Xuất siêu 7 tháng vẫn tăng "khủng", bất chấp Covid-19
Tháng 7, Việt Nam xuất siêu khoảng 1 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 6,5 tỷ USD.
- 29-07-2020Việt Nam tiếp tục xuất siêu tháng thứ 3 liên tiếp, cao gấp nhiều lần năm trước
- 29-06-2020Nửa đầu năm 2020, Việt Nam xuất siêu đột biến
- 14-06-2020Việt Nam xuất siêu 1 tỷ USD trong tháng 5
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ,khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với trị giá xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 95,03 tỷ USD, giảm 5,7%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng, hầu hết xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, tính tổng trị giá xuất khẩu 7 tháng đầu năm có tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 122,6 tỷ USD.
Mặc dù bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, Việt Nam vẫn suất siêu 6,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)
Bộ Công Thương phân tích, thông thường quý 3 là thời điểm xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, với việc chưa có đơn hàng mới tại thời điểm hiện tại, xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến như: dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ… vẫn gặp nhiều khó khăn và sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, một số nhóm hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 là gỗ và sản phẩm gỗ tăng 6,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh 24,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 27,1%.
Nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng của 2 mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đã phần nào bù lại sự sụt giảm của các mặt hàng chủ lực khác trong nhóm này.
Về thị trường xuất khẩu, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia: EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ… Một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.
Trong 7 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%.
Tính tới hết tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xuất siêu 6,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,98 tỷ USD của 7 tháng năm 2019.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tap, Bộ Công Thương dự báo, 5 tháng cuối năm hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Dù vậy, với việc Hiệp định Thương mại dự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD.
Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như: dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ.../.
VOV