Xuất khẩu rau quả Việt Nam chiếm chưa tới 1% thị phần thế giới
Với giá trị thị trường NK rau quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011, giá trị XK rau quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% thị phần thế giới là rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
- 13-10-2017Xuất khẩu rau quả Việt lập kỷ lục mới: Chuyên gia nói gì?
- 12-10-2017Xuất khẩu rau quả phụ thuộc vào Trung Quốc
- 26-09-2017Kỳ vọng xuất khẩu rau quả 3,6 tỷ USD
Phát biểu tại hội thảo “Cơ hội và giải pháp-Vì sao DN Việt Nam nên tham gia thị trường chế biến trái cây lúc này” diễn ra sáng 21/11, tại Hà Nội: Ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết: Những năm gần đây, XK rau quả nói chung, đặc biệt là giá trị XK trái cây liên tục tăng cao.
Cụ thể, từ con số vài trăm triệu USD/năm trái cây đã vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2013 và đạt 2,45 tỷ USD năm 2016. Tốc độ tăng trưởng trung bình là 1,25 lần/năm. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị XK các loại quả đạt 2,48 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm 2016.
Về mặt thị trường, các thị trường NK rau quả lớn liên tục tăng trưởng về giá trị, từ 13 thị trường trên 1 triệu USD năm 2014 lên 10 thị trường trên 20 triệu USD năm 2016. Bên cạnh Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 70,8% thị phần, nhiều loại rau quả Việt Nam đã được XK vào các thị trường cao cấp có yêu cầu rất cao như Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Australia.
“Tuy nhiên, với giá trị thị trường NK rau quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011, giá trị XK rau quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% thị phần là rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, dù ngành sản xuất quả Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua”, ông Cường nói.
Đi sâu phân tích XK rau quả, đặc biệt là mặt hàng quả của Việt Nam, ông Cường cho hay: Việt Nam chủ yếu XK dưới dạng trái cây tươi nên giá trị gia tăng thấp và bị tác động bởi các rào cản kỹ thuật như kiểm dịch thực vật, chất lượng trái cây giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn do chưa có các công nghệ bảo quản tiên tiến và các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, hiện nay, ngành sản xuất cây ăn quả Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, thách thức như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tổ chức sản xuất bất cập, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chất lượng quả chưa cao, năng suất thấp, các sản phẩm qua chế biến còn ít, chi phí vận chuyển lớn (hàng không)…
Trong thời gian tới, Việt Nam xác định trái cây là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển. Định hướng chung toàn ngành đặt ra là: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất cây ăn quả nhằm tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, tăng cường phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ cây ăn quả với các sản phẩm chế biến chính gồm các loại quả đông lạnh, đóng hộp, sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc… nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường, tăng kim ngạch XK; tập trung phát triển thị trường, giữ vững các thị trường truyền thống, tăng cường mở rộng các thị trường mới, phát triển thương hiệu quả Việt Nam…
Báo hải quan