MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể đạt hơn 8 tỷ USD trong năm nay

15-11-2018 - 20:32 PM | Thị trường

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2018 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 845,4 triệu USD, tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 598,3 triệu USD, tăng 17,8% so với tháng trước và tăng 17,84% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,05 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Tháng 10/2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính đều tăng mạnh. Dẫn đầu là thị trường Mỹ với trị giá đạt 389 triệu USD, tăng 15,5% so với tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2018, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Pháp và Malaysia tăng rất mạnh. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Anh và Đức có trị giá giảm.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngành gỗ của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan và mở rộng ra nhiều thị trường mới. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2018 dự đoán đạt 8,85 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2017.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ các yếu tố hỗ trợ như gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang được nhiều thị trường nhập khẩu lớn quan tâm.

Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng từ tháng 4/2018, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ tiếp tục được cải thiện nhờ sự tăng trưởng của thị trường nhà ở và theo thông lệ hàng năm nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất của Mỹ tăng mạnh vào những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đồ nội thất của Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu EU quan tâm, do sự phát triển về mặt kỹ thuật hơn so với các nước ở châu Á và ngày càng có khả năng cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao cho châu Âu với nguồn nguyên liệu được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và châu Âu.

Nhật Bản là một thị trường lớn và phức tạp với mức độ cạnh tranh rất gay gắt. Tuy nhiên thực tế cho thấy một số doanh nghiệp Việt Nam đã tìm hiểu và thâm nhập được vào thị trường này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ sang thị trường Nhật Bản trong những tháng gần đây đã cải thiện rõ nét.

Ngoài ra, Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được ký kết sẽ giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU, mở rộng thị phần xuất khẩu gỗ của Việt Nam ra thị trường thế giới. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là sẽ mở ra cơ hội đối với gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đồ nội thất.

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên