MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất hiện nhiều nguy cơ mất an toàn bay: Hàng không họp khẩn để siết

Sáng 7/7, Cục Hàng không (Bộ GTVT) đã chủ trì họp khẩn với các đơn vị liên quan trong toàn ngành để “siết” lại công tác đảm bảo an toàn khai thác hàng không sau khi liên tiếp xảy ra những vụ việc uy hiếp an toàn bay. Điển hình là việc 2 máy bay gần “cắt mặt” nhau tại sân bay Nội Bài (Hà Nội); mặt đường băng sân bay Vinh (Nghệ An) bị vỡ; máy bay thủng lốp do cán phải đinh…

Liên quan vụ việc 2 máy bay vi phạm khoảng cách an toàn ở sân bay Nội Bài ngày 24/6 vừa qua, lãnh đạo Cục Hàng không cho hay, đã lập tổ điều tra để làm rõ vụ việc. “Vụ việc này uy hiếp an toàn bay nên tổ điều tra của cục sẽ làm rõ sai sót của từng bên và cá nhân liên quan, trách nhiệm và đề xuất biện pháp, chế tài xử lý”, lãnh đạo Cục Hàng không nói. Việc điều tra sự cố trên sẽ kéo dài hơn thông thường, do phụ thuộc vào việc liên hệ, phỏng vấn tổ bay của hãng hàng không Air Asia (Thái Lan). Dự kiến, chiều 10/7, tổ điều tra của Cục Hàng không sẽ họp với các bên liên quan vụ việc để đưa ra kết luận.

Xuất hiện nhiều nguy cơ mất an toàn bay: Hàng không họp khẩn để siết - Ảnh 1.

Lập lại trật tự, an toàn hàng không sau loạt sự việc uy hiếp an toàn bay. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Một cán bộ Cục Hàng không cho hay, trong lĩnh vực hàng không, các vấn đề liên quan tới an toàn bay, sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn đều được các bên chủ động báo cáo và cảnh báo. Thực tế, sau khi xảy ra vụ việc ở sân bay Nội Bài, tổ bay của hãng hàng không Air Asia cũng chủ động báo cáo sự việc. Do đó, sau khi có kết luận, sai sót các bên ra sao sẽ được công khai và đưa ra bình giảng, rút kinh nghiệm với cả hệ thống.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, sự cố vi phạm khoảng cách tối thiểu trong quá trình cất cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 24/6 là nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp đến an toàn hoạt động bay. Ông Thắng yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đại diện Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho hay, ngay khi ghi nhận sự cố trên, nội bộ đơn vị đã đình chỉ kíp trực không lưu để xảy ra sự việc và lập tổ điều tra nội bộ xác minh sự cố. Tuy nhiên, kết luận sự việc ra sao, hướng xử lý thế nào sẽ căn cứ theo kết luận của Cục Hàng không. Hiện tại kíp trực không lưu này vẫn trong thời gian bị đình chỉ làm nhiệm vụ chờ kết luận của Cục Hàng không.

Sau khi nắm thông tin sự cố trên, ngày 6/7, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng ban hành công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo đảm an toàn hàng không trong dịp cao điểm hè. Ông Thắng cho rằng, sự cố vi phạm khoảng cách tối thiểu trong quá trình cất cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 24/6 là nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp đến an toàn hoạt động bay. Ông Thắng yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trên cơ sở kết luận điều tra, đưa ra các khuyến cáo an toàn cho các đơn vị có liên quan. VATM được lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu nghiêm túc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố hoạt động bay, khắc phục các tồn tại, bình giảng và rút kinh nghiệm đối với kiểm soát viên không lưu, không để lặp lại sự cố tương tự; VATM cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định báo cáo an toàn, khi có tình huống đột xuất hoặc các sự cố phải kịp thời báo cáo… Kết quả gửi về Bộ GTVT trước ngày 15/7.

Trước đó, tối 24/6, tại sân bay Nội Bài, chuyến bay AIQ645 của hãng hàng không Air Asia (Thái Lan) được kiểm soát viên không cấp huấn lệnh cho lăn lên đường băng 11 phải (11R) chờ cất cánh (chưa cho phép chạy đà cất cánh), và cấp huấn lệnh cho chuyến bay VJC943 vừa hạ cánh ở đường băng bên cạnh (11 trái) được lăn qua đường băng 11R để vào sân đỗ. Tuy nhiên, thay vì chờ, chuyến bay AIQ645 đã chạy đà cất cánh, thời điểm máy bay này rời mặt đất thì phía trước máy bay VJC943 đã lăn gần cắt qua đường băng (2 máy bay cách nhau khoảng 1,5km).

Kiểm soát viên không lưu chỉ phát hiện ra chuyến bay AIQ645 chạy đà (chưa cấp huấn lệnh) khi máy bay này đã gần đạt tốc độ để cất cánh, nên không hủy cất cánh. VATM đánh giá sơ bộ, sự cố trên xảy ra do sai sót trong thực hiện quy trình tác nghiệp của kiểm soát viên không lưu sân bay Nội Bài. Đặc biệt, sự cố xảy ra vào tối 24/6, nhưng tới ngày 30/6, VATM mới nhận được thông tin và báo cáo Cục Hàng không.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên