MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất hiện 2 chỉ số tích cực, nền kinh tế số 1 thế giới có khả năng hạ cánh mềm?

24-01-2024 - 08:16 AM | Tài chính quốc tế

Xuất hiện 2 chỉ số tích cực, nền kinh tế số 1 thế giới có khả năng hạ cánh mềm?

Đây được cho là dấu hiệu tốt cho triển vọng của nền kinh tế Mỹ trong năm nay.

Tín hiệu tích cực

Theo Reuters, tâm lý người tiêu dùng Mỹ tháng 1/2024 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 2,5 năm. Điều này xảy ra trong bối cảnh người dân ngày càng lạc quan về tình hình lạm phát và thu nhập hộ gia đình.

Người Mỹ cuối cùng cũng đã bắt đầu đón nhận khả năng phục hồi của nền kinh tế sau nhiều lo lắng về lạm phát cao. Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York, cho biết: “Nền kinh tế không đi lùi mà sẽ tiến lên vào đầu năm 2024. Lần đầu tiên, việc tăng lãi suất ồ ạt không làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Được biết, Đại học Michigan vừa công bố chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đạt 78,8 trong nửa đầu tháng 1, mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 , cao hơn đáng kể so với 69,7 vào tháng 12/2023. Kết quả này cũng cao hơn thăm dò của Reuters là 70 điểm. Đây là lần thứ hai liên tiếp chỉ số này tăng, trong bối cảnh chứng khoán tốt lên, thị trường lao động lành mạnh và giá xăng dầu vẫn ở mức thấp.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ, Đại học Michigan

Chỉ số hiện phục hồi gần 60% sau khi chạm mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2022 và chỉ còn kém 7% so với mức trung bình kể từ năm 1978.

Người Mỹ vẫn duy trì chi tiêu bất chấp giá cả và chi phí vay cao. Joanne Hsu, Giám đốc khảo sát của Đại học Michigan cho biết sự phục hồi trong tâm lý có khả năng mang lại một số động lực tích cực cho nền kinh tế.

Một kết quả khác của cuộc khảo sát, chỉ số kỳ vọng lạm phát hàng năm đã giảm xuống 2,9% trong tháng này, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 . Con số này cũng đã giảm từ mức 3,1% trong tháng 12 năm ngoái.

Triển vọng lạm phát trong 5 năm của cuộc khảo sát giảm xuống 2,8% từ mức 2,9% trong tháng trước, nhưng cao hơn một chút so với mức 2,2% - 2,6% phổ biến trong hai năm trước đại dịch.

Kỳ vọng lạm phát giảm đã hỗ trợ quan điểm của các nhà kinh tế rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay. Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất và đưa phạm vi lên mức 5,25% - 5,50% hiện tại.

Mặc dù không có mối tương quan chặt chẽ giữa tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng - động lực chính của nền kinh tế, nhưng sự gia tăng này có thể giúp xoa dịu nỗi lo về kịch bản suy thoái.

"Chỉ số niềm tin không phải là một chỉ báo quá tốt để chắc chắn hoàn toàn về xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng tâm lý được cải thiện sẽ làm giảm nguy cơ người tiêu dùng tăng mạnh tiết kiệm trong năm nay. Đây là lý do chính khiến chúng tôi có triển vọng lạc quan hơn về chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng GDP" - Grace Zwemmer, nhà phân tích và nghiên cứu kinh tế tại Oxford Economics nhận định.

Theo công ty dữ liệu Morning Consult, tâm lý đã được cải thiện rõ rệt ở các hộ gia đình có thu nhập từ 100.000 USD hàng năm trở lên. Sofia Baig, nhà kinh tế tại Morning Consult, cho biết điều đó có thể là do thị trường chứng khoán hoạt động mạnh mẽ.

Rủi ro

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những rủi ro đối với nền kinh tế và tâm lý của người Mỹ.

Trong khi nhiều nhà kinh tế dự đoán Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế vào năm 2024, họ vẫn nhận thấy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại đáng kể do tác động toàn diện của việc Fed tăng lãi suất.

Nhà kinh tế Jeremy Schwartz tại Nomura, cho rằng điều đó có thể đè nặng lên người tiêu dùng, đặc biệt nếu tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng. Ông cho rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong năm nay là rất cao.

Tham khảo Reuters, WSJ 

Bạch Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên