MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu lợn sang Trung Quốc: Thị trường tiềm năng nhưng nhiều rủi ro

11-08-2016 - 22:13 PM | Thị trường

Trong thời gian vừa qua, việc thương lái Trung Quốc đột ngột dừng thu mua lợn mỡ (lợn có trọng lượng khoảng trên 1 tạ/con) đã khiến giá lợn hơi trong nước giảm mạnh. Thậm chí tình trạng này đã khiến nhiều tiểu thương đứng ngồi không yên khi hàng loạt xe chở lợn bị ách tắc tại cửa khẩu.

Liên quan đến vấn đề này Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, đối với ngành chăn nuôi nói chung và ngành lợn nói riêng, Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng vẫn có nhiều rủi ro.

Giá lợn “rớt” mạnh

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh phía Nam trong tháng 7/2016 nhìn chung diễn biến theo xu hướng giảm.

Cụ thể, tại một số địa phương như Vĩnh Long, An Giang, giá đã giảm 500 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng, hiện mức giá dao động từ 42.500 đồng/kg- 44.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, giá lợn hơi bán ra tại các trại hiện cũng chỉ còn 42.000-43.000 đồng/kg, giảm 5.000-6.000 đồng/kg so với mức giá cuối tháng trước. Nếu so với mức giá “đỉnh” vào tháng Tư và đầu tháng 5/2016, giá lợn hơi trên địa bàn Đồng Nai đã giảm đến 12.000-13.000 đồng/kg, tương đương mức giảm hơn 23%.

Lý giải vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho rằng, nguyên nhân của việc giá “rớt” mạnh là do thời điểm này lượng lợn tồn ở Trung Quốc còn nhiều nên nước này hạn chế nhập. Trong khi đó, Đồng Nai cung cấp hơn 50% sản lượng lợn hơi Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc nên giá lợn tại đây bị ảnh hưởng ngay.

“Như trong năm nay ở thời điểm tháng Ba, tháng Tư vừa qua giá lợn tăng rất cao. Do thời điểm này nhu cầu phía Trung Quốc tăng lên rất nhiều, trong khi nguồn cung trong nước của họ sản xuất vẫn đang thiếu nên họ nhập lợn vào ồ ạt với giá tốt nên dân mình đổ xô mua giống nhân đàn. Tuy nhiên, khi thị trường của họ đã bão hòa thì họ lập tức không nhập nữa, khiến người chăn nuôi trong nước hết sức bị động,” ông Trọng lý giải.


Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, xuất khẩu lợn sang Trung Quốc hiện nay vẫn bằng con đường tiểu ngạch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, xuất khẩu lợn sang Trung Quốc hiện nay vẫn bằng con đường tiểu ngạch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặt khác, theo ông Trọng, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lợn sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. “Mà tiểu ngạch thì hoàn toàn bị động chính vì vậy nó có những rủi ro khi người ta tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ,” ông Trọng phân tích thêm.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang, mặc dù giá lợn hơi ở thời điểm này giảm mạnh, song người nuôi hiện vẫn có lãi. Bởi giá thành sản xuất hiện khoảng 39.000-42.000 đồng/kg trong khi giá bán hiện tại cỡ khoảng 45.000-49.000 đồng/kg.

Vừa là rủi ro, vừa là cơ hội

Ông Trọng cho biết, hiện tại nước ta vẫn xuất khẩu thịt lợn bằng con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vấn đề này vừa là rủi ro nhưng cũng vừa là cơ hội. Bởi thị trường Trung Quốc được đánh giá là một trong những thị trường “dễ tính” không có những yêu cầu khắt khe về chất lượng.

“Tuy nhiên, hiện tiêu chuẩn nhập vào thị trường Trung Quốc, thì người dân Trung Quốc chỉ nhập những con lợn có kích cỡ lớn hơn cỡ trên 1 tạ/con do nhu cầu Trung Quốc sử dụng là thịt nhiều mỡ. Cho nên trên cơ sở đó, nếu xuất khẩu sang Trung Quốc có phần dừng lại thì lợn trong nước trên 1 tạ/con bao giờ cũng có giá hạ hơn. Đó là cái rủi ro rất lớn cho người sản xuất,” ông Trọng chỉ rõ.

Ông Trọng cũng cho rằng, để có kế hoạch cho sản xuất thì xuất-nhập khẩu chính ngạch bao giờ cũng tốt hơn. Song nhập khẩu chính ngạch không thể đơn phương mình thực hiện được mà mình phải có thỏa thuận hai bên.

Khi xuất-nhập khẩu chính ngạch thì phải có những thủ tục hành chính và chất lượng sản phẩm cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn của nước nhập hoặc tiêu chuẩn vùng.

“Trong thời điểm hiện tại những sản phẩm của mình và những sản phẩm của Trung Quốc vẫn có những hạn chế về an toàn thực phẩm cho nên có cái khó khi xuất khẩu bằng đường chính ngạch. Nhưng nếu xuất khẩu bằng con đường chính ngạch thì nó chắc chắn hơn và có kế hoạch hơn và không rơi vào tình trạng cung cầu mất cân đối,” ông Trọng nhấn mạnh.

Mặc dù có những rủi ro cao, song Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam vẫn đánh giá Trung Quốc là một thị trường có giá cao và có tiềm năng của ngành chăn nuôi của Việt Nam.

“Hiện tại ở Trung Quốc giá lợn hơi khoảng 66.000-68.000 đồng/kg, nếu mình sản xuất vừa phải và có kế hoạch thì chắc chắn vẫn có thể xuất với giá tốt,” Chủ tịch Nguyễn Đăng Vang cho hay.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Trong câu chuyện thu mua lợn mỡ này, ông Trọng cũng đánh giá, phía Trung Quốc không chủ động mua mà chỉ mua khi nhu cầu thiếu, không có kế hoạch trước. Việc thu mua cũng hoàn toàn thông qua các thương lái Việt Nam và thương lái Trung Quốc.


Nuôi lợn thịt sử dụng thức ăn bổ sung men vi sinh ở Vĩnh Phúc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nuôi lợn thịt sử dụng thức ăn bổ sung men vi sinh ở Vĩnh Phúc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

“Do đó, người chăn nuôi cần lưu ý, để tránh rủi ro không nên ồ ạt thay thế đàn ở thời điểm giá cao, ngược lại cũng không nên bỏ đàn tại thời điểm giá xuống. Khi đã xác định chăn nuôi là nghề thì phải đảm bảo sự ổn định, đều đặn mới đem lại lợi nhuận,” ông Trọng khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, đối với sản xuất thì thị trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

“Chúng ta có thị trường tốt, có sản xuất tốt thì sẽ phát triển ổn định," ông Dương nói.

Theo ông Dương, về lâu dài, để đảm bảo sự phát triển ổn định, người chăn nuôi nên tiến hành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành 8 VietGAP mới cho trang trại và 2 VietGAP mới cho nông hộ.

Những VietGAP này được xây dựng đơn giản hơn nhiều so với trước, giảm khoảng 30 chỉ tiêu nhưng vẫn đảm bảo an toàn và đảm bảo phù hợp với vùng. Bên cạnh đó, người nuôi cần tăng cường sử dụng giống vật nuôi bản địa có chất lượng cao để cạnh tranh được với thị trường quốc tế./.

Theo Thanh Tâm

Vietnam+

Trở lên trên