Xuất khẩu tăng mạnh, cổ phiếu xi măng trỗi dậy
Cổ phiếu xi măng bất ngờ được giao dịch tích cực trong thời gian gần đây. Triển vọng nhóm ngành này được cho là sáng sủa hơn khi cả xuất khẩu và tiêu thụ xi măng thời gian qua đều tăng mạnh.
Trong các phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán ghi nhận sự giao dịch rất tích cực đến một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành xi măng.
Trong đó, cổ phiếu HT1 của Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 đang thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Chỉ trong 3 phiên giao dịch gần đây, HT1 đã tăng 10,4% từ 13.650 đồng/cp lên thành 15.200 đồng/cp. Còn nếu tính từ đầu tháng 7, cổ phiếu này đã tăng 43,4%.
Diễn biến giá cổ phiếu HT1 trong 3 tháng qua.
Cổ phiếu BCC của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn cũng có diễn biến tương tự với 2 phiên tăng trần liên tiếp vào ngày 27, 28/9. Còn tính từ đầu tháng 7, cổ phiếu BCC đã tăng 32% và đang giao dịch ở mức 8.200 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu BCC trong 3 tháng qua.
Tương tự, trong 3 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu BTS của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn đã tăng từ 4.600 đồng/cp lên thành 5.500 đồng/cp, tương ứng tăng 19%.
Diễn biến giá cổ phiếu BTS trong 3 tháng qua.
KQKD thời gian gần đây của các doanh nghiệp niêm yết nhóm ngành xi măng cũng đã dần được cải thiện.
Riêng trong quý II năm nay, HT1 đạt 242 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 108% so với cùng kỳ, nâng tổng LNST 6 tháng đầu năm lên 324 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với nửa đầu năm 2017 và thực hiện được 56% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tương tự, BCC báo lãi sau thuế quý II gần 22 tỷ đồng cải thiện mạnh so với số lỗ hơn 39 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BCC lãi sau thuế 15,43 tỷ đồng - tăng trưởng mạnh so với số lỗ 24,95 tỷ đồng phải chịu trong nửa đầu năm ngoái dù còn cách rất xa mục tiêu lãi sau thuế 94 tỷ đồng đặt ra cho cả năm.
Nguyên nhân khiến một số cổ phiếu đầu ngành xi măng đang có dấu hiệu bứt phá sau chuỗi thời gian bị lãng quên được cho là đến từ việc xuất khẩu, tiêu thụ xi măng đều tăng mạnh. Điều này giúp cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xi măng khởi sắc trở lại. Bài toán gỡ nút thắt cho tình trạng cung luôn vượt cầu là một trong những tồn tại điển hình của ngành xi măng này cũng được cho là sẽ dễ dàng hơn.
Cụ thể, theo số liệu cập nhật của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sản phẩm xi măng tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu ước đạt khoảng 7,88 triệu tấn trong tháng 9, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng ước đạt khoảng 2,20 triệu tấn, tăng 43%.
Như vậy, có tổng 72,82 triệu tấn sản phẩm xi măng được tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 85% kế hoạch của cả năm. Trong đó, tiêu thụ sản phẩm nội địa đạt 49,54 triệu tấn và xuất khẩu đạt 23,28 triệu tấn.
So với mục tiêu kế hoạch đề ra, sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng đã về đích sớm, vượt 3 - 4 triệu tấn so với kế hoạch xuất khẩu cả năm 2018 là từ 18- 19 triệu tấn.
Theo một số chuyên gia phân tích, thị trường xi măng Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc cắt giảm nhân công tại Trung Quốc. Điều này cũng là yếu tố tích cực tác động đến giá cổ phiếu xi măng thời gian gần đây.
Theo SSI Research, Trung Quốc hiện là nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, với công suất khoảng 2,5 tỷ tấn, chiếm gần 60% công suất thế giới và tương đương gấp khoảng 25 lần công suất của Việt Nam.
Vào cuối năm 2017, Trung Quốc đã chuyển từ một nước xuất khẩu clinker sang nhập khẩu, do chính phủ Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh việc giảm công suất xi măng để đối phó với tình trạng dư thừa và ô nhiễm quá mức. Nhu cầu nhập khẩu clinker ở Trung Quốc tăng cao đã dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam.
NDH