img
10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 1.
10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 2.

Thay vì những êm ả của năm 2017, năm 2018 thị trường tiền tệ chứng kiến tỷ giá có nhiều đợt biến động rất mạnh, chủ yếu theo xu hướng tăng. Tính hết năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 1,8% trong khi giá USD tại các ngân hàng cũng tăng hơn 2,3%.

Và với sự biến động này, tỷ giá trung tâm đã lập kỷ lục tại hơn 22.800 đồng đổi 1 USD còn giá USD trong ngân hàng có lúc lên tới 23.800 đồng. 

Mặc dù tăng mạnh như vậy song các chuyên gia cho rằng năm 2018 là một năm điều hành tỷ giá rất thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bởi lẽ sức ép tỷ giá đến từ nhiều phía, nhất là việc Fed tăng lãi suất đến 4 lần và đồng USD mạnh trên toàn thế giới. Sự điều chỉnh tăng chưa quá 3% của Việt Nam là nhẹ nhất so với các nước trong khu vực. 

Một thành công nữa của NHNN là điều hành tăng trưởng tín dụng. Năm 2018, tín dụng tăng trưởng khoảng 14%, là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, thấp hơn nhiều mức mục tiêu ban đầu ngành ngân hàng đặt ra. Tín dụng được hướng tới hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả cùng với các lĩnh vực ưu tiên, trong khi đó kiểm soát chặt hơn ở nhóm có nhiều rủi ro như chứng khoán và bất động sản... 

Song song với siết chặt tín dụng thì nợ xấu cũng được các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ thông qua việc bán đấu giá tài sản, thu hồi nợ, tái cơ cấu cho các khách hàng tốt... Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành được cập nhật bởi Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia tại thời điểm cuối tháng 12 là 2,4% trên tổng dư nợ. Đáng chú ý, đã có 6 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC là Vietcombank, Techcombank, MB, VietinBank, VIB và ACB.

10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 3.

Cùng với sự đi lên của tỷ giá thì lãi suất cũng tăng mạnh trong năm vừa qua. Đầu tiên phải kể đến trên thị trường liên ngân hàng, suốt từ tháng 8 tới cuối năm, các ngân hàng phải vay mượn nhau với lãi suất đắt đỏ, trong đó kỳ hạn qua đêm thường xuyên duy trì trên 4,5%/năm, thậm chí có những kỳ hạn dài lãi suất lên đến trên dưới 6%/năm song may mắn là doanh số phát sinh không đáng kể. 

Ở thị trường 1, tức là thị trường phục vụ dân cư và tổ chức, lãi suất huy động vốn cũng được đẩy tăng lên tục trong 5 tháng cuối năm với quy mô rộng khắp. Tại thời điểm cuối tháng 12, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở nhiều ngân hàng lên đến kịch trần 5,5%/năm; lãi suất các kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến hơn 6%/năm, một số ngân hàng đẩy lên cao tới 7,2 – 7,5%/năm; còn lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên nhiều ngân hàng tăng lên tới hơn 8%/năm. 

Không chỉ đẩy tăng lãi suất thông thường mà các ngân hàng còn sử dụng thêm các gói khuyến mãi cho khách hàng để thu hút tiền gửi như đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, dịp sinh nhật ngân hàng hay Tết dương lịch…qua đó đẩy lãi suất cao nhất lên đến 8,9%/năm. 

Đồng thời lãi suất cũng có sự phân hóa mạnh giữa nhóm cổ phần và nhóm có vốn Nhà nước, với mức chênh lệch trên dưới 1 điểm phần trăm.

10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 4.

Luật các tổ chức tín dụng (Luật TCTD) 2010 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 đã tác động nhiều đến vấn đề nhân sự cấp cao ngành ngân hàng trong năm vừa qua. Những người làm chủ tịch ngân hàng buộc phải lựa chọn hoặc đứng tên ở ngân hàng, hoặc ở doanh nghiệp. Đây là một quyết định vô cùng khó khăn bởi rất nhiều người từ trước tới nay đứng làm chủ tịch hay tổng giám đốc ngân hàng vẫn đồng thời đứng tên hàng loạt các doanh nghiệp khác. 

Nhưng luật quy định thì buộc phải tuân theo. Nhiều người đã quyết định chọn ở lại làm chủ tịch ngân hàng như ông Đỗ Quang Hiển (SHB), Dương Công Minh (Sacombank), Nguyễn Đình Thắng (LienVietPostBank), Đỗ Minh Phú (TPBank) nhưng cũng có không ít người chọn rời bỏ ngân hàng dù đã gắn bó rất lâu, như ông Vũ Văn Tiền ở ABBank, Võ Quốc Thắng ở Kienlongbank, bà Nguyễn Thị Nga ở SeABank… 

Mỗi lựa chọn đưa ra, các vị lãnh đạo ngân hàng đều có lý do riêng của mình. Người ở lại thì muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho ngân hàng, còn doanh nghiệp khi họ không đứng tên nữa vẫn có thể theo dõi được hoạt động. Trong khi đó những người ra đi thì tin tưởng thế hệ kế cận sẽ kế thừa và phát huy giúp ngân hàng phát triển tốt hơn, còn bản thân họ muốn dốc sức cho doanh nghiệp.

10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 5.

Năm 2018 xét xử nhiều đại án liên quan đến ngành ngân hàng, trong đó người có chức vụ cao nhất ngành là nguyên Phó Thống đốc. 

Đầu tiên là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nhiều cựu lãnh đạo PVN phải hầu tòa vì liên quan đến việc gây thất thoát 800 tỷ đồng vốn góp đầu tư vào OceanBank. Trong đó ông Đinh La Thăng, cựu Tổng giám đốc PVN chịu án 18 năm tù và phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng cho PVN. 

Tiếp theo là các vụ án liên quan đến Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB). Nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình cùng các cựu cán bộ giám sát tại VNCB đã phải lĩnh án vì không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch VNCB rút tiền của VNCB trái phép, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng. Ông Bình bị tòa phúc thẩm tuyên 3 năm tù treo, sau khi được xem xét về nhân thân tốt và áp dụng Luật người cao tuổi. 

Cũng liên quan VNCB, trong phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ Phạm Công Danh thì ông Trầm Bê, nguyên chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank và cựu Tổng giám đốc ngân hàng này là ông Phan Huy Khang đều phải chịu án, trong đó ông Trầm Bê bị 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” còn ông Khang chịu án 3 năm tù. Tại phiên tòa này, ông Phạm Công Danh bị tuyên án 30 năm (kết hợp án ở giai đoạn 1), các bị cáo còn lại chịu mức án 2 đến 10 năm tù. 

Một vụ án nữa được đưa ra xét xử dịp cuối năm đó là cựu Tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) và 24 đồng phạm bị cáo buộc vì các sai phạm dẫn đến thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á. Tại tòa sơ thẩm, ông Trần Phương Bình bị tuyên án chung thân, Phan Văn Anh Vũ bị tuyên 17 năm tù – tổng hợp hình phạt của vụ án trước đó là 25 năm tù; nguyên phó tổng giám đốc DongABank Nguyễn Thị Kim Xuyến bị tuyên 30 năm tù, hơn 20 cựu cán bộ DongABank cùng lĩnh án.

Chưa hết, khi năm 2018 chuẩn bị kết thúc, ông Trần Phương Bình lại tiếp tục bị khởi tố ở giai đoạn 2 của vụ án Ngân hàng Đông Á, cùng với 10 cựu cán bộ của DongA Bank vì sai phạm liên quan việc chi lãi ngoài.

10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 6.

Ngày 29/11/2018, ông Trần Bắc Hà bị bắt. Cựu chủ tịch BIDV bị khởi tố và bắt giam về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến dự án chăn nuôi bò nhiều nghìn tỷ ở Hà Tĩnh. 

Việc ông Trần Bắc Hà bị bắt đã được đồn đại nhiều lần từ 2013 tới nay, và sau mỗi tin đồn đều tác động rất mạnh đến thị trường tài chính, chứng khoán. Tuy nhiên lần này, do ông Hà không còn làm trong ngành ngân hàng đã 2 năm, và việc bắt giữ các lãnh đạo ngân hàng có sai phạm nghiêm trọng đã không còn là “chuyện xưa nay hiếm” nên việc bắt giữ không hề gây ra bất kỳ tác động gì, thậm chí cổ phiếu BID của BIDV nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung còn tăng điểm. 

Sau khi bị bắt giam, cơ quan điều tra đang khẩn trương điều tra, xác minh và đã tiến hành phong tỏa tài sản của ông Bắc Hà ở quê nhà tại Bình Định, đồng thời phong tỏa tài khoản cá nhân của con gái ông Trần Bắc Hà tại ngân hàng, điều tra các hồ sơ liên quan nhà đất của vợ và con trai ông Hà.

10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 7.

Vào cuối tháng 11/2018, hai ngân hàng đầu tiên trong hệ thống là Vietcombank và VIB đã được NHNN trao quyết định đạt chuẩn quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II – trước 1 năm so với kế hoạch của các ngân hàng. 

VIB và Vietcombank là 2 trong số 10 ngân hàng đã được NHNN lựa chọn để thí điểm áp dụng Basel II, cùng với BIDV, VietinBank, VPBank, Maritime Bank, Sacombank, MB, ACB và Techcombank. Song đến đầu tháng 12, có 1 trong 10 ngân hàng đã rút khỏi danh sách thí điểm, xin lùi lại đến năm 2020, trong khi có 2 ngân hàng là TPBank và OCB xin gia nhập nhóm những ngân hàng được áp dụng sớm. Và những ngày làm việc cuối năm 2018, OCB đã được NHNN chấp thuận cho áp dụng Basel II- trở thành ngân hàng thứ ba trong hệ thống đạt chuẩn quản trị rủi ro cao nhất.

10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 8.

2018 cũng là năm cực kỳ thành công trong việc gọi vốn bằng trái phiếu của các ngân hàng nhằm tăng vốn cấp 2. Trong đó đáng chú ý là những ngân hàng phát hành trái phiếu huy động được lượng tiền rất lớn, chẳng hạn BIDV huy động tổng cộng hơn 5.000 tỷ đồng, VietinBank gần 3.000 tỷ, HDBank gần 6.000 tỷ, VIB cũng 6.000 tỷ, ACB 4.400 tỷ; MB hơn 1.500 tỷ…Bên cạnh đó còn hàng loạt các ngân hàng khác cũng huy động trái phiếu thành công với quy mô nhỏ hơn, khoảng vài trăm tỷ đồng. 

Các nguồn trái phiếu nói trên của các ngân hàng phổ biến là kỳ hạn dài, ngắn nhất là 2 năm. Lãi suất trái phiếu được thanh toán hàng năm, thường là cao hơn đáng kể so với lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng huy động tại 4 ngân hàng lớn nhất bao gồm BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank. 

Với việc phát hành trái phiếu, các ngân hàng đã một mũi tên trúng được nhiều đích, đó là có thêm năng lực để cho vay các dự án; cho vay các khoản trung và dài hạn khi phải tuân thủ theo quy định của Thông tư 16/2018 về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; và cũng để đáp ứng quy định về hệ số an toàn vốn CAR theo quy định tại “Basel II phiên bản Việt Nam”.

10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 9.

Sau hơn 2 năm bỏ trống chiếc ghế chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ khi ông Trần Bắc Hà về hưu tháng 9/2016, đến giữa tháng 11 năm nay BIDV mới tìm được chủ nhân của chiếc ghế “nóng” nhất này đó là ông Phan Đức Tú. Trước đó ông Tú là Tổng giám đốc, nên sau khi lên làm chủ tịch, HĐQT đã bổ nhiệm ông Lê Ngọc Lâm làm Phó Tổng giám đốc phụ trách ban điều hành. 

Tại VietinBank, ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch ngân hàng được Trung ương điều động về Quảng Ninh, sau đó được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh. Đến tháng 11, NHNN đã bổ nhiệm ông Lê Đức Thọ, là Tổng giám đốc, lên đảm nhận vị trí chủ tịch. Ghế Tổng giám đốc ngân hàng được chuyển lại cho ông Trần Minh Bình.

10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 10.

Điểm nổi bật tiếp theo của ngành ngân hàng năm 2018 đó là tạo ra được một trật tự mới trong hệ thống ngân hàng sau những sự kiện mang tính bước ngoặt. 

Nếu xét riêng về lợi nhuận, dù thời điểm này các ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh cuối cùng, song Vietcombank chắc chắn giữ vững ngôi vị quán quân về lợi nhuận. 

Vị trí thứ 2 không phải thuộc về BIDV hay VietinBank, mà thuộc về Techcombank – một ngân hàng tư nhân. VietinBank, vốn dĩ là ngân hàng luôn trong top đầu, được dự báo sẽ rơi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận do ngân hàng phải trích lập dự phòng và ghi nhận lỗ trong quý IV. Ở vị trí thứ 3 và thứ 4 trong bảng xếp hạng các ngân hàng lãi tốt nhất sẽ do BIDV và VPBank chia nhau. 

Techcombank là hiện tượng của năm nay nhờ quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán vào đầu tháng 6, với giá khởi điểm tới 128.000 đồng/cổ phiếu – cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Sau niêm yết, ngân hàng phát hành cổ phiếu thưởng để chia cổ tức với tỷ lệ 1:2, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 33.000 tỷ đồng – trở thành ngân hàng tư nhân có vốn cao nhất.

10 sự kiện nổi bật nhất ngành ngân hàng 2018 - Ảnh 11.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự bạo chi trong việc gom mua cổ phiếu ngân hàng của các lãnh đạo ngân hàng và người nhà trong năm 2018 này. 

Đầu tiên phải kể đến gia đình ông chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Bên cạnh việc lên sàn thành công, được chia cổ phiếu thưởng và gom mua thêm, gia đình ông Hồ Hùng Anh vươn lên trở thành gia đình giàu có nhất trong lĩnh vực ngân hàng. 

Cụ thể dữ liệu của CafeF cho thấy, ông Hồ Hùng Anh cùng với mẹ, vợ, con trai và em dâu nắm giữ 17,02% cổ phần Techcombank, trị giá khoảng 16.200 tỷ đồng. Ngoài ở Techcombank, ông Hùng Anh còn sở hữu 1.000 tỷ đồng cổ phiếu Masan Group và gián tiếp sở hữu nhiều tài sản khác. Nếu xét cả số tài sản sở hữu trực tiếp và gián tiếp thì ông Hùng Anh và người nhà còn được cho là có đến 37.000 tỷ đồng, và là cái tên sáng giá nhất trong top danh sách các tỷ phú của Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Bá Dương. 

Trong khi đó tại VPBank – một trong 2 ngân hàng làm ăn tốt nhất nhóm cổ phần tư nhân hiện nay – việc sở hữu cổ phiếu của các lãnh đạo ngân hàng cũng thu hút sự chú ý. Sau nhiều đợt gom mua cổ phiếu khối lượng lớn, tính đến cuối năm 2018, gia đình ông chủ tịch Ngô Chí Dũng đã sở hữu khoảng 14,5% vốn của VPBank, tương đương khối tài sản trị giá 7.200 tỷ đồng. Cả 3 người là ông Dũng, vợ ông Dũng và mẹ ruột ông Dũng đều có tên trong danh sách top 30 người giàu nhất Việt Nam. Một gia đình khác ở VPBank là ông phó chủ tịch Bùi Hải Quân và vợ cũng sở hữu số cổ phiếu trị giá hơn 3.100 tỷ đồng. Vợ chồng ông tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cũng có tài sản từ cổ phiếu VPB trị giá trên 600 tỷ. 

Tại VIB, ông chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ và người nhà, với việc gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu trong năm vừa qua cũng đã nâng khối tài sản lên trên 2.000 tỷ đồng. 

Ngoài các gia đình siêu giàu trong giới ngân hàng nói trên, trong năm qua cũng chứng kiến nhiều lãnh đạo ngân hàng và người nhà gom mua cổ phiếu, với giá trị tài sản hàng trăm tỷ đồng.

Tùng Lâm
7pm
Theo Trí Thức Trẻ01/01/2019


Hằng Nguyễn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên