MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gỗ lao đao vì lạm phát cao

21-08-2022 - 13:50 PM | Thị trường

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tuần từ ngày 26/7 đến ngày 2/8 là 335,4 triệu USD, giảm 7,6% so với tuần trước đó.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tuần từ ngày 26/7 đến ngày 2/8/2022 là 335,4 triệu USD, giảm 7,6% so với tuần trước đó.

Tổng cục Hải quan thống kê trong tháng 7, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,31 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước đó. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, cao hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gỗ lao đao vì lạm phát cao - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sụt giảm trong tháng 7. Ảnh: Báo Lao Động

Xuất khẩu đồ nội thất văn phòng giảm mạnh nhất

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, đồ nội thất văn phòng là mặt hàng có tốc độ giảm mạnh nhất. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 là 33,1 triệu USD, giảm 33,6% so với tháng cùng kỳ 2021. Nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất văn phòng đạt 190,1 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu đồ nội thất văn phòng chiếm 2,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong nửa cuối năm 2022, phía trung tâm dự báo nhu cầu đối với nội thất văn phòng không cao. Nguyên nhân do thương mại toàn cầu đang bị đứt gãy, cộng thêm cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc vẫn tiếp tục và tình hình lạm phát tăng cao tại các thị trường lớn như Mỹ và EU. Trong bối cảnh người dân ở nhiều thị trường nhập khẩu gỗ từ Việt Nam phải "thắt lưng buộc bụng", đồ nội thất không phải là ưu tiên lựa chọn. Tất cả các yếu tố trên sẽ dẫn tới việc kinh doanh gặp nhiều bất ổn và các doanh nghiệp sẽ tạm thời thu hẹp hoạt động, theo đó nhu cầu tiêu thụ đồ nội văn phòng dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trị giá nhập khẩu đồ nội thất văn phòng trên toàn cầu đạt trung bình 3,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2017-2021, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,5% tổng trị giá nhập khẩu trên toàn cầu trong giai đoạn này. Mặc dù, mặt hàng trên không phải thế mạnh của ngành gỗ, tuy nhiên tiềm năng xuất khẩu rất khả quan, bởi nhu cầu thị trường lớn nhưng Việt Nam mới chỉ cung cấp được một phần nhỏ, và có dư địa để các doanh nghiệp khai thác.

Xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc giảm

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của sản phẩm gỗ Việt Nam ở mức 685 triệu USD, giảm 11% theo tháng và giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, kim ngạch sang Mỹ là 5,56 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ 2021.

Tháng 6, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh nhất với 24,5% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 770,4 triệu USD. Nửa đầu năm nay, giá trị kim ngạch ở mức 4,86 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, tỷ trọng giảm từ 60% cuối tháng 4 xuống 58%.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), chia sẻ với Người Đồng Hành xuất khẩu tháng 7 giảm nhưng vẫn còn những đơn hàng cũ. Còn hiện nay, ngành gỗ đang đối mặt với việc đơn hàng mới giảm. Nguyên nhân vì lạm phát khiến sức mua thị trường yếu vì đồ gỗ không nằm trong ưu tiên mua sắm của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tại Mỹ tăng 8,5% so với cùng 2021 dù đã hạ nhiệt so với mức tăng kỷ lục hơn 4 thập kỷ 9,1% ghi nhận trong tháng 6.

Xuất khẩu gỗ lao đao vì lạm phát cao - Ảnh 2.

Diễn biến chỉ số CPI của Mỹ. Ảnh: CNBC

Bên cạnh đó, theo ông Phương, ngành gỗ ảnh hưởng hậu Covid-19 do kế hoạch cung ứng của nhà mua hàng bị đảo lộn, đơn cử khi đặt 2 container, chỉ một container về đúng hẹn do đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhà mua hàng đặt nhiều hơn so với kỳ vọng của thị trường và hiện tồn kho ở mức cao.

Hàn Quốc, thị trường lớn thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, giảm 5% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2021, ở mức 79,5 triệu USD. Thị trường đứng thứ 5, Anh, ghi nhận giá trị giảm 38%, xuống 16,3 triệu USD; hay Canada, đứng thứ 6, giảm 15% xuống 22,4 triệu USD. Các thị trường nhỏ hơn như Pháp, Đức giảm lần lượt 18% và 24%. Bên cạnh đó, nhóm thị trường khác cũng giảm 23%.

Theo ITC, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hàn Quốc đạt gần 1,2 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2017 – 2021, trong đó trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đạt 204 triệu USD/năm, chiếm khoảng 17,5% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hàn Quốc.

Xuất khẩu gỗ lao đao vì lạm phát cao - Ảnh 3.

Xuất khẩu gỗ qua thị trường Hàn Quốc. Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đơn vị

Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc đề cập 6 tháng đầu năm, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước này có xu hướng giảm, ở mức 176.000 tấn, trị giá 586,5 triệu USD, thấp hơn 17,1% về lượng và giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là nước cung cấp lớn thứ hai mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ cho Hàn Quốc với 29.900 tấn, trị giá 94,2 triệu USD, thấp hơn 27% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Theo nhận định của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tới Hàn Quốc trong nửa cuối năm 2022 kém lạc quan. Lý do là tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đang có xu hướng chậm lại trong bối cảnh nhu cầu ở nước ngoài suy yếu với lạm phát tăng và thắt chặt tiền tệ, trong khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 của Trung Quốc tiếp tục gây thêm áp lực. Chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng 6 tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, mức nhanh nhất trong gần 24 năm qua. Lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng đối với hàng hóa không thiết yếu của Hàn Quốc chậm lại.

Theo Đỗ Lan

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên