 700 triệu tấn đá vôi, các tỉnh thành Kiên Giang, Ninh Bình mất nhiều núi đá vôi, nếu như vậy thì khí hậu sẽ như thế nào? Thứ 3 là hoá dầu, may dự án Nhơn Hội vì bản thân nhà đầu tư rút nếu không cũng rất nguy hiểm”, Chủ tịch VAFIE nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, không nên “ném” thêm tiền vào dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên vì dự án đã ứ đọng hàng nghìn tỷ đồng.
“Thép Trung Quốc giá rẻ tràn thị trường, thép sản xuất trong nước khó cạnh tranh chưa kể, đầu vào để sản xuất, Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu và các vấn đề liên quan, tác động đến môi trường”, ông Hồ nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, tinh thần chung là không ưu đãi thêm, các dự án phải tìm mọi cách xử lý, rà soát nguyên nhân vì sao, khắc phục được không và bằng cách nào. Trường hợp xét thấy không thể đảm bảo hiệu quả phải “cắt đi”, tìm cách xử lý thu hồi vốn mặc dù có thể thất thoát một phần vốn quan trọng nhưng còn hơn tiếp tục vì nếu tiếp tục có thể còn mất nhiều hơn.
BizLIVE