Yakuza - Những tập tục quái đản cùng khả năng lung lay nền kinh tế Nhật
Yakuza là tên gọi khác của mafia Nhật, tổ chức tội phạm đang gây ảnh hưởng ở hàng loạt lĩnh vực khác nhau trong đời sống, xã hội Nhật Bản. Một số băng đảng mafia còn được coi là những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất trong nền kinh tế thứ 3 thế giới.
- 31-08-2016Học băng đảng mafia xuyên quốc gia cách quản trị doanh nghiệp
- 25-04-2016Chuyện chỉ có ở Nhật: Mafia tiên phong giúp nạn nhân động đất
- 18-09-2015Ăn cắp tiền qua ATM: Lật tẩy thủ đoạn siêu đẳng mới của mafia Nga
- 15-09-2015Mafia Nhật sắp đến “ngày tàn”?
Lịch sử lâu đời của mafia Nhật
Tương tự các băng đảng mafia phương Tây, Yakuza hiện diện ở hàng loạt các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội Nhật Bản và liên tục bành trướng ra bên ngoài. Những tổ chức này đứng sau hàng loạt hoạt động tội phạm trên các lĩnh vực khác nhau từ tống tiền, bảo kê đánh bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiền, buôn ma túy, mại dâm, buôn vũ khí tới kinh doanh bất động sản, thể thao hay giải trí.
Theo giả thuyết được nhiều người ủng hộ, Yakuza có nguồn gốc từ những samurai tàn ác.
Hiện tại, người ta chưa tìm thấy tài liệu xác tín nào nào chứng minh nguồn gốc Yakuza. Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều người ủng hộ nhất cho rằng Yakuza là hậu duệ của những chiến binh samurai tàn ác, hình thành vào giữa thế kỷ 17. Đặc điểm nhận biết của những người này qua kiểu tóc kỳ quái cùng một thanh trường kiếm ngang lưng.
Samurai tàn ác là những người đánh mất tinh thần thượng võ, hành động với mục đích duy nhất là kiếm tiền. Họ trở thành ác quỷ thực sự dưới sự sai khiến của đồng tiền và không ít trong số đó trở thành những “binh sĩ hắc ám” dưới tay quan phủ, chuyên giải quyết những kẻ cứng đầu hoặc bất đồng.
Dưới thời vua Tokugawa (1543 – 1616), một thay đổi lớn xảy ra trong xã hội Nhật Bản. Những samurai tàn ác bị thất sủng với lực lượng quan lại. Bị đẩy ra đường khiến họ trở thành đội quân cướp phá khổng lồ, sẵn sàng tàn phá, cướp bóc bất kể vùng đất nào mà họ đi qua. Đây chính là tiền thân cho mafia Nhật Bản sau này.
Những tập tục kỳ dị
Trên thực tế, không dễ dàng để được dung nạp vào hàng ngũ Yakuza. Bên cạnh sự tàn ác và manh động, Yakuza còn đòi hỏi bản lĩnh hơn người. Thử thách đầu tiên đối với những kẻ được chọn vào hàng ngũ Yakuza là việc xăm mình. Những hình xăm cầu kỳ, che phủ phần lớn diện tích cơ thể, khiến khổ chủ vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, nếu không thể vượt qua thử thánh này, kẻ đó không có tư cách gia nhập Yakuza.
Mafia Nhật hoạt động theo phương thức gia đình, nơi ông trùm là người cha. Các thành viên của Yakuza phải tuyệt đối trung thành với người thủ lĩnh. Khi lễ kết nạp kết thúc, những thành viên của Yakuza có nghĩa vụ gắn bó cả cuộc đời với tổ chức và phải tuyệt đối trung thành. Không những vậy, cả gia đình của Yakuza đều phải có nghĩa vụ phục vụ tổ chức, phục tùng ông trùm. Nếu một Yakuza không may thiệt mạng, cả băng nhóm có trách nhiệm giúp đỡ, bao bọc gia đình của người đó.
Chặt ngón tay, một trong những tập tục kỳ quái của Yakuza.
Mặt khác, hình phạt đối với các Yakuza mắc lỗi không hề nhẹ. Nếu phạm lỗi lần đầu, kẻ mắc tội sẽ bị chặt đốt cuối cùng của ngón tay út. Phạm lỗi lần 2, đốt thứ 2 của ngón tay đó sẽ bị chặt bỏ. Những lần phạm lỗi tiếp theo sẽ được đánh đổi bằng các đốt nằm trên những ngón tay còn lại. Nếu tự nhận ra mình có lỗi, hình phạt không có gì thay đổi nhưng kẻ đó sẽ được đưa một sợi dây để băng bó vết thương.
Vì hoạt động theo hình thức gia đình nên mâu thuẫn giữa các thành viên trong cùng một băng nhóm hiếm khi không xảy ra nhưng sẽ vô cùng đẫm máu khi có bất đồng. Trong khi đó, với số lượng lên tới hàng trăm ngàn thành viên cùng hàng nghìn gia đình Yakuza khác nhau, việc chém giết tranh giành địa bàn xảy ra khá thường xuyên. Do mâu thuẫn về lãnh thổ, các băng nhóm buộc phải tàn sát đối phương để giành quyền kiểm soát địa bàn làm ăn lân cận.
Những cuộc tranh giành địa bàn đẫm máu nhất của các băng đảng mafia Nhật Bản xảy ra vào những năm giữa thế kỷ 20. Với con số 184.000 người, việc chém giết giành lãnh thổ giữa các gia đình Yakuza diễn ra gần như hàng ngày. Người có công lập lại hòa bình và trật tự trong gia đình Yakuza Nhật Bản vào những năm cuối nửa đầu thế kỷ 20 là bố già Yoshio Kodama.
Nổi tiếng nhờ mưu mẹo và thủ đoạn, bố già Yoshio Kodama đứng giữa và cân bằng được sự mâu thuẫn giữa các băng đảng mafia. Tuy mục đích của việc làm này là thâu tóm quyền lực và kiếm tiền nhưng bố già Kodama đã giúp chấm dứt cuộc chém giết khốc liệt trên đất nước Mặt trời mọc.
Một kẻ đầu sỏ khác trong giới Yakuza là Kazuo Taoka, thủ lĩnh nhóm Yamaguchi-gumi, gia đình tội phạm lớn nhất Nhật Bản. Trong suốt 35 năm nắm quyền, Taoka đã giúp Yamaguchi-gumi khẳng định vị trí số 1. Không chỉ ở Nhật Bản, Yakuza còn vươn vòi bạch tuộc tới các nước láng giềng và các cường quốc kinh tế khác, trong đó có Mỹ.
Ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế Nhật Bản
Sau thời gian dài hoạt động tự phát, các băng đảng Yakuza tập hợp thành những tổ chức lớn, hoạt động quy củ và nhất quán. Yakuza đẩy mạnh các hoạt động cướp bóc, bảo kê và tống tiền. Cũng chính trong giai đoạn này, tinh thần thượng võ hoàn toàn biến mất bên trong những chiến binh tàn bạo. Thậm chí, họ còn tự hào khi nhận cái tên Yakuza – những kẻ thất bại, bị xã hội ruồng bỏ.
Ở thời điểm hiện tại, Yamaguchi-gumi là băng đảng mafia quy mô nhất Nhật Bản. Với thủ lĩnh Kenichi Shinoda, Yamaguchi-gumi đã phát triển lên tới 23.000 thành viên, hoạt động khắp 36/47 đô thị Nhật Bản, kiểm soát 2.500 doanh nghiệp cùng hàng loạt sòng bài và những cơ sở cho vay nặng lãi cùng những khoản đầu tư không nhỏ vào ngành công nghiệp giải trí.
Kenichi Shinoda, ông trùm băng Yamaguchi-gumi.
Tuy nhiên, sự chia rẽ trong nội bộ Yamaguchi-gumi đang gây những tác động nhất định tới nền kinh tế Nhật Bản. Được coi là tập đoàn tư nhân hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, những vấn đề với tổ chức của Yamaguchi-gumi không chỉ đe dọa tạo ra những cuộc thanh trừng đẫm máu mà còn làm lung lay nền kinh tế Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, những căng thẳng trong nội bộ Yamaguchi-gumi có thể gây gián đoạn tới nguồn thu của tổ chức này, từ đó ảnh hưởng đến giới doanh nghiệp Nhật Bản. CNBC dẫn lời giảng viên Eric Messersmith tại Học viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học quốc tế Florida nhận định: “Việc kiểm soát số lượng lớn công ty tư nhân giúp Yamaguchi-gumi trở thành bộ phận truyền động của cỗ xe doanh nghiệp Nhật Bản. Những vấn đề với tổ chức này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế Nhật”.
Theo số liệu từ Tạp chí Fortune, doanh thu ròng của tổ chức mafia này lên tới 80 tỷ USD trong năm 2014. Đây là doanh thu cao nhất trong thế giới tội phạm toàn cầu và lớn gấp nhiều lần so với số tiền mà các băng đảng khét tiếng khác kiếm được như băng Camorra khét tiếng vùng Naples của Italy, hay nhóm mafia Sinaloa của Mexico.
Được thành lập từ năm 1915, Yamaguchi-gumi đã tồn tại và không ngừng lớn mạnh. Giống như các băng đảng mafia khác, Yamaguchi-gumi hoạt động công khai với văn phòng riêng. Việc làm này cho thấy các băng đảng mafia Nhật Bản đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Nhật và tồn tại như một phần tất yếu của xã hội.