MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu cá ngừ sang Hy Lạp tăng đột biến

06-09-2019 - 22:52 PM | Thị trường

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hy Lạp từ đầu năm đến nay tăng trưởng tốt, với mức tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính trong khối EU giảm, xuất khẩu sang Hy Lạp lại tăng trưởng ấn tượng. Tính đến hết tháng 7/2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hy Lạp tăng 104% so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần 1,8 triệu USD.

Hiện Hy Lạp đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp sang thị trường Hy Lạp chiếm trên 94% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này.

Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Hy Lạp cũng đang có xu hướng phục hồi sau khi sụt giảm trong năm 2017. Năm 2018, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Hy Lạp đã phục hồi tăng 7% so với năm 2017, đạt 6.511 tấn. Và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2019.

Nguồn cung cá ngừ đóng hộp cho thị trường Hy Lạp phần lớn là từ các nước trong nội khối, chiếm 58% tổng NK cá ngừ của nước này. Trong đó, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha là 3 nguồn cung lớn nhất.

Người Hy Lạp rất ưu chuộng các sản phẩm cá ngừ đóng hộp Italy được cung cấp bởi thương hiệu cao cấp Rio Mare. Trong khi giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp từ Italy, nhập khẩu từ Hà Lan vào Hy Lạp tăng 50% trong năm 2018, mặc dù giá cá ngừ đóng hộp của Hà Lan năm 2018 tăng 4% so với năm 2017.

Trái với xu hướng nhập khẩu từ các nước trong nội khối, nguồn cung từ các nước châu Á có xu hướng tăng. Các nhà chế biến cá ngừ châu Á đã cung cấp 2.712 tấn cá ngừ đóng hộp trong năm 2018, tăng 21% so với năm 2017. Trong đó, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ là 4 nguồn cung lớn nhất.

Mặc dù các sản phẩm cá ngừ đóng hộp xuất khẩu sang Hy Lạp bị áp thuế cao 24%, các nhà sản xuất đồ hộp Thái Lan vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong số các nguồn cung cá ngừ đóng hộp cho thị trường này, chiếm tỷ trọng 16% về khối lượng. Tiếp đến là Philippines với 9% và Việt Nam 4%.

Theo Lê Thu

Hải quan

Trở lên trên