Xuất khẩu thủy sản: Số hóa để khắc phục “thẻ vàng” IUU
Cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ. Do đó, số hóa ngành này là việc làm cấp thiết hiện nay.
- 14-11-2022Bị hack gần 500 triệu USD sau khi tuyên bố phá sản, cảnh sát vào cuộc điều tra sàn giao dịch tiền số FTX
- 14-11-2022Những cách đơn giản để phản ánh, chặn tin nhắn, cuộc gọi rác
- 14-11-2022Từ hôm nay, người dân có thể đăng ký đổi giấy phép lái xe quốc tế ngay tại nhà
Theo thống kê, xuất khẩu thủy sản sang EU hiện chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Đối với nghề cá và hoạt động chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam, thẻ vàng đã tạo nên rào chắn lớn trong sự tăng trưởng và phát triển. Chính vì vậy, việc gỡ bỏ thẻ vàng trở thành nỗ lực lớn của toàn ngành và tìm hướng kiểm soát, quản lý là việc tất yếu.
Xuất khẩu thủy sản sang EU hiện chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Ảnh: Vũ Sinh
Cần số hóa đồng bộ
Với tình hình hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng ngành thủy sản Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong công cuộc thực hiện Luật Thủy sản 2017 và thực hiện chống khai thác bất hợp pháp.
“Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu là thẻ phạt đối với quốc gia vi phạm quy định hàng hóa hải sản khi nhập khẩu vào thị trường Châu Âu (EU). Khi quốc gia nào bị EC phạt “thẻ vàng” sẽ bị công bố rộng rãi trên thế giới, hàng thủy sản nhập vào EU sẽ bị tăng cường kiểm tra với thời gian kiểm tra kéo dài làm tăng rất cao chi phí.
Cho đến nay, gần 5 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu áp dụng "thẻ vàng" IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam, toàn bộ đội ngũ tàu khai thác xa bờ có chiều dài 15m trở lên đã được gắn thiết bị giám sát hành trình. Nhiều tàu cá vi phạm đã bị xử phạt nặng bằng các hình thức thu hồi giấy phép khai thác có thời hạn và vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, để có thể quản lý nghề cá hiệu quả và triệt để, khơi thông từ ý thức của nhiều thế hệ, nhiều biện pháp được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản đề xuất cũng đã được Bộ NN-PTNT quan tâm và đưa vào thực hiện.
Theo đó, việc quản lý và kiểm soát sẽ không thực hiện bằng các biện pháp truyền thống, mà được áp dụng bằng con đường số hóa, thông qua các thiết bị điện tử.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, ngay sau khi Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo thẻ vàng, hiệp hội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ thẻ vàng của châu Âu.
Hiệp hội đã phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi làm việc với ngư dân để nắm bắt những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện IUU tại địa phương. Bên cạnh đó, quy định chống khai thác bất hợp pháp không còn là yêu cầu của riêng thị trường châu Âu, mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác.
Cụ thể, Nhật Bản thông báo từ ngày 01/12/2022 sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với bốn loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này gồm mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận.
Từ thực tế trên, lãnh đạo VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các cảng cá. Đồng thời, cần số hóa hệ thống nghề cá để lưu trữ các số liệu, qua đó hỗ trợ quá trình gỡ thẻ vàng IUU. Bởi qua số hóa, các dữ liệu lưu lại thể hiện rõ ràng nhất nỗ lực của ngư dân và toàn nghề cá Việt Nam.
Nghề cá cần được số hóa để lưu trữ các số liệu, hỗ trợ quá trình gỡ thẻ vàng IUU. Ảnh: sưu tầm
Giải pháp gỡ thẻ vàng châu Âu
Xuất khẩu thủy sản sang EU chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Con số này cho thấy tầm quan trọng của việc tháo gỡ thẻ vàng IUU. Do vậy, chính quyền và ngư dân các tỉnh ven biển đang nỗ lực thực hiện giải pháp đồng bộ, cấp bách với hy vọng sớm gỡ được thẻ vàng của EC để sản lượng thủy, hải sản xuất khẩu tăng thêm.
Theo đó, một số tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ninh, Bình Thuận... đã tăng cường xử phạt hành vi khai thác IUU, nhất là vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Các tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng có tỷ lệ lắp thiết bị định vị VMS cao (thiết bị giám sát hành trình), trên 95%.
Điển hình, đối với tỉnh Bình Thuận, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh này đã liên tiếp chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và yêu cầu khắc phục tồn tại, hạn chế theo ý kiến kết luận của Đoàn thanh tra EC.
Đến nay, gần 99% tàu cá từ 15m trở lên ở Bình Thuận đã lắp thiết bị giám sát hành trình để thuận tiện quản lý. Tỉnh này cũng tăng cường lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ trên biển nhằm phát hiện, bảo vệ, ngăn chặn tàu cá và ngư dân có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài; tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân về IUU...
Thiết bị giám sát hành trình tàu cá giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: Báo Biên phòng
Tương tự, tại Cà Mau, tới thời điểm này 100% phương tiện khai thác thuộc diện bắt buộc đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, chống khai thác IUU phải xác định được cái gốc của vấn đề là từ các cơ sở, trong số các tỉnh thành có tàu cá vi phạm thì chỉ có một số lượng nhỏ địa phương phường, xã có tàu cá vi phạm, chính vì vậy cần khoanh vùng bám sát cơ sở để vận động, tuyên truyền, giám sát địa bàn để kịp thời xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Trước đó, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở mục tiêu tổng thể trên, Bộ NN&PTNT đặt ra những mục tiêu đến năm 2025 sẽ gỡ được “thẻ vàng” EC.
Diễn đàn doanh nghiệp