MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý thế nào việc hãng tàu nước ngoài 'lạm thu'?

Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, khi yêu cầu các hãng tàu nước ngoài giải thích về việc tăng phụ thu, họ đưa ra rất nhiều lý do để biện minh. Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là Việt Nam chưa có cơ chế để quản lý các khoản phụ thu.

Phí chồng phí

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam - đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa kiến nghị các bộ, ngành về việc các hãng tàu nước ngoài đồng loạt tăng phụ phí xếp dỡ (THC) tại cảng từ tháng 2. Điều này khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh “phí chồng phí” khi giá cước vận tải liên tục tăng mạnh do ảnh hưởng từ xung động tại Biển Đỏ.

Ông Phan Thông - Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam - cho biết, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài tự ý thu hàng chục loại phí, phụ phí khác nhau với hàng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Việc tăng giá này không căn cứ theo quy định nào của cơ quan quản lý và cao hơn nhiều so với phí bốc dỡ mà hãng tàu trả lại cho phía cảng biển Việt Nam.

Lần điều chỉnh này diễn ra sau khi Thông tư 39 - quyết định thay đổi giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu bến, bốc dỡ container được Bộ GTVT ban hành vào cuối 2023, có hiệu lực từ 15/2.

Xử lý thế nào việc hãng tàu nước ngoài 'lạm thu'?- Ảnh 1.

Doanh nghiệp phản ánh các hãng tàu nước ngoài đang tăng hàng loạt phí thu phụ một cách tùy tiện.

Theo đó, phí THC được các hãng tăng 10-20%, từ mức 180-190 USD lên 200-210 USD với container tiêu chuẩn 40 feet. Container đông lạnh 40 feet có giá mới là 255-265 USD. Mức này gấp 3 lần điều chỉnh giá bốc dỡ container của các cảng biển Việt Nam.

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng, việc tăng phí lần này chỉ áp dụng với Việt Nam, các nước trong khu vực chưa có động thái điều chỉnh. Đặc biệt, xét theo giá trị tuyệt đối, 10-20% tăng phí THC của hãng tàu đang cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

"Các hãng tàu nước ngoài niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc nào của cơ quan chức năng khiến các doanh nghiệp bất bình", ông Thông cho hay.

Ngoài phí THC, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA) phản ánh các hãng tàu đang thu 10 loại phụ phí khác , phụ thu chứng từ, xăng dầu, vệ sinh container, giảm thải lưu huỳnh, phí cân bằng container... Mức phí thêm 9-100 USD mỗi loại với hàng tại cảng.

Ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch VISABA - cho biết, các chủ hàng Việt Nam không phải người đàm phán ký hợp đồng vận chuyển, nên để lấy được hàng họ buộc phải chấp nhận các điều khoản phụ thu hãng tàu đưa ra. Việc các hãng tàu tự ý tăng các khoản phí, phụ phí ảnh hưởng tới quyền lợi doanh nghiệp, làm tăng chi phí logistics và giảm cạnh tranh hàng Việt với các nước.

Xử lý thế nào việc hãng tàu nước ngoài 'lạm thu'?- Ảnh 2.

Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính đưa các khoản phụ thu vận tải biển vào danh mục yêu cầu bắt buộc phải kê.

Yêu cầu kê khai cơ cấu các khoản phụ thu

Ông Lê Đỗ Mười - Cục trưởng Hàng hải Việt Nam - cho biết, trong khi chờ các quy định pháp luật quản lý phí phụ thu của các hãng tàu, Cục đang phối hợp cảng vụ và đơn vị có liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng xuất nhập khẩu.

Thông tin thêm về việc này, bà Nguyễn Thị Thương - Phó trưởng Phòng Vận tải và dịch vụ Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam - cho hay Cục đã phối hợp với Bộ Công Thương cùng làm việc với hãng tàu về việc giá cước vận chuyển liên tục tăng trong thời gian qua. Cục đã giao các cảng vụ kiểm tra và rà soát các khoản phụ thu, giá cước vận chuyển của các hãng tàu, đồng thời đề nghị các hãng tàu giải thích thu lý do thu phụ phí cao.

“Họ đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho việc tăng phí. Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là Việt Nam chưa có cơ chế để quản lý các khoản phụ thu. Hiện Bộ GTVT đã kiến nghị với Bộ Tài chính đưa các khoản phụ thu vào danh mục yêu cầu bắt buộc phải kê. Khi đó, các hãng tàu muốn tăng phí phải có căn cứ, và báo cáo với cơ quan chức năng Việt Nam. Bộ Tài chính đã tiếp thu và đưa vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật giá có hiệu lực vào 1/7/2024”, bà Thương cho hay.

Theo bà Thương, xung đột tại Biển Đỏ đang khiến giá cước vận tải biển tăng vọt xảy ra trên toàn cầu. Cước phí vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu tăng gấp đôi. “Đặc thù hiện 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam là do các đối tác nước ngoài chi trả vận chuyển. Tuy nhiên, việc này vẫn tác động giá cả hàng hóa, ảnh hưởng giá thành sản phẩm. Cục đang kiến nghị đưa các tuyến hàng hải của hãng tàu nước ngoài vào diện báo cáo để theo dõi, giám sát”, bà Thương nói.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

Trở lên trên