MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Tháng Năm, đi hay ở?

Sau khi đồng loạt mua vào tuần trước, tuần này các giao dịch giảm cổ phiếu và quan điểm thận trọng đã quay lại...

Hiện tượng thị trường trồi sụt quanh ngưỡng 600 điểm trong tuần trước kỳ nghỉ lễ được các chuyên gia đánh giá là bình thường tại ngưỡng kháng cự tâm lý. Tuy nhiên, thay vì quan điểm lạc quan mạnh mẽ như tuần trước, các ý kiến lại nghiêng hẳn về phía thận trọng. 3/5 chuyên gia nghĩ rằng thị trường sẽ gặp khó khăn tại vùng 600 điểm, mặc dù có thể có thêm một vài phiên tăng, nhưng rủi ro điều chỉnh sau đó là cao.

Sự thận trọng phản ánh rất rõ trong hoạt động giao dịch. Chỉ duy nhất một chuyên gia thực hiện giao dịch mua mới trong tuần qua, còn lại chủ yếu là cắt giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu cũng như giữ nguyên vị thế. Việc không mua mới và chờ đợi biến động cụ thể của thị trường để hành động, đồng thời sẵn sàng chốt lời khi giá tăng cao hơn cũng phù hợp với quan điểm lo ngại hiện tượng “Sell in May”.

Mặc dù vậy, 2/5 chuyên gia vẫn cho rằng thị trường còn dư địa để tăng tiếp do các tín hiệu hiện tại vẫn chưa cho thấy rủi ro sụt giảm mạnh.

Nguyễn Hoàng

Kể cả khi có sự bất ngờ trong ngày cuối tuần, VN-Index vẫn chưa thể vượt được 600 điểm, khép lại một tuần trồi sụt khá nhiều. Tuần trước anh chị cũng dự kiến chỉ số lên quanh ngưỡng này. Liệu những ngày qua có phải là những vận động giống như giai đoạn 580 điểm và có thể kỳ vọng vào một sự bứt phá cao hơn?

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng sau một nhịp bứt phá mạnh qua vùng kháng cự quan trọng 580 điểm, thì việc VN-Index trải qua diễn biến điều chỉnh theo hướng giằng co đi ngang với những phiên tăng giảm đan xen trong tuần qua là điều có thể hiểu được.

Diễn biến này tạo cho thị trường một nhịp “nghỉ” cần thiết để tránh tình trạng tăng quá nóng trong một thời gian ngắn, trang thái chênh lệch cung cầu ở các nhóm cổ phiếu cũng nhờ đó mà có thể cân bằng trở lại.

Cá nhân tôi hiện tại vẫn đang đặt niềm tin vào một sự bứt phá cao hơn của chỉ số trong thời gian tới.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Việc VN-Index có một phiên tăng mạnh tuần trước để bứt hẳn qua 580 điểm đã tạo một mức lợi nhuận khá cao cho nhiều mã (chủ yếu là các mã blue-chips) và cần một số phiên để thị trường có thể hấp thụ lượng cung chốt lời của các mã này.

Tôi cho rằng diễn biến điều chỉnh và tăng giá ở nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn tích cực, đặc biệt là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ thị trường có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn có thể tiếp tục duy trì xu hướng tăng.

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Kịch bản VN-Index tiến gần đến 600 điểm một cách không cảm xúc đã xảy ra. Tôi rất không thích điều này, vì điều đó cho thấy tài khoản nhà đầu tư nói chung không sinh sôi nảy nở thêm.

Tôi cho rằng thị trường lúc này xấu hơn giai đoạn 580 điểm. Nhóm ngân hàng, bảo hiểm và một vài mã khác diễn biến tốt hơn, nhưng rất nhiều mã khác vẫn xấu, SSI, HCM chẳng hạn, vì vậy tôi không kỳ vọng nhiều lúc này.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Mặc dù VN-Index chưa vượt qua ngưỡng 600 điểm ở phiên giao dịch cuối tuần qua nhưng tôi cho rằng mốc này sẽ bị phá vỡ trong tuần tới. Mốc mục tiêu của thị trường đối với nửa đầu năm 2016 phải là vùng 610 - 615 điểm.

Giai đoạn tăng điểm và điều chỉnh ở vùng 595 - 600 điểm chắc chắn sẽ khác giai đoạn khi VN-Index biến động quanh 580 điểm khi mà quá trình "rung lắc" sẽ ngắn hơn - tâm lý nhà đầu tư ở một mức độ cải thiện cao hơn trước.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn còn một nhịp tăng điểm lên vùng 610 - 615 và đây được coi là vùng siêu kháng cự đối với con sóng chứng khoán giai đoạn đầu năm.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường đã kết thúc tháng 4 một cách rất tính cực khi đã có 4 tuần tăng điểm liên tiếp tính từ ngày 4/4. Nhóm cổ phiếu blue-chips đã có nhịp tăng giá thật sự ấn tượng để đưa chỉ số VN-Index tiệm cận ngưỡng 600 điểm.

Chúng tôi cho rằng ngưỡng 600 điểm hiện nay là ngưỡng tâm lý của thị trường và chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục giằng co mạnh tại ngưỡng này trong phiên giao dịch tuần sau khi thị trường mở cửa trở lại.

Nguyễn Hoàng

Sau khi VN-Index bứt phá qua được 580 điểm và lên sát 600 điểm, khá nhiều cổ phiếu đã đem lại lợi nhuận tốt nhưng cũng không ít cổ phiếu hầu như không tăng. Anh chị đánh giá những cổ phiếu/nhóm cổ phiếu nào có triển vọng mạnh nhất vào lúc này?

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Nếu thị trường tích cực thì nhóm ngân hàng sẽ là nhóm triển vọng nhất. Tuy nhiên, tôi không đặt nhiều niềm tin vào thị trường chung trong giai đoạn này.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Diễn biến phân hóa theo từng nhóm cổ phiếu sẽ còn tiếp tục diễn ra ngay cả khi chỉ số vượt qua được vùng kháng cự tâm lý 600 điểm. Do đó, tôi cho rằng việc lựa chọn các nhóm cổ phiếu cụ thể để đầu tư vẫn sẽ là yếu tố quyết định trong giai đoạn đoạn tới.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu bluechips có sức ảnh hưởng chi phối đến thị trường như VIC, VCB, BVH, VNM, GAS thì các cổ phiếu như FPT, HPG… cũng sẽ là những cổ phiếu có khả năng sẽ thu hút được sự chú ý của dòng tiền tiếp theo.

Các nhóm cổ phiếu tôn thép (HSG, NKG…), mía đường (BHS, SBT…), cao su tự nhiên (PHR, DPR…) cũng sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực theo sự hồi phục của giá commodities thế giới.

Ngoài ra, xu hướng tăng ngắn hạn của giá dầu thế giới (dự kiến sẽ tiếp cận vùng 48-50 USD/thùng), cùng sự hồi phục mạnh mẽ của chỉ số BDI sẽ hỗ trợ cho đà hồi phục của nhóm cổ phiếu dầu khí và vận tải biển.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi đánh giá cao nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng bảo hiểm như BVH, VCB, BID sẽ là những trụ cột và có động lực tăng điểm tại thời điểm hiện tại. Ngoài ra còn có những gương mặt tiêu biểu khác như VIC, HPG, GMD...

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi cho rằng giai đoạn này các cổ phiếu cơ bản thuộc các nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng... sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Các cổ phiếu blue-chips của các ngành kể trên đang có đà hồi phục tốt nhưng sẽ “kém nhiệt” hơn khi VN-Index giao động quanh vùng 610 (+/- 5 điểm). Dòng tiền sẽ chuyển hướng phân hóa sang các cổ phiếu mid cap, penny và thậm chí lan tỏa sang các cổ phiếu đầu cơ.

Rõ rằng tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5 cũng là tuần giao dịch rất quan trọng và có lẽ là tuần giao dịch hưng phấn cuối cùng trước khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh dài. Các cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tiềm năng nhất trên cả 2 khía cạnh giá và triển vọng mới thu hút dòng tiền bất chấp thị trường có diễn biến điều chỉnh thế nào.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Để thị trường bứt phá qua ngưỡng kháng cự, động lực chính đến từ nhóm ngân hàng, tài chính bên cạnh các blue chips như VNM, VIC, MSN.

Sau khi VN-Index vượt 580 điểm, đà tăng đã lan tỏa sang nhiều nhóm cổ phiếu khác nhưng mức tăng đều thấp hơn mức tăng chung của thị trường.

Theo tôi thị trường đang gặp ngưỡng kháng cự mới và nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính tiếp tục được kỳ vọng giúp thị trường vượt qua ngưỡng này.

Nguyễn Hoàng

Hiện đang tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau, một là kỳ vọng vào nhịp bứt phá mới sau kỳ nghỉ và ngược lại là quan điểm lo ngại thị trường lặp lại thông lệ “bán tháng Năm” và có thể thấy một bên thì chốt lời và một bên đang tăng tích lũy cổ phiếu. Anh chị nghiêng về quan điểm nào và liệu năm nay thị trường có trái với “thông lệ” bán tháng Năm hay không? Điều gì có thể tạo ra sự khác biệt đó?

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi không đưa ra dự báo lúc này mà vẫn lựa theo thị trường để có hành động riêng cho khách hàng của mình.

Tuy nhiên thống kê trong quá khứ trên thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam, hiện tượng “Sell in May” xảy ra với xác suất cao và luôn là tháng khó khăn nhất của thị trường. Do đó, chúng tôi cũng hết sức cân nhắc và thận trọng quan sát lúc này.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi cho rằng chiến lược "chốt lời cổ phiếu" hoặc "tích lũy cổ phiếu" đều đúng đối với một nhà đầu tư nhạy bén và có kinh nghiệm.

Một số cổ phiếu giao dịch ngắn hạn đạt mục tiêu về giá trong khoảng thời gian ngắn cũng nên được giảm tỷ lệ trong khi một số cổ phiếu "chất lượng cao" đang ở mức giá hấp dẫn lại là cơ hội mua vào.

Dưới quan điểm của một nhà đầu cơ cổ phiếu - chiến lược chốt lời + giảm tỷ trọng cổ phiếu nên được ưu tiên hơn và tôi cho rằng tuần tới là tuần giảm tỷ lệ cổ phiếu hơn là việc mua vào.

Chúng ta có thể hài lòng tạm thời với tỷ lệ lợi nhuận mặc dù còn khiêm tốn trong các tuần và các tháng giao dịch tích cực vừa qua.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Hiện nay các tín hiệu thị trường vẫn chưa cho thấy một nhịp giảm mạnh. Thông lệ “bán tháng Năm” có thể vẫn đúng nhưng có thể thời điểm sẽ rơi vào cuối tháng Năm sau khi thị trường tạo đỉnh trong tháng này.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sẽ không có hiện tượng “Sell in May”, thay vào đó thị trường được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực trong tháng 5 nhờ sự hội tụ của những yếu tố thông tin tích cực từ vĩ mô, doanh nghiệp cho đến hoạt động mua ròng của khối ngoại.

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi nghiêng về lựa chọn Bán tại thời điểm này. Theo kinh nghiệm của tôi, khi nhóm Chứng khoán đi ngược với Index, tôi gọi là phân kỳ, đó là lúc ta phải thận trọng, vì sau đó có thể diễn ra nhịp giảm rất mạnh.

Giai đoạn tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái là một ví dụ cho hiện tượng nói trên. Tất nhiên trong 2 tháng đó cũng có những cơ hội kiếm lợi nhuận, nhưng rủi ro lớn nên nếu bạn không đủ nhạy bén trong giao dịch, không thạo tin tức thì hạn chế tham gia.

Nguyễn Hoàng

Tuần trước anh chị đã mua vào với tỷ trọng tương đối cao. Trước những biến động mạnh gần ngưỡng 600 điểm, anh chị có thực hiện giao dịch mới? Mức độ phân bổ vốn hiện tại như thế nào?

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi có thực hiện một số hoạt động trading cho phần danh mục ngắn hạn nhưng vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng ở mức 80% cổ phiếu (trong đó phần danh mục trung hạn chiếm 20%).

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi cắt lỗ ngay khi cổ phiếu về tài khoản và hiện chỉ giữ tỷ lệ rất nhỏ là 20% cổ phiếu.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tuần qua tôi cũng có thực hiện cơ cấu lại danh mục gồm có mua vào kể cả bán ra cổ phiếu. Tuy nhiên tỷ trọng bán ra nhiều hơn so với việc mua vào.

Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện nay đang là 60%/40%. Quá trình giảm tỷ lệ cổ phiếu sẽ tiếp tục được thực hiện trong tuần tới.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi không thực hiện mở mới các vị thế mua giữ nguyên danh mục hiện tại và kiên nhẫn quan sát các phiên giao dịch trong tuần sau trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Thực tế cho thấy khi thị trường chung vẫn giữ nhịp tăng và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh, cơ hội cho việc chọn cổ phiếu phù hợp vẫn tiếp tục mang lại hiệu quả. Tôi đã tăng trạng thái 100% cổ phiếu vào những cơ hội như vậy.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trở lên trên