MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu Trung Quốc suy yếu nhưng thương mại với 1 nước cao chót vót: Phương Tây để lại cơ hội "béo bở"

03-07-2023 - 07:10 AM | Tài chính quốc tế

Thị trường Nga được các công ty Trung Quốc đánh giá là “béo bở” khi các thương hiệu phương Tây đã rời Nga, bỏ lại một khoảng trống.

Xuất khẩu Trung Quốc suy yếu nhưng thương mại với 1 nước cao chót vót: Phương Tây để lại cơ hội "béo bở" - Ảnh 1.

Kent Liu rất muốn đến Nga, vì khát vọng kinh doanh của ông ở quốc gia này không hề bị cản trở, kể cả sau sự kiện của tập đoàn quân sự Wagner.

Liu, đồng sáng lập của Xinflying Digital Printing Production, cho biết công ty đang rất chú ý đến tình hình chính trị và kinh tế ở Nga, sau khi chứng kiến tổng doanh thu xuất khẩu của công ty vượt 100 triệu nhân dân tệ (13,85 triệu USD) vào năm ngoái.

Liu, nhà sản xuất in kỹ thuật số ở tỉnh Quảng Đông, cho biết lý do là rõ ràng, chỉ ra sự gia tăng “đáng chú ý” trong các đơn đặt hàng của người mua Nga từ đầu năm đến nay.

Mặc dù chiếm một phần nhỏ, chỉ 5%, trong tổng doanh số xuất khẩu của công ty ông, Liu cho biết tiềm năng của thị trường Nga là quá tốt để có thể bỏ qua.

Liu cũng kỳ vọng đơn hàng từ Nga sẽ tăng gấp 2-3 lần so với năm ngoái.

Khi các nước phương Tây tăng cường trừng phạt Nga, Liu là một trong số các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm cách tận dụng điều mà ông và những người trong ngành coi là “cơ hội tốt nhất” để mở rộng và đảm bảo thị trường “béo bở” ở phía bắc bằng cách lấp đầy khoảng trống mà các thương hiệu phương Tây để lại.

Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, thương mại song phương Trung Quốc - Nga đã tăng 40,7% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái lên 93,8 tỷ USD, với giá trị các chuyến hàng đi hướng bắc tăng 75,6% lên 43 tỷ USD.

Chỉ số tăng trưởng bền vững này là một ngoại lệ trong tăng trưởng xuất khẩu yếu nói chung của Trung Quốc, vốn chỉ tăng 0,3% trong cùng kỳ. Xuất khẩu của nước này đã giảm 7,5% trong tháng 5, phần lớn là do nhu cầu yếu từ ba đối tác thương mại hàng đầu là Mỹ, Liên minh châu Âu và ASEAN.

William Liu, giám đốc tiếp thị của một nhà xuất khẩu thiết bị y tế có trụ sở tại Quảng Đông, kỳ vọng nhu cầu từ Nga sẽ ổn định bất chấp những bất ổn trong nước.

William Liu cho biết: “Ngay cả khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhu cầu của Nga đối với các thiết bị y tế và nhu yếu phẩm công nghiệp của Trung Quốc sẽ không giảm”.

Ông nói rằng, đối với các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc, Nga ngày càng trở thành một thị trường quan trọng.

William Liu cũng cho biết ông hy vọng sẽ chiếm được nhiều thị phần hơn với các thương hiệu châu Âu và Mỹ ít nhiều đã rời khỏi Nga.

Brussels đã công bố vòng trừng phạt thứ 11 đối với Nga vào tuần trước, mở rộng danh sách bao gồm gần 2.000 cá nhân và tổ chức. Washington cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung và kiểm soát xuất khẩu vào tháng 5.

Trung Quốc không tham gia các biện pháp trừng phạt, nhưng họ đã thận trọng trong thương mại với Nga để tránh các lệnh trừng phạt thứ cấp.

Alice Lin, một nhà xuất khẩu quần áo và đồ gia dụng, cũng lạc quan về triển vọng kinh doanh tại thị trường Nga trong bối cảnh mối quan hệ nồng ấm giữa Bắc Kinh và Moscow.

Lin cho biết chuỗi hậu cần và cung ứng giữa hai nước sẽ vẫn còn nguyên vẹn bất chấp những bất ổn trong nước ở Nga.

Các doanh nhân Trung Quốc cũng đổ xô đến các nền tảng thương mại điện tử của Nga.

Ozon, "đối thủ" với Amazon, cho biết doanh thu và đơn đặt hàng của người bán Trung Quốc trên trang thương mại điện tử của Nga này đã tăng lần lượt 5 và 6 lần vào năm 2022 so với năm trước.

Tuy nhiên, một số doanh nhân bày tỏ sự thận trọng sau sự kiện lực lượng quân sự tư nhân Wagner tiến đến cách Moscow vài trăm dặm.

Rick Wang, giám đốc bán hàng của một nhà sản xuất áo khoác ở tỉnh Chiết Giang, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi có rất ít thông tin [về phản ứng của các khách hàng Nga đối với sự cố [của Tập đoàn Wagner], vì vậy chúng tôi đang quan sát".

“Cần đợi đến cuối tháng 7 và tháng 8 để xem họ sẽ đặt bao nhiêu đơn hàng mới", ông Wang nói thêm.

Theo Minh Khôi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên