MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử phạt kháng sinh trong chăn nuôi vướng đủ đường

18-06-2016 - 14:42 PM | Thị trường

Việc thu hồi, tiêu hủy thịt nhiễm kháng sinh cũng như xử phạt vi phạm hành chính vẫn chưa thể thực hiện được bởi tại thời điểm lấy mẫu, lô thịt được lấy là sản phẩm hợp pháp, có giấy chứng nhận kiểm dịch nên không đủ cơ sở để tạm giữ trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

Chưa xử phạt được vụ nào cụ thể

Theo ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục Thú y TPHCM, vừa qua, Chi cục đã kiểm tra và phát hiện 25/159 (gần 16%) mẫu có tồn dư kháng sinh (sulfadimidin hoặc tetracycline). Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với Trung tâm Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 lấy 111 mẫu, phát hiện 6 mẫu tồn dư sulfadimidin (5,4%). Việc lấy mẫu được tiến hành trên cả thịt bò, heo, gà nhưng chú ý hơn đến nhóm thịt gà công nghiệp do vòng đời ngắn (khoảng 42 ngày), nếu người chăn nuôi có sử dụng kháng sinh thì rất dễ bị tồn dư do không đào thải hết.

Theo nguyên tắc về lấy mẫu, số mẫu trên đủ lớn để có thể kết luận kết quả đợt giám sát phản ánh tình hình thịt nhiễm kháng sinh lưu hành trên thị trường và người dân TPHCM đang sử dụng. Tuy nhiên, công tác lấy mẫu hiện nay chủ yếu để giám sát và cảnh báo nhằm chấn chỉnh khâu chăn nuôi là chính. Còn việc thu hồi, tiêu hủy thịt nhiễm kháng sinh cũng như xử phạt vi phạm hành chính vẫn chưa thể thực hiện được bởi tại thời điểm lấy mẫu, lô thịt được lấy là sản phẩm hợp pháp, có giấy chứng nhận kiểm dịch nên không đủ cơ sở để tạm giữ trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

Hơn nữa, phần lớn thịt hiện nay là sản phẩm tươi sống, thời gian lưu thông ngắn (trong ngày) nên khi có kết quả xét nghiệm (thường sau 7 - 14 ngày) thì người ta đã tiêu thụ hết. “Cái khó của TPHCM là chưa kiểm soát được sản phẩm chăn nuôi từ gốc, trong khi cả nước có đến 70% là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, tình trạng thu gom vẫn phổ biến, nhiều lô hàng phần lớn là không thể truy xuất được nguồn gốc. Thế nên, việc kiểm soát sản phẩm chăn nuôi đang được thực hiện qua từng công đoạn, theo từng địa phương và có những khoảng hở nhất định”, ông Phát nói.

Điều này có nghĩa, một trong những nguyên nhân tình trạng tồn dư chất kháng sinh không được cải thiện là bởi vì không thể xử phạt các chủ hàng do họ đều được cấp phép gần như đều đúng quy trình. Mới đây, tại hội thảo “Vấn đề ATVSTP từ việc lạm dụng chất cấm trong SXNN” do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức đã cho thấy bức tranh sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi khá “tối”.

Đó là, qua điều tra sơ bộ tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại 5 tỉnh gồm Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình và Nam Định đã cho kết quả 100% cơ sở chăn nuôi đều sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho heo; 68% cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng; 24,4% cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, trong đó 1,23% số hộ trộn bằng kháng sinh dạng nguyên liệu. GS Dương Thanh Liêm (Cố vấn Dinh dưỡng và TĂCN, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) nói thẳng, đó là mới chỉ điều tra “bỏ túi” 5 tỉnh, chứ có 10 tỉnh cũng đều dính kháng sinh hết.

Nhờn kháng sinh nghiêm

trọng Điều đáng nói, không chỉ “loạn” sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm mà thủy sản cũng không kém, bởi có một số loại kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng lại được phát hiện sử dụng tại một số giai đoạn nuôi trồng đối với con tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), con cá (cá tra, cá rô phi, cá lóc). Đặc biệt, kháng sinh cấm chloramphenicol từng bị phát hiện lạm dụng trong cả nuôi trồng lẫn bảo quản khi lưu thông trên thị trường đối với thủy sản nuôi (tôm, cá), hải sản (cua, mực, bạch tuộc, ghẹ) và thủy sản khô các loại trên phạm vi cả nước.

Không những vậy, theo TS Lê Thanh Hùng (nguyên Trưởng khoa Thủy sản - Trường ĐHNL TPHCM), con tôm thường dễ mắc nhiều dịch bệnh nên người nuôi buộc phải sử dụng các chất kháng sinh để phòng ngừa, dẫn đến nhiễm kháng sinh. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại chính là ở chỗ khâu chế biến gây nhiễm kháng sinh. Bởi lẽ, trong quá trình chế biến, nhiều cơ sở đã lạm dụng các chất bảo quản để sản phẩm được tươi, lâu phân hủy, đặc biệt là bơm chích tạp chất vào tôm. “Trong khi đó, quy trình kiểm định dư lượng kháng sinh trong tôm hiện nay là do DN tự chọn mẫu gửi đến cơ quan kiểm định. Do đó, những DN gian dối sẽ chọn mẫu tốt nhất để kiểm định, trong khi cả lô hàng thì kém chất lượng. Cách kiểm định này đã gây tổn thất “liên lụy” cho các DN làm ăn chân chính”, TS Hùng nói.

Báo cáo của Bộ Y tế vào tháng 5.2016 cũng thừa nhận, trong chăn nuôi công nghiệp hiện có hiện tượng lạm dụng quá nhiều các loại kháng sinh tổng hợp, số hộ sử dụng thuốc kháng sinh có từ 3 - 6 hoạt chất chiếm 27% số trang trại nuôi heo (lợn) thịt, 24% trang trại nuôi heo con và 10% trang trại nuôi gà, vịt. Tuy nhiên, có thể nói ngay rằng đến nay việc quản lý sử dụng kháng sinh chăn nuôi gần như bỏ ngỏ. Từ đó báo cáo đề xuất: “Thực trạng kháng (nhờn) thuốc kháng sinh trên con người ngày càng nghiêm trọng khiến hiệu quả điều trị thấp, kéo dài ngày nằm viện, tăng chi phí điều trị. Các cơ quan chức năng cần sớm có chế tài nghiêm khắc đối với các cơ sở chăn nuôi lạm dụng kháng sinh, xử lý các nhà thuốc bán kháng sinh mà không có đơn. Trong điều trị, các bệnh viện cần phải tuân thủ làm kháng sinh đồ (nhằm xác định loại kháng sinh dùng cho phù hợp - PV), thường xuyên “bình” (luận) đơn thuốc để xử lý những BS sử dụng kháng sinh bừa bãi”.

PV

Lao động

Trở lên trên