MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất siêu chưa vội mừng: Nội “hăng hái” nhập, ngoại “hăm hở” xuất

Xuất siêu chưa vội mừng: Nội “hăng hái” nhập, ngoại “hăm hở” xuất

Thành tích xuất siêu hoàn toàn thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô), với 34,6 tỷ USD, còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu tới 15,5 tỷ USD...

Việt Nam bắt đầu có xuất siêu từ năm 2012 với 284 triệu USD. Từ đó đến nay, xuất siêu liên tiếp tạo lập những “mốc son mới”. Đặc biệt năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, xuất siêu của Việt Nam vẫn có được con số kỷ lục 19,1 tỷ USD. Và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất siêu đã đạt 1,29 tỷ USD...

Thành tích xuất siêu trong những năm qua không những đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mà còn đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Nhìn lại kết quả xuất khẩu của Việt Nam năm 2020, đây được coi là một kỳ tích, là lực kéo của nền kinh tế và là một trong những điểm sáng của thương mại thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD. Đây là con số xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

BỨC TRANH CÓ TOÀN MÀU HỒNG?

Nếu nhìn tổng thể vào con số xuất siêu thì đây là kết quả rất tích cực. Tuy nhiên nhìn vào từng con số cụ thể thì lại chưa hẳn như vậy. Bởi thành tích xuất siêu hoàn toàn thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô), với 34,6 tỷ USD, còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu tới 15,5 tỷ USD.

Xuất siêu chưa vội mừng: Nội “hăng hái” nhập, ngoại “hăm hở” xuất - Ảnh 1.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 1,29 tỷ USD, nhưng xuất siêu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) với 11,21 tỷ USD, trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,92 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Nếu như năm 2012, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới chỉ chiếm 63,1%, thì đến 4 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng này đã tăng lên 75,2% (báo cáo của Bộ Công Thương). Điều này cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Không chỉ là tỷ trọng chung, mà các con số thống kê của Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương đều cho thấy, ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm thế “thượng phong”. Chẳng hạn, với mặt hàng điện thoại và linh kiện, khu vực này chiếm tới 99,1%.

Trong khi đó, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là 93,1%. Còn với giày dép và dệt may, những tưởng lợi thế thuộc về doanh nghiệp Việt Nam, thì khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chiếm tương ứng 81,9% và 62,5%. Như vậy, thành tích xuất siêu công lớn vẫn thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cho thấy một thực tế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế, sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn chưa bền chặt. Những doanh nghiệp nội địa vẫn chưa cho thấy tiềm lực đủ mạnh để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

NÂNG "CHẤT" DOANH NGHIỆP NỘI ĐỂ GIẢM PHỤ THUỘC

Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài mà đại dịch Covid -19 là một ví dụ điển hình, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Không những vậy, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu bên ngoài do ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Đặc thù ở Việt Nam là để xuất khẩu thì doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu rất nhiều.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, nhìn vào rổ nhập khẩu cho thấy, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị vi tính, điện tử và phụ tùng tăng vọt. Khách quan mà nói, khu vực doanh nghiệp trong nước đang có nhiều dấu hiệu mở rộng đầu tư, nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị để đầu tư là chính. Bên cạnh đó là hoạt động lắp ráp, gia công cũng tăng mạnh. “Nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy, khu vực doanh nghiệp trong nước đang gia tăng nhập khẩu máy móc sản xuất thời hậu Covid-19. Đây là điều đáng mừng”.


photo-1

PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính


"Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu, làm chủ cuộc chơi, còn doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu. Đây là "mảng tối" trong bức tranh sáng của ngành công thương"

Tuy nhiên về kết quả xuất khẩu lại không được là bao. Bởi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. “Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu, làm chủ cuộc chơi, còn doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu. Đây là “mảng tối” trong bức tranh sáng của ngành công thương”, PGS.TS. Thịnh nhấn mạnh.

Nhận định khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 20-22% GDP mà chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của chúng ta mang lại. Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp trong nước, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Tại hội thảo mới đây với chủ đề “Dọn tổ cho đại bàng nội”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã chỉ ra một thực tế là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn doanh nghiệp nội lại rơi vào tình cảnh “bụt chùa nhà không thiêng”, dù doanh nghiệp nội vẫn mang lại giá trị gia tăng cao, tạo công ăn việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách.

“Việc tạo điều kiện, không gian cho doanh nghiệp trong nước, cho các doanh nhân phát triển là rất quan trọng để doanh nghiệp trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.

Dù còn nhiều hạn chế nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều tiềm năng hứa hẹn để doanh nghiệp nội có thể bứt phá. Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chỉ tính riêng trong năm 2020 đã có thêm ba hiệp định thương mại tự do quan trọng gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh, nâng tổng số Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia lên con số 14. Đó chính là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp nội tham gia những cuộc chơi tầm cỡ, hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.

Chính vì vậy, quan điểm của các chuyên gia kinh tế là phải làm sao xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.

Cùng với xây dựng năng lực sản xuất quốc gia, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam dần lớn lên và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, tránh bị phụ thuộc quá lớn như hiện nay?

XUẤT NHẬP KHẨU VẪN CÒN NHIỀU NỖI LO

Tuy đạt được những kết quả tích cực, tín hiệu khả quan, nhưng trong lĩnh vực xuất/nhập khẩu, xuất/nhập siêu cũng có những vấn đề cần cảnh báo. Theo khu vực, khu vực trong nước tăng trưởng thấp xa so với tốc độ tăng chung và tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo thị trường xuất khẩu, có 22/80 thị trường xuất khẩu quý 1 năm nay đã bị giảm so với cùng kỳ.

Trong 85 thị trường nhập khẩu, quý 1 năm nay có những thị trường nhập khẩu tăng rất lớn, như Trung Quốc đạt trên 8,180 tỷ USD, tăng tới 50,6% và chiếm 32,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Trong 85 thị trường chủ yếu, quý 1/2021 Việt Nam ở vị thế nhập siêu với 30 thị trường, trong đó có những thị trường Việt Nam nhập siêu lớn, lớn nhất là Trung Quốc (11,7 tỷ USD).

Trong 4 tháng, nhập siêu từ Trung Quốc 16,3 tỷ USD, tăng 6,6 tỷ USD, từ Hàn Quốc 10 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD, từ ASEAN 5,3 tỷ USD, tăng 3,6 tỷ USD; còn Nhật Bản chuyển từ xuất siêu 0,1 tỷ USD sang nhập siêu 0,7 tỷ USD. Cần lưu ý, trong các thị trường trên, có nhiều thị trường ở châu Á, nhiều thị trường không phải là có kỹ thuật - công nghệ nguồn...

Chuyên gia kinh tế Đào Ngọc Lâm


Theo Mạnh Đức

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên