“Estonia sau khi triển khai căn cước công dân (CCCD) điện tử, GDP đã tăng tới 1%. Thử tính 1% GDP của Việt Nam là bao nhiêu: Gần 4 tỷ USD đấy” - ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch HĐQT kiêm Nhà sáng lập MK Group - Đơn vị sản xuất thẻ CCCD gắn chip nói với chúng tôi như vậy.
Ông Khang là người đã mất tới 18 năm vật vã, từng... rụng tóc vì stress với chiếc thẻ này.
Trương Thu Hường: Vì sao từ năm 2003, anh đã muốn làm thẻ CCCD gắn chip?
Nguyễn Trọng Khang: Vì lúc ấy chúng tôi là đang đại lý cho một công ty ở Mỹ, và kinh doanh máy cá thể hóa thẻ (máy đưa dữ liệu vào thẻ). Chúng tôi thấy cơ hội nên đề xuất với Bộ Công an về việc đưa công nghệ từ nước ngoài về để làm thẻ CCCD gắn chip.
Văn bản đề nghị đầu tiên tôi gửi lên là từ năm 2003, đến giờ đã là 18 năm. Tôi vẫn còn giữ kìa!
Trương Thu Hường: Anh đã tính một thương vụ đem lại doanh thu rất lớn?
Nguyễn Trọng Khang: Tất nhiên, tài chính quan trọng chứ. Nhưng nó không phải quan trọng nhất. Quan trọng là được đóng góp. Ở đời có những việc, nói thật là chỉ cần được làm thôi!
Trương Thu Hường: Cụ thể, đóng góp đó là gì, thưa anh?
Nguyễn Trọng Khang: Estonia sau khi triển khai CCCD điện tử đã tăng tới 1% GDP. Thử tính 1% GDP của Việt Nam bằng bao nhiêu: Gần 4 tỷ USD đấy. Đóng góp này lớn chứ, đúng không?
Đấy là ích lợi từ những ứng dụng thiết thực cho người dân, Chính phủ và doanh nghiệp.
Chẳng hạn, chỉ cần duy nhất thẻ CCCD gắn chip là người dân có thể giao dịch được với cơ quan nhà nước, hoặc các tổ chức có tích hợp chức năng xác thực thẻ CCCD…. Họ không phải mất nhiều thời gian xếp hàng chờ đợi. Thậm chí có thể ngồi nhà thực hiện mọi giao dịch như: mở tài khoản ngân hàng, đăng ký mở doanh nghiệp, hay thậm chí bán nhà mà chẳng cần phải đi đâu cả.
Rất nhiều loại chi phí sẽ giảm. Đặc biệt là phí in giấy tờ công chứng vì cái này rất lớn, có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Giảm chi phí thủ tục giấy tờ, đi lại tốn kém… Những thứ này nếu khắc phục được sẽ khiến hiệu quả hoạt động của nền kinh tế tăng, từ đó thu hút đầu tư.
Đối với Chính phủ, CCCD điện tử còn giúp lãnh đạo lấy dân làm trung tâm. Ví dụ, thay vì 5 năm mới mở đợt thống kê thì giờ chính quyền lúc nào cũng có thể biết rõ tổng dân số. Họ còn biết cả việc người dân đang cư trú ở đâu. Tất cả thông tin cư trú đều được cập nhật trên CSDL tập trung. Lúc đó, việc hoạch định chính sách sẽ tốt hơn rất nhiều.
Rồi những lợi ích như: tích hợp thêm cả mã số thuế và số sổ BHX; thay hộ chiếu đi lại ở các nước có thỏa thuận; thẻ ra vào cơ quan...
Trương Thu Hường: Nhiều lợi ích như thế, theo anh vì sao đến bây giờ Việt Nam mới làm?
Nguyễn Trọng Khang: Bây giờ mới đúng thời điểm.
Lùi lại cách đây 10 năm thôi, kinh tế nước ta chưa đủ lực! Nói thật, Bộ Công an muốn làm CCCD điện tử cũng đã rất nhiều năm. Nhưng lại chưa có đủ những nguồn lực căn bản, bao gồm cả vấn đề tài chính.
Thứ hai, lúc này Việt Nam đang có nhu cầu rốt ráo về việc quản lý xã hội cần có sự tập trung.
Lãnh đạo Bộ Công an từng hứa với Quốc hội đến 1/7/2021 sẽ khai tử sổ hộ khẩu bằng giấy. Cái sổ đó đã không còn theo kịp nhu cầu cải cách hành chính. Nhưng nếu bỏ đi thì phải quản lý bằng cái gì chứ? Thế thì chính cái đó cũng là đòn bẩy cho dự án Cơ sở dữ liệu về dân cư và CCCD gắn chip. Khi người lãnh đạo dám đưa ra quyết sách và cam kết chính trị mạnh như thế, sẽ thúc đẩy cả một lực lượng, hệ thống phải vào cuộc.
Thứ ba, muốn làm CCCD điện tử phải có hệ thống CSDL, kiểm tra sinh trắc học tập trung.
Quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức. Còn nếu nước mình cứ làm theo cách cũ thì chắc còn lâu lắm mới có được CCCD điện tử.
Trương Thu Hường: “Cách cũ” mà anh nói, đó là gì?
Nguyễn Trọng Khang: Nhiều năm trước, nước ta từng có dự án chuyển từ CMND sang CCCD mã vạch. Hồi đấy, chúng tôi đã khuyến nghị nên đưa chip vào. Nhưng lúc đó công nghệ CCCD gắn chip chưa được chuẩn hóa như bây giờ. Họ chưa thấy sự cần thiết về an ninh, bảo mật, dịch vụ trực tuyến. Nhìn ra thế giới, các nước cũng chưa sử dụng CCCD gắn chip nhiều.
Trong mã vạch của CCCD cũ có mã hóa ảnh, dấu vân tay. Nhưng chỉ có lực lượng chức năng mới đọc được thôi. Như vậy, nó đã giúp ích được cho việc quản lý. Nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa thể dùng để định danh người dân được.
Trương Thu Hường: Dự án CCCD mã vạch không được triển khai đồng bộ. Sau một thời gian thì nay phải dừng để triển khai cấp CCCD mẫu mới. Là người đã đề xuất hướng gắn chip ngay từ đầu, anh có thất vọng không?
Nguyễn Trọng Khang: Thật ra tôi xác định đây là một hành trình kiên trì.
Từ 2003, tôi tận dụng những cơ hội đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp để bày tỏ quan điểm với các lãnh đạo. Tôi nói: Chúng ta thường nói đến Chính phủ điện tử, nhưng vế quan trọng hơn phải là công dân điện tử. Nếu công dân không thể định danh bằng điện tử thì làm sao họ tiếp cận được những dịch vụ mà Chính phủ điện tử cung cấp? Để phục vụ người dân thì phải có CCCD điện tử. Cứ lần lượt như thế, tìm cơ hội để được trao đổi và thuyết trình...
May là đến lúc Chính phủ nhận thấy cần và có đủ lực để thay đổi, có cả sự quyết liệt thay đổi của Bộ công an nên chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khác mới có cơ hội được góp sức vào dự án quan trọng này.
Trương Thu Hường: Những dự án đầu tư công dang dở vì thiếu vốn là chuyện không mới ở Việt Nam.
Nguyễn Trọng Khang: Và cũng không phải chỉ có Việt Nam mới như vậy! Philippines vừa rồi mới triển khai CCCD, nhưng họ vẫn dùng mã vạch chứ không phải gắn chip. Thái Lan, Indonesia cũng làm chip từ rất lâu, nhưng lại không theo tiêu chuẩn quốc tế.
Dẫu sao chuyện đổi sang CCCD gắn chip theo tiêu chuẩn quốc tế như Việt Nam cũng sẽ có rất nhiều khó khăn! Khó khăn ngay trong chính nội bộ của các đơn vị triển khai. Ví dụ, việc đưa lực lượng Công an về từng xã, từng bản làm CCCD cho dân thì ai ở, ai đi? Rồi hệ thống quản lý dân cư cũ của tỉnh phải bỏ đi để xây dựng một hệ thống mới tập trung, ứng dụng toàn những công nghệ hiện đại của thế giới thì đó chính là một đợt cải cách cần có sự đột phá.
Trương Thu Hường: Đột phá? Xin anh nói rõ hơn về điều này.
Nguyễn Trọng Khang: Ban đầu, có một cơ quan cấp trung ương đã nêu ý kiến nên làm thẻ CCCD có tính chất bản địa. Nhưng chính Bộ Công an đã đứng ra thuyết phục. Cuối cùng, các lãnh đạo cũng đồng ý với chúng tôi rằng, chiếc thẻ đạt tiêu chuẩn thế giới có ý nghĩa chiến lược trong việc hội nhập quốc tế lâu dài về sau.
Có 3 việc mà chúng tôi đề xuất với Bộ Công an và sau đó được thông qua. Thứ nhất là làm thẻ tuân theo tiêu chuẩn của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế). Thứ hai, pass-word để mở thẻ là bằng sinh trắc học, sử dụng công nghệ “match on card” (thuật toán so sánh nằm trên thẻ). Khi đưa hình ảnh, dấu vân tay vào máy đọc thẻ thì con chip sẽ tự động so sánh với dữ liệu lưu trên đó, không cần kết nối với CSDL tập trung nên có thể thao tác offline, tính bảo mật cao hơn. Thứ ba là chữ ký số - cái rất quan trọng trong việc ký giao dịch điện tử về sau.
Khi Bộ Công an lắng nghe, suy xét và chấp nhận các đề xuất, cũng như đứng ra đấu tranh, thuyết phục được các Ban, Ngành khác thì với chúng tôi, đó là sự đột phá.
Trương Thu Hường: Sự hoài nghi về dự án này đã từng lớn đến như vậy?
Nguyễn Trọng Khang: Chính xác! Không chỉ có ý kiến của đơn vị kể trên. Mà ngay khi Bộ Công an trình lên thì rất nhiều Bộ, Ban, Ngành; thành viên của Quốc hội thậm chí còn không tin. Họ không tin trong thời gian ngắn, Việt Nam có thể làm được thẻ CCCD hiện đại, giá rẻ như thế và phát hành nhanh như thế. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Nhưng chính sự hoài nghi đã tạo ra động lực. Nếu bạn đến thăm nhà máy của chúng tôi vào đợt sản xuất CCCD thì sẽ thấy, hàng trăm công nhân đều được đặt trong tinh thần thi đua sôi sục. Mọi người tăng ca 4 tiếng/ ngày mà không ai kêu mệt. Mặc dù máy cá thể hóa thẻ tối đa chỉ làm được 1.000 thẻ/ giờ/máy, nhưng có công nhân trong 12 tiếng đã cho ra 11.400 cái. Có nghĩa, họ đã làm việc đến quên ăn, quên ngủ.
Bản thân tôi từng stress tới nỗi rụng tóc. Nhưng tôi biết, lãnh đạo ở trên còn áp lực hơn nhiều. Lời hứa với Quốc hội, hứa với Chính phủ là một cam kết rất lớn. Trong tình hình như thế, ngành Công an phải vào cuộc quyết liệt. Dù dịch bệnh, Bộ vẫn điều động được 100.000 cán bộ đi xuống từng địa phương. Họ đã không quản vất vả mà đi tới từng thôn, bản, mang bánh trái, nước rửa tay,… làm việc tới đêm khuya để cấp CCCD mới cho người dân…
Rồi khi xảy ra nạn khan hiếm chip toàn cầu, để đàm phán mua được chip từ Đức thì đến ngay cả các cơ quan Chính phủ cũng phải vào cuộc.
Chúng tôi tin, nếu dự án không được đặt trong bối cảnh khó khăn, hoặc không có sự hoài nghi lớn như thế thì đã không không thể thành công. Không thể mang tính lịch sử tới như vậy.
Trương Thu Hường: Khi làm việc với Chính phủ, điều gì khiến anh khiến áp lực nhất?
Nguyễn Trọng Khang: Chính phủ là cả một tổ chức chính trị nên mọi việc phải thông qua họp bàn với nhiều Ban, Ngành. Nhưng nói chung dù làm việc với ai, Chính phủ hay doanh nghiệp, thì vẫn cần có những người quyết đoán, dám làm.
Áp lực là đương nhiên. Nhưng chúng tôi, cũng như các doanh nghiệp công nghệ Việt trong dự án này luôn thấy tự hào khi được Chính phủ, Bộ Công an và người dân đặt niềm tin.
Trương Thu Hường: Dù sao đây vẫn là dự án lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Nguyễn Trọng Khang: Rõ ràng rồi! CCCD giúp chúng tôi có nhiều việc để làm. Ví dụ thị trường Nhật Bản có những năm, chúng tôi xuất khẩu được 9 triệu đô, nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 2 triệu đô. Rồi ngân hàng thì 2 tháng nay vì dịch, chúng tôi đâu có tiếp cận được ở TP.HCM.
Tôi nghĩ đấy cũng là may mắn. Trước kia, khi thẻ sim bão hòa thì chúng tôi có thẻ thanh toán. Bây giờ thẻ thanh toán gặp khó, chúng tôi lại có CCCD.
Quá trình sản xuất thẻ, chúng tôi cũng hoàn thiện được nhiều thứ. Và khi có cơ hội được làm việc khó thì doanh nghiệp của mình lớn lên rất là nhiều.
Tất nhiên, dịch bệnh như vậy, công ty nào chẳng gặp khó. Nhưng MK vẫn ổn. Có những người bạn của tôi làm du lịch thì bây giờ mới hơn cả lao đao. Yếu tố thời điểm quan trọng lắm. Chỉ là chẳng ai biết thời điểm chính xác là lúc nào.
Có những năm, chỉ riêng đơn hàng cho một công ty viễn thông ở Việt Nam mà chúng tôi đã làm tới 50 triệu thẻ sim. Cùng một năm ấy, đối tác ở Nhật Bản đặt gần 60 triệu thẻ tín dụng.
Tôi muốn nói là chúng tôi không đổi đời nhờ làm thẻ CCCD.
Trương Thu Hường: Nhưng lợi nhuận cũng quan trọng lắm chứ. Nếu không, các anh cũng đâu cần tiết kiệm chi phí đến mức để công nhân làm việc hết tốc độ?
Nguyễn Trọng Khang: Vậy phải đặt câu hỏi ngược lại: nếu không sản xuất nhanh, Việt Nam có thể làm được CCCD giá rẻ chỉ bằng nửa Nhật Bản? Dù biết rằng chi phí nước họ đắt đỏ hơn, và giá CCCD của nước mình khi đến tay người dân vẫn đang được Chính phủ trợ giá.
Dự án này bản thân nó đã có thời gian rất gấp rút. Và công nhân của chúng tôi cũng rất muốn đóng góp.
Nhưng bạn nói đúng. Nguồn ngân sách của nước mình rất hạn chế. Quá trình sản xuất lại phát sinh những chuyện như vật liệu tăng giá, rồi phải cho nguyên liệu đi máy bay về, đội chi phí vận chuyển lên rất cao… Vậy thì phải làm nhanh để tiết kiệm. Khi đạt được quy mô lớn trong thời gian rất ngắn thì mới giảm được chi phí cố định (điện, nước, nhân công, hao mòn máy móc… nói chung là “economy of scale” - tính kinh tế theo quy mô)
Trương Thu Hường: Nếu thế vì sao vẫn còn có nghi ngờ Việt Nam khó làm được thẻ CCCD giá rẻ?
Nguyễn Trọng Khang: Một vài năm trước, chi phí chip còn đắt. Bây giờ rẻ hơn nhiều. Quan trọng là đến giờ, người Việt Nam mới làm chủ được công nghệ.
Trương Thu Hường: Có nghĩa là giả dụ, nếu Chính phủ đồng ý để các anh làm CCCD gắn chip từ năm 2003 thì đó không phải là công nghệ của Việt Nam?
Nguyễn Trọng Khang: Chính thế. Lúc đó, chúng tôi chỉ đóng vai trò đưa công nghệ từ nước ngoài về. Nhà máy sản xuất thẻ của chúng tôi vừa xây xong. Còn bây giờ, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm, làm chủ được công nghệ. Chỉ cần mua phần cứng từ nước ngoài thôi. Phần mềm và sản xuất chúng tôi chủ động làm.
Trương Thu Hường: Làm thế nào để làm chủ công nghệ này, thưa anh?
Nguyễn Trọng Khang: Đó là hành trình dài tiếp cận, đưa công nghệ hiện đại về Việt Nam. Cuối cùng, người Việt phải làm chủ được nó.
Người giúp tôi nhiều nhất về công nghệ là ông Graham MCKay, người bạn Nam Phi gốc Anh rất giỏi về thẻ sim và thẻ thanh toán. Ông từng bán công ty được 100 triệu đô la, những lại sẵn sàng về MK để giúp chúng tôi.
3-4 năm trước, chúng tôi lại chiêu mộ được Matthias Duensser, chuyên gia người Đức rất giỏi về CCCD điện tử. Anh đã từng cùng các cộng sự sáng lập nên một công ty thực hiện được 30% CCCD gắn chip và hộ chiếu điện tử trên toàn thế giới.
Quan trọng là gần 20 năm qua, tôi luôn giữ được đội ngũ cốt lõi bên mình. Những người Việt này tiếp cận tất cả cái mới mà Graham, hay Matthias và nhiều người như thế đem về, cũng như công nghệ do đối tác sản xuất chip ở nước ngoài chuyển giao. Kết quả, những công nghệ đó trở thành sở hữu của người Việt.
Trương Thu Hường: Cách anh thuyết phục được người giỏi như thế nào?
Nguyễn Trọng Khang: Trước khi tôi mời họ về làm chung, chúng tôi đã là bạn bè thân thiết. Để chiêu mộ Matthias, tôi nhờ đích thân ông Graham bay từ Nam phi sang Mỹ cùng phỏng vấn. Nhưng suốt mấy ngày ở Mỹ, chúng tôi chỉ cặm cụi làm vườn. Sáng trồng cây, chiều chúng tôi làm hàng rào (cười).
Đến ngày cuối cùng, ông Graham giật mình: “Này Khang! Tôi bay nửa vòng trái đất sang đây để phỏng vấn giúp anh, nhưng anh chỉ rủ chúng tôi đi làm vườn? Hôm nay, Matthias đã về rồi, anh muốn phỏng vấn gì?”.
Tôi cười bảo: “Ông không thấy từ sáng tới tối, Matthias đã cùng với anh em mình làm vườn rất chăm chỉ đấy ư?”.
Nói thật với bạn, những người giỏi như vậy mình đâu cần phỏng vấn. Cái họ cần cũng đâu phải tiền bạc. Họ giúp vì quý mến. Nhiều khi đơn giản chỉ là thích làm vườn với nhau như vậy thôi.
Trương Thu Hường: Không phải chuyện tiền bạc. Đó có phải là nguyên tắc của anh khi xây dựng mối quan hệ?
Nguyễn Trọng Khang: Đúng vậy. Đã chơi với người ta thì phải để họ nể mình.
Hồi mới du học về nước, tôi làm nhà phân phối thẻ cho một công ty thẻ của Pháp, có chi nhánh tại Singapore. Công ty này sau đó sáp nhập với một một công ty khác. Cái công ty khác ấy lại có một công ty A là nhà phân phối ở việt Nam. Đối tác của tôi thấy công ty A to, còn MK thì nhỏ. Lúc ấy, tôi đã bán thẻ cho ngân hàng B quãng 5 năm rồi. Đối tác biết vậy, nhưng vì lợi ích, họ cũng bỏ mình.
Ông GĐ ở Singapore gọi cho tôi, nói: “Khang! Tôi đền anh 20.000 USD. Anh bỏ ngân hàng kia cho bên A làm, anh đi tìm ngân hàng khác?”.
Tôi nói luôn: “Tôi không rẻ thế đâu! Ông cất tiền của ông đi”.
Một tuần sau, tôi sang Mỹ gọi vốn được 1 triệu đô. Về Việt Nam, tôi quyết tâm xây luôn cái nhà máy sản xuất thẻ ở KCN Quang Minh (Vĩnh Phúc) vào năm 2003.
Trương Thu Hường: Anh có thường bị người ta “quay xe”?
Nguyễn Trọng Khang: Nhiều chứ. Một công ty chuyên về coin (tiền ảo) được tôi góp vốn hơn 40% cổ phần. Đến lúc ICO (bán token) được 11 triệu đô thì founder (người sáng lập) đã chẳng chia cho tôi đồng nào (cười).
Trương Thu Hường: Thế nguyên tắc của anh hiệu quả ở chỗ nào?
Nguyễn Trọng Khang: (Cười) Họ bỏ mình. Đổi lại mình có động lực để vượt lên. Còn họ sẽ phải nể giá trị con người mình.
Đối với người thật lòng tốt với mình thì nguyên tắc đó càng quan trọng.
Ngày xưa lúc loay hoay với những năm đầu khởi nghiệp, tôi từng sống trong căn nhà vỏn vẹn 28m2. Anh Nguyễn Thành Nam đã chủ động tìm đến, đề nghị tôi đổi cổ phần MK lấy cổ phần FPT của anh. FPT lên sàn hồi năm 2006. Hai anh em đổi cho nhau mà chẳng có đàm phán.
Khi ấy chỗ cổ phiếu của tôi có thể bán được tới 1 triệu đô la.
Khổ nỗi anh Nam bận quá, trước khi IPO (chào bán chứng khoán công khai) đã quên không chuyển nhượng. Kết quả, đúng lúc cổ phiếu lên cao, thành viên trong HĐQT như anh không được phép bán ra.
Khi cổ phiếu của anh Nam hết “đóng băng” thì giá cả cũng đi xuống. Vì cần tiền, tôi vẫn phải bán đi đổi lấy 400.000 USD.
Anh Nam biết chuyện, đến tận nhà tôi, nói: “Khang, anh xin lỗi. Anh quên mất. Giờ em tính giá cổ phiếu ở thời điểm cao nhất đi! Thiếu bao nhiêu, anh bù”.
Tôi nói: “Không! Anh không cần làm thế. Anh em mình đổi cho nhau, giá cả lên xuống là chuyện rất bình thường”.
600.000 USD với tôi lúc đó lớn khủng khiếp! Nhưng tôi không lấy tiền của anh Nam dù tôi biết, anh thừa sức để trả. Tôi nghĩ, giá trị con người mình nằm ở chính chỗ đó. Nếu chơi với người ta mà chỉ nghĩ cái lợi cho mình thì làm sao duy trì được lâu dài?
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Doanh nghiệp và tiếp thị