MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu thủy sản dè dặt mục tiêu tăng 5%

22-01-2017 - 14:33 PM | Thị trường

Gần 8% được xem là mức tăng trưởng khá của ngành thủy sản so với mặt bằng chung về XK. Tuy nhiên, XK thủy sản trong năm 2017 vẫn tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn, nhất là từ hàng rào kỹ thuật mà các nước dựng lên.

Mũi nhọn của ngành Nông nghiệp

Năm 2016, Việt Nam XK thủy sản tới 161 thị trường với kim ngạch đạt khoảng 7,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với năm 2015. Thị trường XK chính của thủy sản Việt Nam vẫn là Mỹ (1,435 tỷ USD), Nhật Bản (1,098 tỷ USD), Hàn Quốc (608 triệu USD), Trung Quốc (685 triệu USD)…

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tôm vẫn mang lại giá trị XK cao nhất cho ngành thủy sản trong năm 2016, chiếm 44% về giá trị, ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2015 và đã XK sang 90 thị trường. Những thị trường XK chính của mặt hàng tôm là Mỹ, EU, Hàn Quốc… có mức tăng trưởng tốt, nhất là thị trường Trung Quốc tăng tới 23%. Tiếp theo, mặt hàng cá tra chiếm 24% tổng giá trị XK thủy sản, tăng gần 7% so với năm 2015; cá ngừ của Việt Nam năm 2016 đã phục hồi ước đạt 500 triệu USD, tăng 9% so với năm 2015 sau 3 năm sụt giảm liên tiếp.

Bất chấp khó khăn trong năm 2016 về hạn hán, xâm nhập mặn đã tác động lớn đến vấn đề nguyên liệu, theo VASEP, có được thành tích trên là nhờ sự nỗ lực của cộng đồng DN, cộng với nhu cầu NK của các thị trường dần tăng trở lại do kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục.

Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng thì những ngày đầu năm 2017, ngành thủy sản đã phải đón nhận tin không vui, đó là việc Australia dừng NK tôm từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân Australia đưa ra lệnh cấm là do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland (Australia). Theo đó, lệnh cấm NK được áp dụng trong 6 tháng (từ 9-1 đến 9-7), các lô hàng đến Australia kể từ ngày 9-1 sẽ bị tiêu huỷ hoặc tái xuất. Dù không phải là thị trường XK lớn của Việt Nam song lệnh cấm này cũng phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch XK của các DN nói riêng, kế hoạch XK của cả ngành nói chung. Ông Hòe cho biết, đây là thị trường đầy “tham vọng” của Việt Nam bởi thị trường này đang có sức hấp dẫn với DN khi nhu cầu sử dụng dầng tăng dần. Hiện, XK tôm của Việt Nam sang Australia mỗi năm khoảng 50-60 triệu USD.

Không chỉ thị trường Australia mà nhiều nước NK thủy sản của Việt Nam nhiều năm qua liên tục dựng lên rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất nội địa hoặc hạn chế NK. Những rào cản như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh, bảo vệ nguồn lợi IUU hay chương trình thanh tra riêng biệt như chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ… đang và sẽ được tăng cường áp dụng.

Dự báo chỉ tăng 5%

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Thương mại, với việc tham gia và thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc cắt giảm thuế quan, thủy sản XK của Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với xu hướng tăng cường các rào cản kỹ thuật, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh nghiêm ngặt… từ các thị trường NK khó tính.

Đến nay, đã có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ NK thủy sản Việt Nam dựng lên các rào cản phi thuế quan, kể cả việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước nhập khẩu lớn, do đó áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng tăng trên thị trường quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2015, gần 260 lô hàng thuỷ sản Việt Nam đã bị các nước NK trả về vì hoá chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt ngưỡng.

Đây sẽ là một trong những trở ngại lớn cho XK thủy sản trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, việc gia tăng sản lượng tôm của các nước như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan sẽ khiến Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt. Ví dụ, Ấn Độ là đối thủ lớn nhất của Việt Nam hiện nay tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, nhất là đối với sản phẩm tôm chân trắng. Với kế hoạch đầu tư và phát triển đồng bộ, tôm Ấn Độ có ưu thế về nguồn cung ổn định và giá thành thấp hơn so với tôm Việt Nam. Hay Indonesia tiếp tục tăng trưởng XK tôm trong những năm tới.

Chính vì thế, năm 2017, ngành thủy sản cũng chỉ dè dặt đặt ra mục tiêu XK 7,4- 7,5 tỷ USD với mức tăng trưởng đạt xấp xỉ 5% so với năm 2016. Theo dự báo của VASEP, thị trường XK lớn nhất là Mỹ vẫn có áp lực cạnh tranh, thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật sẽ khiến cho XK tôm sang Mỹ trong năm 2017 không duy trì được tăng trưởng mạnh như năm 2016. Trên thực tế, tôm chiếm gần 50% giá trị XK thủy sản sang Mỹ nên sẽ tác động đến kết quả XK chung.

Với thị trường EU, ông Hòe cho hay, trước những biến động chính trị, đồng Euro mất giá, thị trường phục hồi chậm, trong khi thủy sản Việt Nam cần có thời gian để tạo lại niềm tin, cũng như thúc đẩy quảng bá thủy sản sẽ là những yếu tố chi phối xu hướng thị trường ở châu Âu trong năm 2017. Dự báo XK thủy sản sang thị trường châu Âu khó có thể bứt phá, chỉ có thể duy trì kim ngạch như năm 2016 khoảng 1,2 tỷ USD. Thị trường Nhật Bản có thể khả quan hơn so với EU khi đồng yên đang có xu hướng tăng mạnh, có lợi cho các nhà NK nhưng cũng chỉ có thể tăng 4% so với năm 2016.

Theo Nam Phương

Hải quan

Trở lên trên