Zero Covid, 'kìm cương' các Big Tech và nhà bất động sản: Trung Quốc đang suy nghĩ lại về những chiến lược này khi nhà đầu tư toàn cầu 'ôm tiền' tháo chạy
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến một trong những đợt giảm giá lịch sử và cuối cùng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chú ý đến những mối lo ngại của nhà đầu tư quốc tế.
Trong tuần này, chính phủ của ông cam kết rằng sẽ ban hành những quy định minh bạch và dễ dự đoán hơn, cũng như cam kết với các thị trường bên ngoài bao gồm Hong Kong. Động thái này cho thấy giới chức nước Bắc Kinh đang nỗ lực trấn an nhà đầu tư nước ngoài, không muốn trở thành một thị trường "không thể đầu tư" giống như Nga.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tuyên bố muốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Dù Trung Quốc vẫn cần tuân thủ những cam kết đã đưa ra, nhưng động thái này cũng giúp giảm bớt sự bất ổn trên thị trường tài chính đại lục. Chỉ số Hang Seng China Enterprises đã hồi phục với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998.
Hang Seng China Enterprises hồi phục sau thông báo trấn an nhà đầu tư của Trung Quốc.
Victor Shih - phó giáo sư tại Đại học California San Diego, nghiên cứu về lĩnh vực chính trị của Trung Quốc, cho biết: "Thị trường đang rơi tự do, đây là một dấu hiệu cho thấy giới chức nước này cần đưa ra những động thái để hạ nhiệt. Tôi nghĩ rằng sự hoảng loạn xảy ra là do những chính sách không rõ ràng."
Mới đây, ông Tập đã cam kết xem xét lại các biện pháp phòng dịch - vốn khiến nhiều doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc cũng cân nhắc cho phép các cơ quan quản lý của Mỹ tiếp cận các cuộc kiểm tra doanh nghiệp trong năm nay. Đây sẽ là động thái nhượng bộ lớn nhất của Bắc Kinh tế từ khi các doanh nghiệp nước này niêm yết tại Mỹ hơn 2 thập kỷ trước và giúp giảm bớt lo ngại về nguy cơ bị hủy niêm yết.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng cho biết đợt siết chặt quy định với các công ty công nghệ sẽ được hoàn thành càng sớm càng tốt. Quy định thay đổi đã khiến cổ phiếu Alibaba mất 661 tỷ USD giá trị kể từ mức đỉnh năm 2020. Bộ Tài chính Trung Quốc nói rằng, họ sẽ không mở rộng việc thử nghiệm đánh thuế bất động sản trong năm nay. Nội các Trung Quốc cũng cam kết sẽ giải quyết rủi ro liên quan đến với các nhà phát triển bất động sản như Evergrande.
Lâu nay, chính phủ của ông Tập vốn tỏ ra không mấy quan tâm đến thị trường trong nước. Các chiến dịch như "thịnh vượng chung" đã hạn chế sự tăng trưởng của khu vực tư nhân và khiến MSCI China Index giảm 22% vào năm ngoái. Nhà đầu tư vào trái phiếu rác USD của Trung Quốc đã ghi nhận mức lợi nhuận tồi tệ chưa từng có trong hơn 1 thập kỷ. Song, khi ông Tập chuẩn bị tiến tới nhiệm kỳ thứ 3, thì nhà lãnh đạo này đang ưu tiên sự ổn định lên trên hết.
Lợi suất trái phiếu USD của Trung Quốc.
Việc chính phủ Trung Quốc cần hành động ngay ngày càng cấp thiết hơn. Một chỉ số theo dõi niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Trung Quốc đang ở mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi thị trường chứng khoán và tín dụng sụt giảm, cùng dòng tiền tháo chạy khỏi trái phiếu chính phủ làm suy yếu đồng nội tệ.
Đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ chưa từng có kể từ khi xảy ra ở Vũ Hán và mâu thuẫn Nga - Ukraine đã đặt ra mối đe dọa không thể lường trước với nền kinh tế vốn đã giảm tốc của Trung Quốc. Giới chức nước này có thể khiến kinh tế rơi vào vòng xoáy sụt giảm nếu bong bóng bất động sản vỡ tung, khi các nhà phát triển lớn đã chứng kiến doanh số bán nhà trong 2 tháng đầu năm nay giảm 43%.
Hiện tại, nhà đầu tư vẫn phải lo ngại về nhiều yếu tố. Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đặt nước này vào trung tâm của căng thẳng địa chính trị ngày càng sâu sắc. Ngoài ra, việc Tencent có khả năng phải thực hiện cuộc cải tổ lớn và Didi hoãn niêm yết ở Hong Kong cho thấy các cơ quan quản lý vẫn rất cứng rắn với các Big Tech.
Quyết định không hạ lãi suất của PBOC trong tuần này cho thấy rằng NHTW vẫn rất thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Phe "con bò" trên TTCK Trung Quốc đã nhiều lần lo sợ trong năm qua, đến mức rất ít người tin rằng điều tồi tệ nhất đã kết thúc. Thị trường vẫn biến động, khi Hang Seng China giảm tới 3,6% vào thứ Sáu sau đó mới hồi phục.
Dòng tiền nước ngoài đổ vào chứng khoán, trái phiếu Trung Quốc.
Trước đây, nhà đầu tư đã có thời điểm mất niềm tin vào những lời cam kết của chính phủ Trung Quốc. Sự can thiệp vào TTCK trong nước vào năm 2015 sau khi bong bóng vỡ đã khiến các quỹ toàn cầu chỉ trích giới chức Trung Quốc, họ cho rằng đây là động thái đi ngược lại với những cải cách thị trường tự do. Đồng NDT biến động khi đó cũng thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài và đặt câu hỏi về khả năng giám sát thị trường của nước này. Năm 2018, CSI 300 mất khoảng 1/4 giá trị do thương chiến Mỹ - Trung.
Dẫu vậy, ở mỗi thời điểm như vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn thúc đẩy các kế hoạch mở cửa thị trường vốn và thu hút các quỹ ngoại. Trung Quốc đã được đưa vào MSCI Index vào năm 2018 và trái phiếu cũng được đưa vào rổ chỉ số toàn cầu trong năm sau đó.
Trong thời gian tới, nhà đầu tư ngoại có thể sẽ thu về lợi nhuận lớn từ thị trường Trung Quốc. Từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2021, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu trong nước của khối ngoại đã tăng hơn 242% lên 3,9 nghìn tỷ NDT (614 tỷ USD). Dòng vốn đổ vào thị trường trái phiếu của quốc gia này cũng tăng 129% lên 4,1 nghìn tỷ NDT.
Tham khảo Bloomberg