MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Brexit - hóa ra chỉ là “cú hắt xì”?

Các chuyên gia lý giải về tốc độ phục hồi nhanh tuần qua đưa VN-Index lên 640 điểm như là một phản ứng ngược trước hành động bán tháo thái quá của tuần trước...

Việc thị trường chứng khoán nhanh chóng tăng trở lại, thậm chí vượt luôn cả ngưỡng trước thời điểm xảy ra sự kiện Brexit, khiến tâm lý chung cho rằng sự kiện này không nghiêm trọng.

Các chuyên gia lý giải về tốc độ phục hồi nhanh tuần qua đưa VN-Index lên 640 điểm như là một phản ứng ngược trước hành động bán tháo thái quá của tuần trước. Không chỉ có thị trường Việt Nam, thị trường thế giới cũng phục hồi đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi đánh giá triển vọng thị trường thời gian tới, các chuyên gia vẫn có sự khác biệt và thận trọng. Quan điểm tích cực nhìn nhận về dòng tiền tốt và tâm lý hưng phấn lên cao và khả năng vượt lên đỉnh cao hơn của VN-Index là khả ti.

Hơi khác một chút, quan điểm thận trọng hơn nhìn nhận các yếu tố vĩ mô vẫn chưa hội tụ đủ để giúp thị trường thay đổi về chất, chuyển sang một thị trường giá lên dài hạn. Ngay trong ngắn hạn, mặc dù VN-Index vượt lên đỉnh cao mới nhưng các cổ phiếu vẫn chưa mạnh tương xứng.

Đa số chuyên gia đã thực hiện tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tuần qua với mức cao nhất đạt 60%.

Nguyễn Hoàng: thật là một tuần giao dịch mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng của nhiều người khi VN-Index có được mức tăng mạnh nhất kể từ tuần tạo đáy tháng 1/2016. Chỉ số đóng cửa còn trên cả 640 điểm. Thậm chí trước khi xảy ra sự kiện Brexit, không mấy người nghĩ đến đà tăng vượt 640 điểm một cách dễ dàng như vậy. Tại sao sự kiện Brexit được coi là gây rủi ro hơn mà lại khiến thị trường tăng hoành tráng như vậy, trong khi các yếu tố vĩ mô thực chất không có gì thay đổi chỉ trong 1 tuần?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: theo tôi, để lý giải cho hiện tượng này, đầu tiên phải kể đến việc phản ứng thái quá của thị trường với sự kiện Brexit khiến cho đa phần các cổ phiếu rơi vào tình trạng bị bán tháo quá đà.

Thêm vào đó, dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index tuy sụt giảm mạnh nhưng không những không xuyên thủng vùng hỗ trợ quan trọng 590-595 điểm mà còn cho phản ứng hồi phục tích cực trở lại đã phần nào giúp củng cố xu hướng đi lên của chỉ số và khiến tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng bình ổn trở lại.

Kế đến là sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ, giá dầu thế giới và đồng Bảng Anh.

Bên cạnh đó, xét về khía cạnh ảnh hưởng từ sự kiến Brexit đến thương mại Việt Nam, tôi cho rằng tác động này không đáng kể do Anh không phải là đối tác thương mại chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam.

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): ngày 24/6 là ngày mà thông tin bất lợi Brexit lan tỏa cùng với dư địa của ảnh hưởng từ sự sụt giảm của nhiều chỉ số chứng khoán thế giới đã tác động rất mạnh đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. Thời điểm đó và thanh khoản trên hai sàn giao dịch vượt qua con số 5.000 tỷ đồng đã phản ánh động thái phản ứng thái quá từ phía các nhà đầu tư bất chấp những diễn biến tích cực từ thị trường ở các tuần trước đó cũng như diễn biến vĩ mô khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam.

Dường như nhà đầu tư cũng đã trấn tĩnh hơn khi nhận thấy dư địa ảnh hưởng của Brexit đến Việt Nam là không nhiều thông qua các mối tương quan cũng như con số giao thương giữa các vùng - Anh, EU với Việt Nam và rằng quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam có thể không bị tác động nhiều so với các nơi khác trên thế giới.

Dù thế nào đi nữa, tâm lý đám đông vẫn luôn thể hiện song song 2 bộ mặt thật đó là tham lam và sự sợ hãi. Một khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc, cầu vào các cổ phiếu ấn tượng là một bộ phận các nhà đầu tư ngắn hạn lại quay trở lại xu thế mua vào. “Nhà đầu tư luôn mắc những sai lầm cố hữu - sai lầm này luôn được lặp lại”.

Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT: so với giai đoạn trước đây chúng ta từng chứng kiến thị trường từ trần về sàn hoặc ngược lại chỉ trong 1 phiên thì sự đảo chiều của thị trường trong tuần này không phải sự ngạc nhiên lớn lắm.

Thị trường chứng khoán bản chất luôn bất ngờ và chúng ta thường biết lý do sau khi thị trường đã tăng hoặc giảm. Vì vậy, tôi không cố gắng tìm hiểu tại sao bất chấp những cảnh báo rủi ro về Brexit thị trường vẫn tăng.

Với tôi quan trọng hơn là dòng tiền đổ vào thị trường mạnh mẽ ở mức độ nào, nhà đầu tư có lãi hay không và thị trường thế giới liệu có thể ảnh hưởng xấu đến Việt Nam.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS: theo quan điểm của chúng tôi, về xu hướng ngắn hạn, mặc dù đã chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh 640 điểm, chỉ số nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh nhẹ vào đầu tuần tới khi nhiều cổ phiếu mua bắt đáy vào phiên thứ 6 tuần trước hiện đã có lãi đáng kể và có thể bị chốt lời mạnh tại vùng này.

Thị trường mạnh mẽ hơn sau sự kiện brexit là bởi động lực của nhóm cổ phiếu bluechips: GAS (+4,8%) tăng mạnh đạt mức cao nhất trong 52 tuần và đã tăng 118% kể từ ngày 21/1, trong khi VIC (+3,2%) đạt mức cao kỷ lục sau đà tăng 42% kể từ ngày 18/12/2015; VNM (+1,4%), CTG (+1,2%) và BVH (1,7%) cũng đóng góp đà tăng cho chỉ số.

Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS: theo tôi chỉ có thể lý giải điều này là tâm lý thị trường hiện đang rất vững vàng và chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi.

Những gì diễn ra gần đây càng khẳng định đặc điểm của thị trường năm nay, trong đó các yếu tố hệ thống không tác động nhiều, mà câu chuyện chủ yếu nằm ở các cổ phiếu cụ thể.

Nguyễn Hoàng: hồi tháng 7 năm ngoái, khi VN-Index cũng tiến sát 640 điểm và không vượt qua được, anh chị cho rằng đây là ngưỡng kháng cự rất mạnh và nếu vượt được ngưỡng này thì thị trường có thể thay đổi trạng thái, thực sự chuyển sang một thị trường giá lên dài hạn (bull-market). Lúc này cơ hội lặp lại, theo anh chị, thị trường đã hội tụ đủ điều kiện để có cơ hội lớn này?

Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT: tôi cho đây vẫn là mốc quan trọng xác định ranh giới đi vào vùng uptrend của VN-Index. Nếu vượt qua mốc này thì thị trường sẽ rất tích cực.

Tuy nhiên, cần lưu ý những vấn đề sau: Thứ nhất, VN-Index lấy lại toàn bộ số điểm đã mất sau Brexit, nhưng không phải cổ phiếu nào trên sàn cũng vậy, việc này chỉ xảy ra ở một số bluechip dẫn dắt và khoảng 3 chục mã thị giá cao nhưng thanh khoản thấp.

Thứ 2, VN-Index vượt đỉnh nhưng đa phần các cổ phiếu không vượt đỉnh. Thống kê số cổ phiếu “breakout” trong phiên thứ 6 rất ít. Đặc biệt nhiều bluechip được coi là con ngựa khỏe của nhịp này như HPG, HSG đều đang đối mặt với điều chỉnh.

Vì vậy, cuộc vượt cạn của thị trường vẫn còn rủi ro.

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường sẽ vượt qua mốc 640 điểm còn cụ thể tăng vượt mốc 640 điểm như thế nào chúng ta chưa cần thiết phải bàn tới.

Nhận định trên dự trên phân tích quy mô vốn hóa thị trường kèm theo sự gia tăng về thanh khoản, sự khởi sắc từ phía nền kinh tế, dòng tiền lan tỏa ở các nhóm cổ phiếu cơ bản (dược, bảo hiểm, xây dựng…).

Có thể sang tuần thị trường điều chỉnh sau 1 tuần hồi phục mạnh, nhưng từ nay đến cuối năm 2016, vượt mốc 640 hoặc thậm chí 660 sẽ không là vấn đề đối với chỉ số VN-Index.

Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS: các điểm mốc trong phân tích kỹ thuật luôn là những điểm rất quan trọng tạo ra các xu hướng trên thị trường nhưng để duy trì được xu hướng thì phải có sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thị trường hiện nay đang có điều kiện thuận lợi để vượt qua ngưỡng 640 điểm, tuy nhiên các yếu tố để tạo thành bull-market lớn chưa thực sự đủ khi nền kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thực sự đột biến.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS: tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc và biến động quanh các mức 640 điểm của chỉ số VN-Index và 85.0 điểm của chỉ số HNX-Index.

Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật, chúng tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn đã giảm dần và hai chỉ số sẽ sớm bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.

Ngoài ra, chỉ báo dòng tiền ngắn hạn và chỉ báo tâm lý tăng mạnh trở lại, đây là những tín hiệu tích cực củng cố xu hướng ngắn hạn hiện tại. Mức kháng cự ngắn hạn kế tiếp là 670 điểm của chỉ số VN-Index và 89.5 của chỉ số HNX-Index.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt :theo quan điểm cá nhân, tôi đánh giá cơ hội để VN-Index vượt qua vùng kháng cự mạnh 640-645 điểm trong năm nay là khá cao.

Dưới góc độ thị trường, vùng đỉnh cũ này hiện tại đã không còn quá đáng ngại như những năm trước và việc chỉ số chinh phục thành công ngưỡng điểm tâm lý này chỉ còn là vấn đề thời gian, nhất là khi một loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn đang duy trì được xu hướng uptrend tích cực trong cả ngắn và trung hạn.

Nguyễn Hoàng: trong nhận định tuần trước, các anh chị tỏ ra thận trọng trước những tác động của sự kiện Brexit.Ngay cả những chuyên gia hàng đầu thế giới, hay như nhà đầu cơ huyền thoại Soros hôm thứ Năm vừa rồi còn phát biểu trước nghị viện EU rằng Brexit đã “thả ra một cuộc khủng hoảng như năm 2008”. Nhưng thực tế là không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường tài chính toàn cầu cũng đã không chỉ lấy lại tất cả những gì đã mất vì sự kiện này, mà còn tăng cao hơn nữa. Không lẽ Brexit chỉ là một một “cú hắt xì” mà tưởng là trọng bệnh?

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): việc thị trường phản ứng như trong tuần vừa qua có thể chưa phản ánh hết tác động cũng như dư địa ảnh hưởng của sự kiện Brexit. Từ việc thay đổi chính sách tài khóa, câu chuyện điều chỉnh tỷ giá, thâm hụt ngân sách hay thay đổi trạng thái nợ công cũng sẽ đến có thể ít lâu sau đó.

Yếu tố mà tôi đánh giá là thay đổi nhận thức từ phía các nhà đầu tư mặc dù “hành động phi lý” ngắn hạn có thể phản ứng là tức thời. Điều nay có nghĩa rằng, tác động Brexit sẽ là tiêu cực nhưng đối với từng nước, từng thời điểm là khác nhau . Chưa kể đến việc có những nhóm ngành, doanh nghiệp kinh doanh đặc thù lại không hề bị ảnh hưởng bởi các sự kiện như Brexit.

Và trong đầu tư chứng khoán thì các câu hỏi ngành gì, cổ phiếu gì, thời điểm nào, bao lâu ? mới là câu hỏi cần giải đáp hơn là việc phỏng đoán Brexit ảnh hưởng thế nào và ra sao.

Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT: thực tế Brexit là trận cảm qua loa hay bệnh nghiêm trọng hơn thì vẫn chưa rõ. Tôi vẫn quan điểm cũ, ngay cả khi Brexit mang lại những nguy cơ cho nền kinh tế toàn cầu với những cảnh báo nghiêm trọng bao nhiêu mà tài khoản nhà đầu tư vẫn có lãi thì sự sợ hãi cũng không hiện diện.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: tôi cho rằng sự kiện Brexit có tính chất “sốc” nên phản ứng ban đầu của nhà đầu tư khá tiêu cực và hoảng loạn. Những phiên hồi phục xuất hiện trở lại sau đó đã phần nào cho thấy phản ứng có phần thái quá của thị trường.

Về lâu dài các nhà đầu tư toàn cầu sẽ có sự điều chỉnh chiến lược trong danh mục đầu tư. Các tài sản có tính rủi ro cao như chứng khoán, dầu thô, hàng hóa sẽ phải tạm thời nhường chỗ cho các kênh trú ẩn an toàn như vàng, đồng Franc Thụy Sỹ, đồng Yên Nhật, đồng USD...

Dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán của các nước có độ rủi ro cao như Việt Nam có thể cũng sẽ được tính toán theo hướng giảm bớt.

Trong trung hạn, do đây là yếu tố khó được lượng hóa hết các tác động có thể có nên cần phải tiếp tục theo dõi dựa trên biến động của 2 tham số chính trên thị trường tiền tệ (tỷ giá của 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu tính tỷ giá trung tâm) và thị trường hàng hóa (đặc biệt là giá dầu).

Ông Trần Hữu Phúc,Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS: trong phiên giao dịch đầu tiên của 6 tháng cuối năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam có vẻ như đã vượt qua được ngưỡng kháng cự mạnh 640 điểm.

Trong vòng 2 năm qua, chỉ số VN-Index đã 2 lần thử thách ngưỡng kháng cự này nhưng đã thất bại và quay đầu về mức 520 điểm. Có lẽ sự kiện Brexit lại là tiền đề để Vnindex vượt cản thành công và hướng đến ngưỡng tiếp theo ở 670 điểm.

Ông Phạm Thiên Quang: tôi cho rằng Brexit vẫn sẽ có ảnh hưởng trong trung và dài hạn (như đã phân tích ở tuần trước) còn trong ngắn hạn, thị trường đã cho thấy Brexit không có tác động tiêu cực nhiều.

Nguyễn Hoàng: những người mạo hiểm nhất tuần trước là những người thắng lớn nhất tuần này khi thị trường tăng trọn 5 ngày. Anh chị có thay đổi quan điểm với thị trường và mua vào trong tuần này hay không? Mức duy trì danh mục hiện tại như thế nào?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: tuần qua, tôi có thực hiện gia tăng tỷ trọng cho phần danh mục ngắn hạn trong hai phiên đầu tuần. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện được nâng lên mức 60% cổ phiếu (trong đó phần danh mục trung hạn chiếm 20%).

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): tôi có thực hiện gia tăng cổ phiếu ở đầu tuần qua từ 40% lên 60% và tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện nay đang là 60%/40%.

Mặc dù vẫn duy trì sự thận trọng với diễn biến vĩ mô hiện nay nhưng có nhiều cổ phiếu tôi vẫn đánh giá nên nắm giữ lâu mới có hiệu suất sinh lời tốt hơn.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS: chúng tôi thấy động lực tăng trưởng của nhóm cổ phiếu bluechips. Tuy nhiên chúng tôi chỉ xác định gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở những cổ phiếu chúng tôi am hiểu chắc chắn.

Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT: tôi mua vào với tỷ lệ khiêm tốn 30%.

Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS: tôi thừa nhận đã quá trận trọng nên đã đứng ngoài thị trường 2-3 tuần nay. Chuyện dự báo thị trường chưa bao giờ dễ dàng. Chấp nhận sai và chờ đợi cơ hội ở thời điểm khác.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên