MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu thực chất, giảm lãi suất cho vay, khó ở đâu?

23-08-2016 - 14:31 PM | Tài chính - ngân hàng

Sắp hết quý III năm 2016, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn chưa có nhiều khởi sắc, “mây xám còn nhiều”. Trước vô vàn khó khăn thách thức đặt ra cho Chính phủ mới, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 nhằm cải thiện tình hình kinh tế chung.

Theo đó, một trong những điểm nổi bật của dự thảo là chính sách tiền tệ và tài khóa. Dự thảo đã đặt ra thách thức lớn cho NHNN trong thời gian tới với câu chuyện làm sao để xử lý nợ xấu, giảm lãi suất và minh bạch hóa thị trường tiền tệ.

Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, “NHNN cần điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế”.

Đây cũng là một trong những thành tích lớn mà NHNN đã làm được trong 6 tháng đầu năm nay. Nhận định về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Chính sách tiền tệ đã có sự phối hợp nhịp nhàng hơn với chính sách tài khoá, khi chỉ trong nửa đầu năm đã huy động lượng vốn lớn từ trái phiếu Chính phủ, đạt tới 75% kế hoạch năm, với kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn. Nhờ đó vốn cho phát triển kinh tế được đảm bảo và dòng tiền ngân sách cũng được giám sát tốt hơn.

Cùng với đó NHNN cũng có cách thức mới trong điều hành tỷ giá ngay từ đầu năm. NHNN đã bơm, hút tiền kịp thời, vừa đảm bảo tốt thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tăng mạnh dự trữ ngoại tệ, vừa duy trì mức cung tiền phù hợp với yêu cầu ổn định vĩ mô và kinh tế vĩ mô đã không có những “cú giật” bất thường.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặt mục tiêu cho NHNN làm sao điều hành lãi suất, tỷ giá theo nguyên tắc thị trường phục vụ các mục tiêu phát triển. Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đảm bảo vốn tín dụng của nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Đây được coi là thách thức lớn với NHNN, theo phân tích của ông Thành thì hiện nay doanh nghiệp đang rất lo lắng về tình hình lãi suất tăng trong nửa cuối năm 2016 và trong thời gian dài hạn. “Lãi suất sẽ khó giảm, nếu không muốn nói là sẽ tăng. Bởi chúng ta vẫn cần phải cân đối giữa thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nên không thể nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều được”, ông Thành nhận xét.

Nhận định về nhiệm vụ của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, ông Thành cho rằng, sẽ còn nặng nề hơn, bởi không chỉ giữ vững thành quả ổn định vĩ mô, chúng ta còn cần hỗ trợ mạnh hơn cho sản xuất kinh doanh, cho phục hồi của nền kinh tế.

Trước hết, áp lực lên tỷ giá của Việt Nam là câu chuyện sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến cách thức điều hành cả chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá. Cuối năm ngoái áp lực lên tỷ giá của Việt Nam là khá lớn, trong đó có 3 áp lực chính.

Thứ nhất, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT khá mạnh đã kéo theo sự mất giá của nhiều đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có nhiều đồng tiền gắn với các đối tác thương mại của Việt Nam.

Áp lực thứ 2 là vào thời điểm đó có rất nhiều dự báo và cũng là chính sách của FED trong năm 2016, sẽ tăng lãi suất USD. Và cuối cùng là áp lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ lên lãi suất của Việt Nam hiện nay chính là nợ xấu. Nhìn rõ vấn đề trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần thực hiện mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Thúc đẩy phát triển mạnh thị trường chứng khoán, thị trường mua bán nợ.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6 là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5. Nếu nhìn vào con số này, chúng ta sẽ dễ nhầm tưởng rằng “nợ xấu” đang bớt xấu. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các ngân hàng lại cho thấy dù tỷ lệ nợ xấu đều dưới 3%, riêng Eximbank là 5,3%, thì thực tế, quy mô nợ xấu của ngân hàng có sự gia tăng đáng kể.

Điển hình như BIDV, chỉ trong 6 tháng, nợ xấu của ngân hàng này đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, tương đương 31% trong khi dư nợ cho vay chưa tới 10%. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV cũng đã chạm mức 2%, trong khi theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 thông qua, HĐQT cam kết sẽ giữ nợ xấu dưới 2%.

Quy mô nợ xấu tăng, việc xử lý nợ xấu chưa có lỗi thoát là một đề tài được bàn tới lâu nay của thị trường tài chính Việt Nam và cũng là thách thức lớn với NHNN.

Ông Thành nhận định: “Trong 6 tháng cuối năm làm sao để không tăng lãi suất thì còn nhiều việc phải làm. Điều căn bản hơn là đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu”.

Lãi suất huy động đã rục rịch tăng ở nhiều ngân hàng trong thời gian qua. Đây là một trong những yếu tố làm lãi suất cho vay khó giảm. Không những thế, xử lý nợ xấu không thực chất vẫn là rào cản lớn ăn mòn lợi nhuận ngân hàng và ảnh hưởng xấu tới thị trường lãi suất.

Theo Nguyễn Thoan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên