MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất siêu gần 3 tỉ USD: Niềm vui mong manh!

Cán cân thương mại của Việt Nam trong năm 2016 đã thặng dư trở lại với mức xuất siêu 2,68 tỉ USD nhưng chủ yếu vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỉ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,02 tỉ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 23,7 tỉ USD. Công lớn trong thành tích xuất siêu vẫn thuộc về khu vực FDI.

Tỉ trọng xuất nhập khẩu của khu vực FDI chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016. Sản phẩm chủ yếu vẫn chỉ ở dạng gia công Ảnh: VĨNH TÙNG

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỉ USD tăng 8,6% so với năm trước. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước chiếm tỉ trọng 28,4% với hơn 50 tỉ USD, trong khi khu vực DN FDI chiếm tỉ trọng tới 70,22% (không kể dầu thô) với hơn 123,5 tỉ USD tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tốc độ tăng cao là điện thoại các loại và linh kiện với 34,5 tỉ USD, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện với 18,5 tỉ USD, hàng dệt may 28,5 tỉ USD… Những mặt hàng này đều chủ yếu do khối DN FDI chiếm ưu thế.

Đáng lưu ý, nếu vài năm trước, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chỉ chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, nay con số này đã áp đảo lên tới hơn 70% cho thấy “thành tích” xuất khẩu và cả xuất siêu chủ yếu phụ thuộc vào khu vực này. Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh, khu vực FDI sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng công nghiệp chế biến vẫn nặng tính gia công, lắp ráp nên hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm rất thấp. Xuất khẩu những sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo gần như là “xuất hộ”.

Ngay Bộ Công Thương trong báo cáo tình hình thương mại, công nghiệp năm 2016, cũng nhìn nhận xuất khẩu vẫn tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng do khối FDI sản xuất. Do đó, khi nhóm này có sự biến động, ít nhiều cũng đã có sự ảnh hưởng đến việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Như trường hợp sự cố Galaxy Note 7 của Samsung vừa qua, dù Tổng cục Thống kê cho biết không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và mặt hàng điện thoại, linh kiện do Samsung đã ra các dòng sản phẩm khác để bù đắp nhưng dự báo mức tăng trưởng của nhóm hàng này sẽ chậm dần trong các năm tới.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng con số xuất siêu 2,68 tỉ USD trong năm qua của Việt Nam nên được ghi nhận như một thành tích rất “mong manh”, có đóng góp rất lớn của DN FDI, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đơn cử, chỉ riêng tập đoàn Samsung đã xuất khẩu 39,9 tỉ USD, chiếm tới 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu trong trường hợp chiến lược đầu tư của tập đoàn này có thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trên thực tế, các tập đoàn nước ngoài như Samsung cũng nỗ lực tìm kiếm nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nội địa nhưng không phải DN Việt nào cũng đáp ứng được khi phải có vốn lớn đầu tư mở rộng nhà máy… Việc DN trong nước không tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI khiến giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế không cao.

“Trong khi đó, tỉ lệ giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu gia công, lắp ráp lại rất thấp chỉ khoảng 20%-25%, tức là nền kinh tế “có tiếng mà ít miếng”, chủ yếu là lao động giá rẻ. Riêng phần đóng góp của xuất khẩu của các DN trong nước chủ yếu là nông - lâm - thủy sản thô, chưa có thương hiệu, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị quốc tế. Do đó, thành tích xuất siêu chưa hẳn là đáng mừng” - TS Lê Đăng Doanh nhận xét.

Nhập khẩu từ Á dần sang Âu

Một thành tích “đáng mừng” trong năm qua, theo Bộ Công Thương là nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có sự dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm dần tỉ trọng nhập khẩu từ khu vực châu Á và tăng dần nhập khẩu từ thị trường châu Âu. Dù Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch xấp xỉ 50 tỉ USD nhưng chỉ tăng 0,5% so với năm trước.

Mức nhập siêu từ thị trường Trung Quốc là 28 tỉ USD, giảm 14,9% so với năm trước. Theo Bộ Công Thương, việc kiểm soát tốt nhập khẩu đã góp phần hỗ trợ Việt Nam cân bằng cán cân thương mại, trong đó đã kiềm chế được tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc xuống ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên