Năm 2017 đã chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục của TTCK Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch 27/12, chỉ số VnIndex leo lên 968,46 điểm – tiến sát 975 điểm đạt được trong phiên giao dịch ngày 05/12, cũng là con số cao nhất đạt được trong vòng 10 năm qua. So với thời điểm đầu năm, VnIndex đã tăng 46% và trở thành một trong ba TTCK tăng trưởng tốt nhất Thế giới trong năm 2017.

Cùng với sự bứt phá về chỉ số, thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể. Nếu như trước đây, những phiên giao dịch 5.000 tỷ đồng là điều rất hiếm gặp trên TTCK Việt Nam thì trong năm 2017, những phiên giao dịch 6.000 tỷ, thậm chí 7.000 tỷ đồng đã trở nên khá quen thuộc và nhà đầu tư không còn bất ngờ về những phiên bùng nổ thanh khoản như vậy.

Trong năm 2017, hàng loạt những doanh nghiệp vốn hóa lớn đồng loạt “đổ bộ” lên TTCK Việt Nam, có thể kể tới như Petrolimex, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vincom Retail, VPBank, VIB, Kido Foods, Lộc Trời Group, Pymepharco…

Với sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn, vốn hóa TTCK Việt Nam tính tới hết năm 2017 lên tới 150 tỷ USD, tương đương 68% GDP. Con số này chẳng còn cách bao xa so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là vốn hóa TTCK tương đương 70% GDP vào năm… 2020.

Năm 2018, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều doanh nghiệp lớn IPO/niêm yết, có thể kể tới như PVOil, PVPower, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Vicem, FPT Retail, Thaco…và điều này sẽ giúp quy mô TTCK Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vượt bậc.

Diễn biến TTCK Việt Nam trong năm 2017 chỉ có thể tóm gọn là “ngoài sức tưởng tượng” với mức tăng gần 50% của chỉ số VnIndex.

Sự bùng nổ của thị trường trong năm qua có sự đóng góp không nhỏ của nhà đầu tư nước ngoài khi họ đã mua ròng đột biến hơn 26.000 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) trên cả 3 sàn. Đây là lượng mua ròng kỷ lục của khối ngoại trên TTCK Việt Nam, vượt qua con số 23.000 tỷ đồng được xác lập cách đây tròn 10 năm.

Những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất năm 2017 có thể kể tới VRE, VNM, DIG, VJC…

Năm 2017, thị trường xuất hiện hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử và hầu hết là những cổ phiếu đầu ngành. Sự bứt phá mạnh mẽ của những Bluechips vượt đỉnh là động lực quan trọng giúp TTCK Việt Nam thăng hoa trong năm 2017.

Những cổ phiếu đáng để đầu tư bền vững trong năm 2017 có thể kể tới:

Thế giới di động (MWG) tăng gấp đôi so với đầu năm lên 132.000 đồng/cp. Doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực bán lẻ điện máy tại Việt Nam đã mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng với chuỗi Bách Hóa Xanh. Gần đây, TGDĐ tiếp tục có thêm những thương vụ M&A đáng chú ý như chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và Trần Anh.

PNJ tăng gấp đôi lên 130.000 đồng/cp. Là doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực kinh doanh trang sức tại Việt Nam, tính tới cuối tháng 12/2017, PNJ sở hữu 264 cửa hàng phân phối và dự kiến sẽ cán mốc 300 cửa hàng vào tháng 4/2018 tới đây.

Vietjet Air (VJC) tăng gấp đôi lên 145.000 đồng/cp. Chào sàn trong năm 2017, hãng hàng không Bikini đã lập tức thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư và trở thành một trong những hiện tượng nổi bật trong năm.

Hòa Phát (HPG) tăng 80% lên 45.000 đồng/cp. Doanh nghiệp thép số 1 Việt Nam gây chú ý trong năm 2017 với việc khởi công dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất công suất 4 triệu tấn một năm. Đây là dự án chiến lược quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á cho Tập đoàn Hòa Phát.

PV GAS (GAS) tăng 60% lên 95.000 đồng/cp. Sự phục hồi của giá dầu Thế giới trong năm 2017 đã mang lại KQKD tích cực cho GAS. Ngoài ra, những kỳ vọng về việc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại GAS xuống 65% cũng góp phần giúp cổ phiếu bứt phá.

Vicostone (VCS) tăng 150% lên 240.000 đồng/cp. Đà tăng của VCS không chỉ bắt đầu trong năm 2017 mà đã được duy trì trong suốt 3 năm qua. VCS hiện là doanh nghiệp hàng đầu Thế giới về sản xuất đá thạch anh cao cấp. Doanh thu công ty chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, trong khi đóng góp doanh thu trong nước là chưa đáng kể.

Đối với thị trường chứng khoán, mỗi phiên giao dịch đều là một bản “phối âm hòa khí” của mọi cung bậc cảm xúc, hay nói cách khác mỗi phiên lại có một ấn tượng riêng biệt. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán năm 2017 sẽ không thể quên được ngày 10/08/2017 bởi lẽ đây là ngày đầu tiên TTCK phái sinh đi vào hoạt động, mở ra bước ngoặt mới trong sự phát triển của thị trường 17 năm tuổi.

Nhưng chỉ thế thì chưa đủ ấn tượng. Chào đón cho sự kiện này, ngay phiên trước đó tức ngày 09/08, tin đồn về ông Bắc Hà – cựu Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng BIDV bị bắt đã khiến cho VN-Index giảm gần 18 điểm - phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 20 tháng. Đó cũng là phiên giảm điểm lớn thứ 2 trong cả năm nay.

Trong khi những người háo hức với cái mới đã chờ đợi để short-sell (bán khống) một cách chính thống lần đầu tiên nhờ TTCK phái sinh thì đa số lại “đau khổ” khi chỉ số “đứt gánh” trên con đường tiến lên 800 điểm, và “đổ tội” cho TTCK phái sinh.

Nếu như ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Vingroup (VIC) là tỷ phú dollar đầu tiên của Việt Nam trong bảng xếp hạng Forbes và là gương mặt không bao giờ thiếu trong top người giàu sàn chứng khoán Việt, thì bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (VJC) là gương mặt mới của top người giàu nhưng đã nằm trong danh sách tỷ phú thế giới do Forbes xếp hạng với tên gọi nữ tỷ phú dollar đầu tiên của Việt Nam. Mức độ “hot” của 2 cái tên này là không thể so sánh.

Trong năm nay, cổ phiếu VIC và VJC đều tăng trưởng mạnh mẽ, đưa khối tài sản của 2 tỷ phú “thăng hạng” ấn tượng. Không dừng lại ở Vingroup hay Vietjet, các tỷ phú đã lần lượt đưa những đứa con khác của mình lên sàn, tạo nên những doanh nghiệp tỷ đô và góp phần tăng quy mô vốn hóa của sàn chứng khoán. Vincom Retail vừa niêm yết vào tháng 11/2017, giá trị thị trường nhanh chóng đạt con số 4 tỷ USD. Đầu tháng 1/2018, đến lượt HDbank lên sàn.

Không chỉ là quỹ ngoại lâu đời nhất hay là quỹ ngoại lớn nhất tại Việt Nam, trong năm 2017, Dragon Capital ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán với việc chi tiền rất mạnh tay để mua cổ phần tại các doanh nghiệp trong các đợt IPO, chào bán cổ phần riêng lẻ hay thoái vốn nhà nước. Thương vụ nổi tiếng nào cũng có sự góp mặt của DC. Có thể kể đến như vụ chi 1.000 tỷ đồng mua cổ phần của Viglacera (VGC) trong đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng, mua cổ phần của Vietjet Air, VPBank, FPT Retail hay CTCP chứng khoán Bản Việt…

Nhưng sự thành công của DC phải được ghi nhận bằng sự tăng trưởng của giá trị tài sản ròng khi các cổ phiếu trong top holdings đều tăng vô cùng ấn tượng. Với riêng quỹ VEIL – quỹ lớn nhất do DC quản lý, top Holdings bao gồm các cổ phiếu: VNM, MWG, MBB, ACB, FPT, GAS, VJC… đều nằm trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán với mức tăng giá trên dưới 100%.

Cuộc thoái vốn của Bộ Xây dựng khỏi DIC Corp có thể gây ấn tượng mạnh khi gần 120 triệu cổ phiếu được chuyển giao trong chớp mắt (2 phút) bằng phương thức khớp lệnh trên sàn. Nhưng nếu nói ấn tượng nhất thì phải là vụ thoái vốn của Bộ Công thương khỏi Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bởi quy mô lớn nhất từ trước đến nay, cũng như sức ảnh hưởng của nó đến TTCK.

Với việc bán 344 triệu cổ phiếu tương đương 53% vốn cổ phần cho Vietnam Beverage (do ThaiBev gián tiếp sở hữu 49%) và một nhà đầu tư cá nhân với giá bình quân 320.000 đồng/cp, Bộ Công thương được đánh giá là rất thành công khi bán Sabeco và thu về 4,8 tỷ USD. Thương vụ này đã được thị trường chờ đợi từ lâu, tạo nên quá trình tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu SAB trên sàn chứng khoán và đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index. Ngay sau khi thoái vốn thành công, SAB cũng rơi vào quá trình giảm giá mạnh.

Danh hiệu này được dành cho Vincom Retail (VRE).

Ngày 06/11/2017, 1,9 tỷ cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail chào sàn HOSE với giá chào sàn 33.800 đồng/cp. Phiên đầu tiên của VRE không có gì đặc biệt ngoài việc tăng trần hết biên độ 20% và khớp 800 cổ phiếu – điều mà giới đầu tư không ngạc nhiên.

Tuy nhiên phiên giao dịch thứ 2 chứng kiến sự bùng nổ giao dịch thỏa thuận của khối ngoại tại cổ phiếu này. Gần 415 triệu cổ phiếu VRE được thỏa thuận tương đương gần 17.000 tỷ đồng (740 triệu USD), trong đó khối ngoại mua 397 triệu cổ phiếu và bán ra 260 triệu cổ phiếu (do 2 cổ đông ngoại nắm giữ VRE từ lâu là Warburg Pincus Investments và Credit Suisse Singapore Branch thực hiện). VRE đạt kỷ lục “chưa từng có” trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam về cả giá trị đặt mua lẫn giá trị giao dịch.

Trong khi đó, không một cổ phiếu nào được “nhả” ra theo phương thức khớp lệnh cho đến phiên giao dịch cuối tuần, tức ngày 10/11/2017.

Ngày 26/12/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố quyết định xử phạt Bà Đỗ Thị Cẩm Thúy – Cựu Chủ tịch HĐQT của CTCP Khoáng sản Đá Spilit (SPI) vì hành vi sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán để mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu SPI trong khoảng thời gian từ ngày 01/9/2015 đến ngày 13/5/2016.

Chưa đủ căn cứ để khởi tố bà Thúy theo Điều 181c Bộ Luật Hình sự 1999, UBCKNN đã xử phạt hành chính 600 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là gần 9,3 tỷ đồng.

Đây là vụ xử phạt hành chính lớn nhất từ trước đến nay, diễn ra ngay sau khi bà Nguyễn Vân Giang (nguyên là Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á - Chi nhánh Hà Nội) bị khởi tố hình sự với tội danh “Thao túng giá chứng khoán”.

Những sự kiện này cho thấy động thái xử phạt mạnh tay hơn hẳn thời gian trước đây của cơ quan quản lý, mở đường cho một bước phát triển mới của TTCK Việt Nam: minh bạch hơn, chặt chẽ hơn, đặc biệt sau khi Bộ luật hình sự 2015 đi vào hiệu lực từ ngày 01/01/2018.