Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng bất ngờ
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2016.
- 02-12-2017Giá trị xuất khẩu thủy sản trong 11 tháng ước đạt 7,57 tỷ USD
- 22-11-2017Vượt Mỹ, EU thành thị trường xuất khẩu thủy sản số một của Việt Nam
- 23-09-2017Phấn đấu giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD
Dù giảm sút ở thị trường dẫn đầu là Mỹ (giảm 1,7%) nhưng 4 thị trường lớn tiếp theo là châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đạt mức tăng trưởng trên 20% giúp thủy sản xuất khẩu cả năm 2017 có thể vượt mức 8 tỉ USD.
Trung Quốc lọt tốp "tỉ đô"
Năm 2016, Trung Quốc chi 860 triệu USD để nhập thủy sản từ Việt Nam. Nhưng chỉ riêng 11 tháng của năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đi thị trường Trung Quốc đã chính thức đạt trên 1 tỉ USD, tăng trưởng trên 64%, chính thức có mặt ở nhóm các thị trường "tỉ đô" của ngành thủy sản cùng với Mỹ (1,3 tỉ USD), EU (1,25 tỉ USD) và Nhật Bản (1,19 tỉ USD).
Thu hoạch tôm và cá tra ở ĐBSCLẢnh: Thốt Nốt - Duy Nhân
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, sự tăng trưởng của ngành thủy sản năm 2018 mang "yếu tố" thị trường Trung Quốc. "Trước đây, Trung Quốc xuất khẩu thủy sản, nay chủ yếu là nhập khẩu, mở thêm thị trường cho Việt Nam, đặc biệt là cá tra đang gặp khó khăn ở những thị trường truyền thống là Mỹ, EU. Ngoài ra, năm 2017 giá cá, tôm trên thế giới tăng cũng giúp thủy sản xuất khẩu tăng giá trị" - ông Lĩnh phân tích.
Gặp nhiều rào cản ở thị trường truyền thống nhưng dự báo năm 2017, cá tra có thể mang về gần 1,8 tỉ USD (đến tháng 11 đã đạt 1,6 tỉ USD) chủ yếu cũng nhờ thị trường Trung Quốc. Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp) Ông Hàng Văn cho biết hiện Trung Quốc dẫn đầu thị trường nhập khẩu cá tra với 23% thị phần. Trung Quốc có nhu cầu thực sự với cá tra Việt Nam do người tiêu dùng nước này chuộng cá thịt trắng hơn là cá thịt đỏ (cá ngừ, cá hồi…). Doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng có giá trị gia tăng, còn DN Trung Quốc chỉ việc phân phối chứ không cần chế biến lại như trước đây. "Hiện giá cá tra công ty xuất khẩu đi Trung Quốc tương đương giá xuất khẩu đi EU trong khi thanh toán lại tốt hơn. Trong nhiều trường hợp, lô hàng được thanh toán trước nên DN rất yên tâm. Sự thuận lợi của thị trường trong năm 2017 giúp các DN giải phóng được tồn kho trước đây. Do đó, dự báo trong 3 tháng tới, giá cá tra vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao" - ông Văn nhận định.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sản lượng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái gần đây tăng đáng kể. Nguyên nhân là các DN, thương nhân đang tập trung vào những sản phẩm cấp đông chất lượng cao, loại đặc sản và bảo quản sống nguyên dạng theo nhu cầu của đối tác, để tạo nguồn cung nhằm đáp ứng cho người tiêu dùng Trung Quốc vào cuối năm.
Tuy nhiên, một vấn đề DN lo ngại là tình trạng thương lái Trung Quốc sang Việt Nam gom thủy sản kém chất lượng sau đó xuất khẩu về nước bằng chứng thư giả. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín thủy sản Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn, giúp ngành phát triển bền vững.
Tôm thắng lớn
Trong khi đó, kể từ đầu tháng 9 đến nay, giá tôm sú và thẻ chân trắng ở Cà Mau (nơi có sản lượng tôm lớn nhất nước) tăng không ngừng. Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg có giá dao động từ 210.000 - 215.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá dao động từ 104.000 - 105.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Cùng với giá tôm nguyên liệu tăng, diện tích nuôi tôm cũng tăng nhanh, kéo theo sản lượng thủy sản tăng cao, đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phát huy tối đa công suất; đồng thời, giúp cho hàng ngàn hộ nuôi tôm có được nguồn thu nhập cao hơn.
Ông Ngô Thành Lĩnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP), cho biết hầu hết các nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh đều đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu để chế biến. Đối với những nhà máy lớn, nguồn tôm chỉ đáp ứng được khoảng 40% -50% yêu cầu thực tế. Năm nay, giá tôm nguyên liệu xuất bán của các nước cũng ở mức cao, không thua kém gì nước ta. Chính vì vậy, các DN không thể nhập khẩu tôm nguyên liệu như mọi năm.
Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu tôm ước đạt gần 3,5 tỉ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 3,8 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2016. Theo ông Trần Văn Lĩnh, năm 2017, con tôm thắng lớn tại thị trường EU (tăng gần 22%). Nguyên nhân khách quan là do tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam) bị dính kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế. "Trong khi đó, tôm Việt Nam đã kiểm soát được kháng sinh tốt hơn trước đây. Hơn nữa, để được hưởng thuế suất ưu đãi từ EU, DN phải mua tôm nguyên liệu trong nước dù giá cao hơn. Cũng do giá nguyên liệu tôm Việt Nam cao nên các DN đã đầu tư lớn để làm hàng chế biến sâu để gia tăng giá trị khi xuất khẩu" - ông Lĩnh nhìn nhận.
Nông dân dè dặt nuôi mới
Giá cá tra nguyên liệu đang ở mức kỷ lục, từ 28.500 - 29.000 đồng/kg, người nuôi có cá xuất bán ở ĐBSCL đang cầm chắc lãi khoảng 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, tỉ lệ cá sống thấp nên nguyên liệu còn hụt trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc HTX nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - cho biết vừa qua, HTX thả nuôi khoảng 10 triệu con giống nhưng giờ chỉ còn lại chưa đầy 1,5 triệu con. Cách nay hơn tuần, HTX thả thêm 5 triệu con giống nhưng đến nay đã phơi bụng ra chết gần hết. Ông Lê Chí Bình, Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận định sẽ khó có tình trạng nông dân thả nuôi ào ạt trở lại như trước đây vì đa số không còn khả năng. Hơn nữa, việc giá cả các nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi cũng đang tăng cao nên phần lợi nhuận sẽ bị giảm lại và làm cho nhiều người ngán ngại khi quyết định đi vay mượn tiền thả nuôi.
Người lao động