Có lẽ chưa bao giờ một Chính phủ phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có cùng một lúc như vừa rồi. Tất cả thời gian chuẩn bị cho hoàn thiện bộ máy Chính phủ, bầu cử Quốc hội, cuộc chiến chống dịch, chuyển chiến lược từ phòng ngự sang tấn công, đi kèm với mục tiêu phát triển kinh tế, chỉ vỏn vẹn 20 ngày…
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris) đánh giá: "Với tác phong của Thủ tướng Phạm Minh Chính là tinh thần hành động, thì khẩu hiệu chuyển từ phòng ngự sang tấn công đã được cụ thể hóa ngay trong 100 ngày đầu của Chính phủ".
Ông có nhận xét gì về bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm ông Phạm Minh Chính nhậm chức cùng với Chính phủ?
Thời điểm đầu tháng 4, khi Thủ tướng Phạm Minh chính mới nhậm chức, bối cảnh trong và ngoài nước vẫn còn rất phức tạp, những kỳ vọng về "bình thường mới" chưa thành hiện thực, kinh tế vẫn ở trong tình trạng rất "dễ vỡ".
Thời điểm đó, nước ta vừa mới kết thúc làn sóng dịch thứ 3. Kinh tế toàn cầu lúc này vẫn còn đang trong giai đoạn khủng hoảng. Tình trạng gián đoạn các dây chuyền vận tải, logistics, khó khăn di chuyển giữa các quốc gia tiếp tục gây ra các tác động mạnh đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, đặc biệt là khi xuất nhập khẩu được coi là một trong những đòn bẩy tăng trưởng quan trọng trong năm vừa rồi.
Mặt khác, nguy cơ bùng dịch vẫn hiện hữu. Một điểm quan trọng khác là vào thời điểm đó, Việt Nam chỉ mới nhận được lô vắc xin đầu tiên từ COVAX (Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19) và bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin.
Công nhân sản xuất khẩu trang tại nhà máy. Ảnh: Việt Hùng
Trong bối cảnh như vậy, ông đánh giá như thế nào về kết quả sau 100 ngày đầu tiên của Thủ tướng và Chính phủ?
Tăng trưởng quý 2 của Việt Nam đạt 6,6% - một trong những con số tăng trưởng rất cao so với các nước trong khu vực và quốc tế. Con số này cũng chỉ kém 0,1 điểm phần trăm so với năm 2018 và 2019. Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng đó, trong khi tới 80% khoảng thời gian của 100 ngày đầu tiên này là dành ưu tiên cho công tác chống dịch.
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần, tất cả những việc lớn được thực hiện đồng thời: kiện toàn bộ máy mới của Chính phủ, tạo ra những gắn kết giữa Chính phủ và địa phương (trong điều kiện chính địa phương cũng có bộ máy chính quyền mới và lãnh đạo mới), sắp xếp và trao đổi với các bộ ngành chuyên môn để có những giải pháp ứng phó kịp thời với sự thay đổi của tình hình thế giới và tình hình trong nước…
Dịch bệnh lần này có tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng hơn hẳn những lần trước, khi bùng phát ở những địa phương là cứ điểm sản xuất như Bắc Giang, Bắc Ninh và bây giờ là Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, với biến chủng delta lây lan rất nhanh. Kể cả với những kinh nghiệm đã được tích lũy trong năm 2020 và quý 1 năm 2021, việc ứng phó với dịch lần này cũng không dễ dàng.
Kết quả tăng trưởng kinh tế 6,6% là rất đáng khích lệ, chúng ta đã đi được một bước dài so với cùng kỳ năm trước. Xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định (tổng kim ngạch đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2%, và đã bằng 58% tổng kim ngạch của năm 2020), công nghiệp chế biến (một trong những động lực chủ đạo để hiện đại hoá nền kinh tế) có mức tăng trưởng cao (11,42%), thu hút đầu tư nước ngoài tuy có giảm nhưng trong bối cảnh khó khăn trong đi lại và xúc tiến đầu tư như hiện tại thì thành quả đó khá tốt.
Điều gì khiến mức tăng trưởng quý 2 của Việt Nam cao gấp nhiều lần cùng kỳ, trong khi quý 2 năm trước, dịch bệnh thậm chí chưa nghiêm trọng như hiện tại?
Sau khi xác định việc thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế", Việt Nam đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm quý trong công tác phòng chống Covid-19. Các chủ thể kinh tế đã tìm được cách làm việc trong môi trường còn dịch bệnh một cách tích cực hơn, với tinh thần thích ứng, tuân thủ đầy đủ các quy định trong phòng chống dịch nhưng vẫn tập trung phát triển kinh tế.
Ý thứ nhất này rất quan trọng vì ngày một nhiều minh chứng khoa học cho thấy dù vắc xin là yếu tố quyết định đưa cuộc sống chúng ta nhanh trở lại bình thường với rủi ro rất thấp thì nó cũng không phải "viên đạn bạc" có thể giải quyết toàn bộ và triệt để bài toán của Covid-19. Niềm tin về ngưỡng được coi là miễn dịch cộng đồng (khi khoảng 60 – 70% dân số được tiêm phòng) không còn là bất biến do xuất hiện các biến chủng mới. Biến chủng Delta mới chính là một ví dụ, với tốc độ lây nhiễm cao, ngay cả trong các cộng đồng đã tiêm chủng được hơn 65% như Israel, Chile, và Vương Quốc Anh, mỗi nước sử dụng chủ yếu một loại vắc xin khác nhau (Pfizer, Sinovac, và AstraZeneca).
Cho đến cuối quý 2, Việt Nam đã không phải áp dụng biện pháp phong tỏa với quy mô lớn trên phạm vi cả tỉnh hay cả nước. Nơi nào không có dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được thúc đẩy và duy trì tăng trưởng bình thường. Ngay cả người dân cũng tự tin hơn vì đã hiểu phần nào về Covid-19 và có kinh nghiệm ứng phó.
Các điểm cần chú ý xem xét để cân đối là cấu trúc các mặt hàng nhập khẩu, mức thâm hụt cán cân thương mại trong tháng 6 đầu năm (1,47 tỷ USD), năng lực thu hút đầu tư, và nhất là phát triển thị trường cho khu vực sản xuất. Trong tháng 6 thì chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã giảm 9 điểm so với một tháng trước đó, từ 53,1 xuống còn 44.1, đánh dấu suy giảm của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với các số liệu về tăng trưởng quý 2 như vậy, thì những thách thức mà Chính phủ có thể gặp trong quý 3, gần như tương đương với 100 ngày tiếp theo sẽ là gì?
Theo tôi, sẽ có ba thách thức và cũng là con đường để Việt Nam có thể quay trở lại với cuộc sống an toàn và thông minh trong môi trường dịch bệnh.
Thứ nhất là có được vắc xin và tổ chức tiêm chủng vắc xin hiệu quả. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, tất cả các vắc xin được công nhận bởi Tổ chức Y tế thế giới đều giải quyết được một việc rất lớn là giúp những người nhiễm Covid-19 sẽ không bị nặng, sẽ không phải vào bệnh viện và hầu như không có nguy cơ tử vong.
Trong quý 3, chắc chắn Việt Nam chưa thể hoàn thành chiến dịch tiêm chủng. Chính phủ cần chuẩn bị tâm lý và một mô hình sống và làm việc chung với dịch cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài khối nhà nước, với mục tiêu an toàn là trên hết.
Thứ hai là việc phải tìm ra độ mở cửa phù hợp, khi thế giới đang tiến dần vào câu chuyện phục hồi kinh tế, nhất là đối với các nước đã tiêm chủng cho người dân với tỷ lệ lớn. Phải như vậy mới có thể gắn kết trở lại hoạt động của Việt Nam với kinh tế thế giới. Nếu việc hạn chế đi lại giữa Việt Nam và thế giới tiếp tục kéo dài, rất nhiều lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư không thể đến Việt Nam để quan sát thực địa, trao đổi trực tiếp để quyết định đưa dòng tiền đầu tư hay chuỗi sản xuất về Việt Nam được.
Thách thức thứ ba, là Chính phủ phải định hình mô hình mới ngay cho trung và dài hạn với các kịch bản khác nhau của ngắn hạn, trong đó phải tìm ra được những điểm nghẽn để khắc phục và những thế mạnh để phát huy (về y tế, kỷ luật xã hội, bố trí sản xuất,…).
Ví dụ kịch bản ngắn hạn là đến hết năm 2021 sẽ tiêm được trên 70% dân số sẽ khác với kịch bản ngắn hạn là chỉ tiêm được 30-40% dân số. Kết quả của chương trình tiêm chủng sẽ quyết định chiến lược và định hướng chính sách trong một vài năm tới.
Với các kết quả hiện tại, mục tiêu tăng trưởng 6,5% đến cuối năm có phải là thách thức lớn với chúng ta hay không?
Theo tôi, tăng trưởng 6,5% vẫn khả thi. Nền kinh tế nước ta bắt đầu có những thích ứng tốt với môi trường số hoá, thương mại số, và có sức bật khá nhanh. Các kết quả tích cực từ nhiệm kỳ trước trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách thúc đẩy "Make in Vietnam"…cũng đã đặt được một nền tảng quan trọng cho giai đoạn tới.
Nhìn vào nỗ lực của Chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn vắc xin, huy động nguồn lực toàn dân tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh và việc nghiên cứu mở cửa thông minh, lựa chọn, phân loại đối tượng để cho phép nhập cảnh vào Việt Nam…thì chúng ta có thể tin tưởng rằng mục tiêu 6,5% hoàn toàn có thể đạt được.
Ngay trong khi chúng ta đang chống dịch với nỗ lực cao nhất, các tổ chức kinh tế tài chính uy tín thế giới như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng thế giới WB và Ngân hàng phát triển châu Á ADB vẫn đang dự báo Việt Nam là một trong những cực tăng trưởng quan trọng nhất của khu vực Đông Nam Á và châu Á -Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng xung quanh 7%.
Điều quan trọng, không phải họ không biết Việt Nam đang phải chống dịch rất căng thẳng. Họ nhìn vào những nỗ lực của Chính phủ, nhìn vào các dòng vắc xin dự kiến sẽ về Việt Nam trong khoảng tháng 7 – 12, thì họ vẫn thấy Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng dân số cao trong năm nay.
Ông có kỳ vọng gì về những thay đổi sắp tới của nền kinh tế?
Tôi có hai kỳ vọng.
Thứ nhất, tôi mong muốn Việt Nam tìm thấy con đường để đi nhanh hơn hay những "điểm nghẽn" để giải quyết. Hiện nay tất cả các quốc gia đều khó khăn. Ngay cả các nước đã có tỷ lệ miễn nhiễm cao rồi cũng vẫn gặp khó khăn trong việc đưa người dân trở lại quỹ đạo sống và phát triển kinh tế như bình thường. Điều này cần một sự bứt phá.
Ví dụ như, thay vì chỉ tập trung tìm kiếm vắc xin, Việt Nam có thể đầu tư, hợp tác nghiên cứu ra phương thuốc đặc trị cho Covid-19 trong thời gian tới, đồng thời đưa ra những quy trình chống dịch, quy tắc làm việc an toàn trong giai đoạn dịch vẫn tiếp diễn. Những điều đó, rõ ràng sẽ giúp chúng ta quay lại cuộc sống bình thường sớm hơn, để có những sự bứt phá.
Năm trước, người dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều nhưng không biết bán cho ai và chờ giải cứu. Còn năm nay, với sự hỗ trợ của nhiều kênh bán khác nhau, đặc biệt là thương mại điện tử, vải thiều đã được bán chứ "không cần cứu". Ảnh: Nam Nguyễn
Tiếp đến, theo tôi, Việt Nam nên bắt đầu suy nghĩ về những chiến lược dài và đồng bộ. Có 3 cực cần quan tâm: cân đối địa chính trị, hợp tác khoa học công nghệ, và phát triển thị trường.
Bối cảnh thế giới chắc chắn không phải lúc nào cũng yên bình và luôn luôn thay đổi. Các quan hệ về địa kinh tế và địa chiến lược cũng thường xuyên thay đổi, nhất là trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có rất nhiều điểm nóng về địa chính trị. Tìm được điểm cân bằng sẽ giúp môi trường vĩ mô ổn định, không có những rủi ro lớn.
Chúng ta cần có hợp tác trọng điểm với những quốc gia có nền khoa học công nghệ tương thích về trình độ và nhu cầu phát triển của Việt Nam, mà chúng ta có thể hợp tác sâu rộng, liên tục, dài hạn, để từ đó có chuyển giao công nghệ. Đây là yếu tố then chốt để đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển với tầm nhìn 2045.
Việc chuyển giao công nghệ chỉ xảy ra khi mà chúng ta làm việc, nghiên cứu, phát triển với họ trong nhiều lĩnh vực. Hiếm có quốc gia nào chuyển giao công nghệ mới nhất của họ.
Một định vị về nhóm quốc gia có thể phát triển trở thành thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng rất cần thiết. Ngoài các thị trường lớn đã dần thành truyền thống thông qua các hiệp định thương mại mới và cũ (EU-VN FTA, CP-TPP, RCEP,…), còn rất nhiều thị trường mới, thị trường tiềm năng, như châu Phi.
Đại đa số các quốc gia châu Phí có trình độ phát triển khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh, độ mở kinh tế tài chính thấp hơn so với chúng ta. Nếu các ngành công nghiệp của Việt Nam đang phát triển ở mức cao hơn họ, họ cần loại công nghệ và kiểu phát triển của ta, ở mức kinh phí có thể chấp nhận được, thì ta sẽ có vị trí đứng ở các thị trường đó và đó sẽ là thị trường vô cùng rộng mở với chúng ta.
Nếu được chọn một từ, hoặc một cụm từ phù hợp để mô tả về 100 ngày đầu tiên của Chính phủ, ông sẽ chọn ra sao?
Hình ảnh nổi lên rõ ràng nhất về phong cách điều hành của Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một Chính phủ hành động, hành động nhanh, nói đi đôi với làm, từ lãnh đạo cao nhất xuống đến lãnh đạo ở các cấp khác nhau. Chính phủ đưa ra các định hướng rõ ràng với những mục tiêu cụ thể ngay cả đối với những việc nhỏ nhất, quyết sách rất nhanh, huy động được trí tuệ tập thể và sự tham gia của rất nhiều lực lượng khác nhau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP - Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm công ty Nissei Electric Việt Nam. Ảnh: Việt Đức
Điều này thể hiện rõ trong nhiều chiến dịch gần đây của Chính phủ. Từ tiếp cận với các nguồn vắc xin, cho đến việc đưa nông sản Việt từ các vùng dịch ra thị trường quốc tế…
Đó không phải là nỗ lực chỉ nói, chỉ trên giấy tờ, mà thể hiện rằng: Chính phủ nói, Chính phủ làm và hỗ trợ để làm bằng được.
Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
Trí Thức Trẻ