MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khởi sắc ngay từ đầu năm

04-02-2021 - 15:39 PM | Thị trường

Xưởng sản xuất gỗ của công ty CP Vinafor Saigon

Xưởng sản xuất gỗ của công ty CP Vinafor Saigon

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2021 ước đạt hơn 1,2 tỷ USD, trong đó sản phẩm gỗ đạt hơn 973, 673 triệu USD, tăng 9,11% so với tháng 1/2020. Đây đều là đơn đặt hàng từ quý 3, 4/2020.

Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã gây tác động nặng nề đối với ngành gỗ trong tháng 4 và tháng 5/2020, do thị trường xuất khẩu bị gián đoạn, các đơn hàng bị trì hoãn, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ rất khó khăn. Hàn Quốc và Hoa Kỳ khởi xướng điều tra bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 6/2020 ngành gỗ đã bứt phá và tăng trưởng mạnh mẽ. Thành công của ngành gỗ trong năm 2020 là nhờ sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, và doanh nghiệp đã tận dụng tốt việc cắt giảm thuế từ các FTA đã ký kết để tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và thị phần tại các nước nhập khẩu.

Nhờ vậy mà năm qua ngành gỗ vẫn tăng trưởng tốt với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019, vượt mục tiêu của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) đề ra.

HOA KỲ NHẬP KHẨU 7,16 TỶ USD SẢN PHẨM GỖ TỪ VIỆT NAM TRONG NĂM 2020

Trước đây, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu của Việt Nam. Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm số 1 của Việt Nam, tăng trưởng 34,33% so với năm 2019, và Việt Nam cũng là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong năm 2020, chiếm 37,2% thị phần của Hoa Kỳ.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 7,16 tỷ USD, tăng 34,33% so với năm 2019.

Trong 3 thị trường xuất khẩu chính có 2 thị trường tăng và 1 thị trường giảm. Cụ thể, thị trường Hoa Kỳ đạt 7,16 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2019; Nhật Bản đạt 1,29 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2019; Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 cho Hoa Kỳ, tuy nhiên do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, và đại dịch Covid-19 mà thị phần và giá trị sản phẩm gổ của Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm mạnh chỉ đạt 3,84 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ 2019. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 11,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019, và doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng lấp vào chỗ trống do Trung Quốc để lại.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp (MBA) Hoa Kỳ, năm 2021 thị trường nhà ở gia đình tại Hoa Kỳ đạt khoảng 1,134 triệu ngôi nhà, trong năm 2022 đạt 1,165 triệu ngôi nhà; năm 2023 đạt 1,210 triệu ngôi nhà. Thị trường nhà ở Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đình tăng trong năm 2021 và những năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ, trong đó có Việt Nam.

XUẤT KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ SẼ ĐẠT 20 TỶ USD VÀO NĂM 2025

Giá trị thương mại đồ gỗ và đồ nội thất bằng gỗ toàn cầu khoảng 430 tỷ USD, trong đó có khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ gỗ. Hiện kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.

Việt Nam đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản và Việt Nam đã hình thành được hệ thống doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, đủ sức phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến lâm nghiệp. Bên cạnh các thị trường truyền thống có trị giá xuất khẩu cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, ngành gỗ Việt Nam cũng có một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ…

Ngoài gỗ và sản phẩm từ gỗ thì Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: Gỗ ghép thanh, ván dán, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất,… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có trị giá xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.

Liên tục trong nhiều năm qua xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam luôn tăng trưởng hai chữ số, cùng với việc trải qua năm 2020 đầy khó khăn mà ngành gỗ vẫn phát triển 16,2% thì mục tiêu 20 tỷ USD có thể đạt được vào năm 2025 hoặc sớm hơn.

"Cách đây 10 năm không ai dám nghĩ Việt Nam xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 10 tỷ USD. Mục tiêu đến 2025 xuất khẩu đạt 20 tỷ USD gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn nữa".  một chuyên gia trong ngành nhận định.

Theo Duy Khang

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên