MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yếu tố nào giúp cổ phiếu Khang Minh Group (GKM) duy trì đà tăng trưởng ổn định trong gần 2 năm lên sàn chứng khoán?

Tại Việt Nam, Khang Minh là doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực gạch không nung cốt liệu giàu tiềm năng tăng trưởng. Bên cạnh đó, Khang Minh cũng đang tìm ra nhiều hướng đi mới mang lại giá trị lớn cho công ty.

Khang Minh Group (tiền thân là Gạch Khang Minh, mã CK: GKM) là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung cốt liệu. Kể từ khi niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) từ tháng 7/2017 đến nay, cổ phiếu GKM đã ghi nhận mức tăng khoảng 50%.

Vậy điều gì đã giúp cổ phiếu GMK duy trì đà tăng trưởng ổn định kể từ khi lên sàn, bất chấp diễn biến thị trường chung trong giai đoạn trên không quá thuận lợi?

Yếu tố nào giúp cổ phiếu Khang Minh Group (GKM) duy trì đà tăng trưởng ổn định trong gần 2 năm lên sàn chứng khoán? - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu GKM trong 1 năm qua

Doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực gạch không nung giàu tiềm năng

Khang Minh hiện là đơn vị sản xuất gạch xi măng cốt liệu không nung có công suất lớn nhất Việt Nam với tổng công suất 195 triệu viên quy chuẩn/năm. Nhà máy Khang Minh đặt tại Kim Bảng, Hà Nam, đây là vị trí thuận lợi vì nằm trong vùng nguyên liệu và gần với thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Sản xuất gạch không nung là lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như không tạo ra khí thải độc hại (CO2), góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, tận dụng tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện. Có thể nói, sản phẩm của Khang Minh có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ xu hướng sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng cũng như sự ủng hộ từ chính sách.

Cuối năm 2017, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng. Trong đó, Thông tư này quy định Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong tổng số vật liệu với tỷ lệ xây dựng như sau: (1) Hà Nội và TP. HCM sử dụng 100%; (2) Các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ: Tại các khu đô thị từ loại 3 trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; (3) Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.

Bên cạnh đó, thông tư 13/2017/TT-BXD cũng quy định các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây dựng không nung trong tổng số vật liệu xây.

Một điểm đáng chú ý, Khang Minh là đơn vị sản xuất gạch không nung duy nhất tại Việt Nam được Liên Hiệp Quốc chứng nhận và cấp chứng chỉ giảm phát thải theo cơ chế phát triển sạch (CDM – Clean Development Mechanism).

Lượng giảm phát thải khí CO2 thu được từ mỗi dự án CDM được đo lường bằng các phương pháp đã được quốc tế thông qua và được thể hiện bằng đơn vị đo lường chuẩn là CER. Trên thế giới, thị trường mua bán CERs đang ngày càng phát triển mạnh khi mà các quóc gia phát triển trên thế giới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Đối với quy mô của Khang Minh, trong tương lai doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng sẽ có thêm nguồn thu đột biến từ việc bán CERs.

Chiến lược mới, lấy Conslab Thạch Anh làm sản phẩm chiến lược

Gạch không nung là sản phẩm lõi, truyền thống của Khang Minh. Tuy nhiên, rào cản gia nhập lĩnh vực này là không quá lớn và điều này phần nào ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn của công ty. Do đó, bên cạnh lĩnh vực gạch không nung truyền thống, Khang Minh sẽ tiến hành mở rộng sang các sản phẩm mới, mang lại giá trị lớn hơn cho công ty.

Tại ĐHCĐ mới đây, Khang Minh đã thông qua phương hướng hoạt động năm 2019 với sản phẩm chiến lược mới là đá ốp lát nhân tạo gốc Thạch Anh (Conslab Thạch Anh). Trên thực tế, Thế giới cũng như Việt Nam đang có xu hướng đẩy mạnh sử dụng đá ốp lát nhân tạo trong trang trí nội thất, đặc biệt đá có gốc thạch anh. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu về đá nhân tạo gốc Thạch Anh tại Việt Nam sẽ khoảng 5 triệu m2.

Yếu tố nào giúp cổ phiếu Khang Minh Group (GKM) duy trì đà tăng trưởng ổn định trong gần 2 năm lên sàn chứng khoán? - Ảnh 2.

Conslab Thạch Anh, hướng đi mới của Khang Minh

Theo kế hoạch năm 2019 được thông qua, doanh thu Khang Minh sẽ đạt mốc 200 tỷ, trong đó doanh thu từ Conslab Thạch Anh là 80 tỷ với định hướng phục vụ thị trường trong nước và từng bước hướng đến xuất khẩu, mang đến cơ hội phát triển thương hiệu cả về chiều sâu và chiều rộng. Phân khúc Conslab Thạch Anh mà Khang Minh hướng tới là trung và cao cấp, với mục tiêu đạt 20% thị phần đá ốp lát gốc thạch anh tính đến năm 2021.

Nhà máy Conslab Thạch Anh của Khang Minh với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng đã đi vào hoàn thiện giai đoạn 1 và tiến hành sản xuất từ tháng 1/2019. Hiện tại, nhà máy đã hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho đợt hàng thương mại đầu tiên trong tháng 5/2019.

Chia sẻ về hướng đi mới, ông Đặng Việt Lê – Chủ tịch HĐQT Khang Minh Group cho biết: "Conslab Thạch Anh là sản phẩm tiềm năng, mang đầy đủ tiêu chí giúp Khang Minh nhanh chóng đạt mục tiêu vươn mình từ doanh nghiệp địa phương trở thành doanh nghiệp quốc gia, tầm nhìn xuất khẩu. Đây chính là sản phẩm chiến lược cho sự phát triển và bùng nổ của Khang Minh trong giai đoạn tới".

Với sản phẩm mới là Conslab Thạch Anh, giới đầu tư có thêm nhiều kỳ vọng về đà tăng trưởng của Khang Minh trong tương lai. Giá cổ phiếu GKM duy trì đà tăng mạnh đang phản ánh niềm tin của cổ đông vào tiềm lực doanh nghiệp.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên