Xu thế dòng tiền: Cơ hội ngắn hạn
Thị trường điều chỉnh mạnh vào vùng hỗ trợ cứng hơn khiến các chuyên gia đánh giá cao cơ hội phục hồi trong ngắn hạn...
- 07-08-2016Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở đâu so với khu vực?
- 06-08-2016Môi giới chứng khoán: Con đường học làm người
- 04-08-2016Chứng khoán tháng 8: Còn “dớp” tháng ngâu?
4/5 chuyên gia mà chúng tôi phỏng vấn thể hiện quan điểm thận trọng trong việc dự đoán đáy của đợt điều chỉnh hiện tại. Chỉ một chuyên gia có niềm tin chắc chắn vào mức chạm đáy ở quanh 630 điểm.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là thị trường sẽ sụt giảm liên tục. Sau phiên giảm và bắt đáy khá mạnh cuối tuần trước, các chuyên gia đánh giá cao xác suất phục hồi trong tuần tới và xuất hiện các cơ hội ngắn hạn.
Điều khác biệt là việc giải ngân ngắn hạn mang tính thăm dò không đi ngược lại với nhận định về khả năng điều chỉnh sâu hơn của thị trường. Các giao dịch ngắn hạn có rủi ro cao, nhưng đợt giảm hiện tại được đánh giá là tích cực cho các cơ hội dài hạn.
Nguyễn Hoàng
-3,8% là mức giảm tuần này và là tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu sóng hồi tháng 1 năm nay. Kịch bản bi quan tuần trước lại trở thành hiện thực khi hết 640 điểm rồi 630 điểm đã lần lượt bị mất. Ranh giới cuối cùng mà anh chị đưa ra gần đây là 620-610 điểm cũng đang rất sát. Liệu có cách nào để đánh giá độ tin cậy của các ngưỡng hỗ trợ như vậy?
Bà Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Thị trường cuối tuần vừa rồi đâu đó đã xuất hiện lực bắt đáy tương đối khỏe, dù chưa được đều. Vì vậy xác suất để tuần tới hồi phục là rất cao.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vùng 610 - 620 cũng chỉ là hỗ trợ ngắn hạn. Thị trường vẫn rất rủi ro và có khả năng đáy của nhịp giảm lần này không chỉ dừng ở đây.
Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng thực tế không có nhiều cơ sở để xác định ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn một cách đáng tin cậy, tất cả chỉ mang tính tham khảo.
Thay vì cố đoán điểm đáy của thị trường chung, tôi cho rằng với quan điểm đầu tư trung và dài hạn, lựa chọn cổ phiếu tốt với định giá hấp dẫn vẫn nên là ưu tiên.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi nhìn nhận chỉ số Vnindex đã phá vỡ những ngưỡng hỗ trợ mạnh 630 điểm, thuần tuý trong ngắn hạn chúng tôi sử dụng phân tích kĩ thuật để tìm các ngưỡng hỗ trợ cũng như kháng cự của thị trường.
Chỉ số vnindex hình thành cây nến đỏ thân dài, bóng nến dưới ngắn, hướng xuống dải middle bollinger và đường MA20. Trong ngắn hạn chúng tôi dự báo chỉ số vnindex sẽ giao động trong biên độ hẹp 620-640 điểm.
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì khi nối các đỉnh với các đáy của các đợt tăng giảm điểm gần nhất (vẽ các đường trendline) thì xu hướng”uptrend” của vẫn chưa bị phá vỡ.
Ngoài ra kiểm tra diễn biến giao dịch của các mã cổ phiếu lớn, những mã có tác động mạnh đến chỉ số chứng khoán thì nhiều cổ phiếu như VNM, VCB…đã sẵn sàng cho đợt hồi phục.
Như vậy, VN-Index chỉ và chỉ có thể điều chỉnh và tạo đáy ở vùng 630 (+/-5 điểm) đây có thể nói là ngưỡng hỗ trợ rất mạnh của thị trường trong ngắn hạn. Cụ thể, VN-Index sẽ tạo đáy kèm theo các phiên “pullbacks” đầu tuần sau. Tôi nghiêng về xu hướng tăng điểm của thị trường tuần tới.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Hiện tại vùng hỗ trợ 625-630 điểm đang đóng vai trò khá quan trọng trong việc xác định liệu VN-Index có phá vỡ kênh xu hướng tăng giá kéo dài từ cuối tháng 1/2016 đến nay hay không.
Tại các ngưỡng hỗ trợ này thì thông thường nhịp hồi phục ngắn (có thể chỉ là hồi phục mang tính kỹ thuật trong một vài phiên) có nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, hiện tại thị trường đang phải đối mặt với nhiều thông tin mang chiều hướng không mấy tích cực trong bối cảnh thị trường đang thiếu vắng các thông tin hỗ trợ, còn tâm lý giao dịch của nhà đầu tư cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi quan niệm “tháng cô hồn”. Điều này khiến tôi cho rằng kịch bản thị trường tiếp tục phá vỡ vùng hỗ trợ trên và bước vào nhịp điều chỉnh sâu hơn trong thời gian tới cần được tính đến.
Nguyễn Hoàng
Thị trường đang điều chỉnh khá mạnh và lúc này các tin tiêu cực xuất hiện khá dày đặc, từ nợ xấu tới các con số kết quả kinh doanh thất vọng, chưa kể tới hiệu ứng của “tháng cô hồn”. Theo anh chị liệu có yếu tố hỗ trợ nào đối với thị trường trong một vài tháng tới để có thể tạo hi vọng lúc này?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường đang đi vào khoảng trống thông tin, cùng những đồn đoán thiếu căn cứ về nhóm cổ phiếu lớn đầu ngành bất động sản. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn đang rất dè dặt thận trọng đa phần thủ thế và bảo vệ nav.
Theo tôi yếu tố duy nhất có thể tích cực là động lực mua ròng của khối ngoại.
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi thường không quan tâm nhiều đến tâm lý đám đông và không mảy may có chút lo lắng gì khi thị trường đang trong “tháng cô hồn” kết hợp với chuỗi phiên điều chỉnh.
Ngược lại, tôi lại cho rằng đợt điều chỉnh này lại là cơ hội mua gom tốt hơn cả đối với một số cổ phiếu tiềm năng.
Chúng ta đã bàn nhiều đến tình hình vĩ mô khởi sắc và cũng thấy rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nội và ngoại. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài liên tục lên kế hoạch giải ngân mới vào Việt Nam, cùng với các đợt mua ròng khối ngoại trong giai đoạn vừa qua.
Đây có thể minh chứng cho việc chúng ta phải có niềm tin vào thị trường, niềm tin vào tương lai tươi sáng nhất là thị trường đang trong giai đoạn “uptrend” như hiện nay.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo tôi, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kỳ vọng hiệp định TPP được thông qua, cùng khả năng tăng giá trở lại của giá dầu thế giới sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong những tháng cuối năm.
Bà Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Hiện tại tôi chưa nhìn thấy yếu tố hỗ trợ nào. Tin tốt hay tin xấu cũng chỉ ở vấn đề góc nhìn, chứ vĩ mô thì không thể thay đổi nhanh theo phiên như chứng khoán.
Quan điểm của tôi là hãy đi theo diễn biến thị trường. Thị trường lần này giảm mạnh nhưng chưa xuất hiện sự hoảng loạn cực đoan nên khả năng đây chưa phải là đáy. Cũng có thể thị trường sẽ không có hoảng loạn, mà theo hướng lình xình trong thời gian dài, gây bào mòn tài khoản và tâm lý chán nản cực đoan.
Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Trên quan điểm đầu tư trung và dài hạn, tôi vẫn lạc quan vào cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Trong trung hạn, sự dồi dào thanh khoản (chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng hiện đang ở mức khá lớn) tiếp tục ủng hộ xu hướng dòng tiền thuận lợi cho các kênh tài sản hấp dẫn như cổ phiếu.
Nhìn xa hơn, tôi lạc quan với dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy cơ hội lớn ở thị trường Việt Nam trong dài hạn, đã và sẽ tiếp tục tự tin vào thị trường khá tốt trong bối cảnh sẽ ngày càng nhiều cơ hội (chẳng hạn doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước,…) trong khi định giá dài hạn vẫn hấp dẫn so với nhiều thị trường khác.
Nguyễn Hoàng
Các giao dịch bắt đáy ngắn hạn tuần vừa rồi thua lỗ khá nghiêm trọng. Theo anh chị chiến thuật tốt nhất lúc này là gì? Anh chị có cơ cấu lại danh mục trong tuần vừa rồi hay không, mức nắm giữ hiện tại như thế nào?
Bà Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Sắp có cơ hội kiếm tiền ngắn hạn. Tuy nhiên, tôi đánh giá lợi nhuận không đủ hấp dẫn để bù rủi ro nên vẫn đứng ngoài kể từ ngày 11/7 đến nay.
Nếu có giải ngân đón nhịp hồi trong tuần tới, tôi cũng chỉ giải ngân 30%.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi đã thực hiện một vài hoạt động trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn nhưng vẫn duy trì 20% cho phần danh mục này với kỳ vọng một nhịp hồi phục ngắn sẽ xuất hiện trong tuần tới.
Tỷ trọng danh mục tổng của tôi vẫn là 40% (trong đó 20% là tỷ trọng phần danh mục trung hạn).
Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Hiện tại tôi vẫn đang ở trạng thái chờ mua, không phải dựa trên diễn biến thị trường chung, mà chủ yếu là lựa chọn cổ phiếu cụ thể tại vùng giá mua đã xác định.
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Giao dịch bắt đáy – giao dịch T+ lại phải chọn gần như chính xác phiên giải ngân khi dự báo điều chỉnh chuẩn bị kết thúc và điều tối quan trọng nữa là bắt đáy cổ phiếu gì hoặc gom cổ phiếu tích lũy nào đang đi ngang – chỉ những cổ phiếu mạnh nhất, tốt nhất mới có diễn biến giá tích lũy hoặc tăng nhẹ ngay cả khi thị trường điều chỉnh mạnh.
Tôi chỉ thực hiện bắt đáy ở phiên cuối tuần qua và chỉ mua vào 1 cổ phiếu. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt của tôi hiện nay gia tăng lên 70%/30%.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi mạnh dạn cắt lỗ chờ đợi cơ hội mới. Nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu ở mức thấp 20-30% danh mục. Thận trọng quan sát chờ đợi thị trường hội tụ nhiều yếu tố tích cực hơn trước khi ra quyết định giải ngân.
VnEconomy