img

“Samsung sẽ chiếm một nửa lượng TV 8K bán ra trong năm 2019 này” - Chủ tịch mảng Hình ảnh của Samsung, ông Jonghee Han đã tuyên bố như vậy với báo giới vào tháng 2 năm nay. Nếu nhìn vào tình hình thực tế hiện tại, sẽ không một ai coi đó là lời phóng đại quá đà cả. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường độc lập IHS Markit, đây là năm thứ 13 liên tiếp tính từ 2006, Samsung đứng đầu thị trường TV về cả doanh thu và số lượng sản phẩm bán ra mỗi năm. Còn theo báo cáo của Strategy Analytics, doanh số smart TV toàn cầu năm 2018 đạt 157 triệu đơn vị, chiếm tới 67% lượng TV bán ra. Trong đó, cứ 5 chiếc Smart TV bán ra thì có 1 là chạy Tizen - hệ điều hành của riêng Samsung, đứng thứ 2 là Android TV (cứ 10 chiếc thì có 1 chạy Android TV). Điều này cho thấy vị thế thống trị trên thị trường TV của Samsung là sự thực. Và dải sản phẩm TV QLED 8K mới đây nhất là những viên gạch kế tiếp củng cố thêm cho quyết tâm giữ vững ngôi vương đó của gã khổng lồ Hàn Quốc.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 1.

Mặc dù TV 8K đã xuất hiện từ cách đây vài năm nhưng phải tới cuối năm ngoái, Samsung mới trở thành hãng đầu tiên thương mại hóa dòng sản phẩm này. Trước đó, những khúc mắc về vấn đề thiếu hụt nội dung cũng như khó khăn trong quá trình sản xuất đã ngăn cản các nhà sản xuất TV mở bán TV 8K. Gần như ngay lập tức, thị trường phản ứng tích cực với sản phẩm mới. Cụ thể, dòng sản phẩm TV 8K của Samsung mới chỉ được mở bán tại Hàn Quốc vào tháng 11 năm 2018 nhưng cho đến nay, một nửa trong số những chiếc TV màn hình lớn (kích cỡ trên 65 inch) được bán ra đều là TV 8K, theo lời ông Jonghee Han. Thừa thắng xông lên, Samsung đang lên kế hoạch mở bán dòng sản phẩm này tới Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi… tổng cộng có tới 60 quốc gia nằm trong kế hoạch ra mắt TV 8K, trong đó có Việt Nam.

Nhìn thật kỹ, để thấy rằng dòng TV 8K mới nhất là tổng hòa của những gì tinh túy nhất Samsung gửi gắm vào chiếc TV, và đại diện cho 3 mũi nhọn giúp họ có được vị thế trên thị trường TV hiện tại.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 2.

Dòng TV QLED 8K mang mã hiệu Q900 mới nhất là kết tinh của rất nhiều công nghệ hiện đại, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phần cứng cao cấp và phần mềm được tinh chỉnh kỹ lưỡng. Với 4 kích cỡ từ 65 inch cho tới 98 inch, cả 4 mẫu TV QLED mới nhất đều được phủ một lớp chấm lượng tử - Quantum Dot có kích thước nano để chuyển đổi ánh sáng thành màu sắc. Chấm lượng tử là những hạt phân tử cực nhỏ với những đặc tính riêng, có thể sáng lên khi nhận điện năng. Kích cỡ của hạt sẽ quyết định sóng ánh sáng – màu mà hạt sẽ phát ra. Hạt nhỏ sẽ tạo ra màu xanh dương, lớn hơn một chút thì hạt sẽ phát ra màu xanh lá, kích cỡ tăng lên một chút thì nó sẽ tạo ra màu đỏ. Bằng cách này, tấm nền TV sử dụng công nghệ chấm lượng tử - Quantum Dot (được Samsung gọi là QLED) sẽ có khả năng tái tạo 100% dải màu sắc theo chuẩn của VDE (Đức), thể hiện chính xác sắc màu trong cuộc sống.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 3.

Bên cạnh màu sắc rực rỡ, TV QLED còn có thể tái tạo được màu đen sâu thẳm đúng nghĩa nhờ công nghệ làm tối cục bộ Full Array Local Dimming (FALD). Màu sắc và những điểm trắng trông sáng, sinh động hơn hẳn trong khi màu đen sâu thẳm hơn và không bị mờ. Samsung đã thiết kế lại hoàn toàn tấm nền LCD để ngăn chặn tình trạng hở sáng – từng được coi là điểm yếu của công nghệ màn hình LCD. Tất cả là nhờ cách kiểm soát ánh sáng cũng như mở rộng góc nhìn mới của Samsung. TV QLED do đó có thể tạo nên "độ tương phản vô cực " – với bộ đèn nền LED có khả năng làm tối cục bộ và một một thuật toán chỉ bật đèn ở những phần có màu của hình ảnh.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 4.

Những tiến bộ về phần cứng đã được nhắc đến trong những năm 2017, 2018, khi TV QLED mới ra mắt. Còn trong năm 2019, sức mạnh phần cứng mới thực sự đạt đến đỉnh cao khi kết hợp cùng phần mềm: Samsung lần đầu tiên công bố áp dụng Trí tuệ nhân tạo lên chiếc TV. Để thực hiện được điều đó, Samsung trang bị cho dòng Q900 một bộ vi xử lý có thể nói là thuộc hàng mạnh mẽ nhất hiện nay: Quantum Processor 8K. Nhiệm vụ của bộ vi xử lý này đó là giúp cho chiếc TV có khả năng “học hỏi”. Để dễ hình dung, những chiếc TV thường sẽ làm những điều mà bạn yêu cầu, còn chiếc TV QLED 8K mới của Samsung có khả năng học hỏi những gì bạn yêu cầu nó làm để lần tới, xử lý một cách thông minh hơn.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 5.

Đáng kinh ngạc hơn, nhờ khả năng học hỏi đó chiếc TV QLED 8K lại có thể làm được điều mà không một dòng TV nào khác trên thị trường có được: nâng cấp hình ảnh từ bình thường lên sát với độ phân giải 8K. Cụ thể, các kỹ sư của Samsung đã cho chiếc TV “xem” và “học” từ hàng triệu hình ảnh, video khác nhau để nó có khả năng hiểu biết và phân biệt vật thể. Từ hình ảnh được phát bình thường, chiếc TV sẽ “hiểu” cần phải khử răng cưa chỗ này như thế nào, làm mịn hình ảnh chỗ kia ra sao. Kết quả thu được rất ấn tượng, nhiều chuyên gia trên thế giới đã nhận định hết sức tích cực về hình ảnh “sau khi nâng cấp” trên TV 8K của Samsung. TrustedReviews nhận xét “Hình ảnh 8K thực tế trên TV QLED mới là vô cùng ấn tượng, nhưng điều bất ngờ là cả hình ảnh được nâng cấp lên 8K cũng tuyệt vời không kém”. AVForums tin rằng Samsung đã giải quyết được bài toán thiếu hụt nội dung: “Dù thiếu nội dung 8K nhưng chiếc Q900R lại sở hữu khả năng nâng cấp và xử lý hình ảnh, video hoàn hảo, vậy là đủ”.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 6.

Samsung luôn bộc lộ quyết tâm trở thành nhà sản xuất TV đi đầu trong việc mở rộng kích cỡ màn hình. Năm 2013, hãng giới thiệu chiếc TV UHD với kích cỡ không tưởng 110 inch và đến năm 2014 lại ra mắt thêm chiếc TV màn hình cong độ phân giải UHD kích cỡ lên tới 105 inch. Không dừng lại ở đó, Samsung năm nay còn tung ra 2 mẫu TV sử dụng công nghệ của tương lai MicroLED với kích cỡ lên tới 219 inch (năm ngoái là 146 inch). Mặc dù những mẫu TV trên mới ở giai đoạn hậu thử nghiệm và chưa được bày bán chính thức, nhưng điều đó cũng góp phần khẳng định Samsung luôn muốn mình là người đi đầu trong việc sản xuất các mẫu TV với kích cỡ lớn phi thường. Mẫu TV QLED 8K 98 inch được thương mại hóa lần đầu tiên cho thấy quyết tâm đó của họ.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 7.

Việc sản xuất một tấm nền LCD có kích cỡ lên tới 98 inch là điều rất khó khăn, nhưng nó còn khó khăn hơn gấp bội khi bạn muốn phủ những tinh thể nano chấm lượng tử lên 33 triệu điểm ảnh trên đó (tương ứng với độ phân giải 8K). Vượt qua được những trở ngại vô cùng lớn này về phương diện sản xuất, những chiếc TV QLED 98 inch mới được phép xuất xưởng và bán ra thị trường. Vì thế, mặc dù có thể khiến nhiều người bị sốc, nhưng với những người hiểu về quy trình sản xuất TV, không ai thấy bất ngờ khi mức giá phiên bản cao nhất này được đặt giá lên tới 2,3 tỷ VNĐ. Công bố với thế giới chiếc TV kích cỡ “khủng” kèm mức giá như vậy là cách để Samsung khẳng định đẳng cấp và vị thế của mình trên thị trường TV.

Hơn nữa, sản xuất TV màn hình lớn còn phù hợp với xu thế thị trường. Theo IHS Markit, doanh số các dòng TV cỡ lớn từ 65 inch trở lên tăng mạnh, đạt 16 triệu đơn vị trong năm 2018 (năm 2017, con số này chỉ là 11,43 triệu đơn vị, năm 2016 chỉ là 8,08 triệu). Rõ ràng, người dùng đang ngày càng hướng tới các mẫu TV có kích cỡ lớn hơn.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 8.

Cách mạng thiết kế của Samsung đến từ sau “quả đấm thép” của Chủ tịch Lee Kun-hee vào năm 1996. Trước giai đoạn đó, đồ điện tử của Samsung không được đánh giá cao và không có “chất” riêng về mặt thiết kế, không tạo được dấu ấn trên thị trường. Chủ tịch Lee Kun-hee khi đó nhận ra rằng để trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới, Samsung phải là một người khổng lồ về thiết kế. Ông tin rằng “đây sẽ là chiến trường tối thượng cho cạnh tranh toàn cầu vào thế kỷ 21”.

Đó cũng là lúc Samsung thay đổi hoàn toàn về tư duy thiết kế, trở thành lá cờ đầu trong lĩnh vực này cho tới tận bây giờ. Từ năm 1996 trở đi, Samsung tuyển dụng hàng loạt nhân sự thuộc các trường Đại học, Cao đẳng hàng đầu về thiết kế lúc bấy giờ và đặt ra 3 chương trình đào tạo ngay trong công ty, liên quan đến thiết kế. Chương trình đầu tiên dành cho các nhà thiết kế in-house, chương trình thứ 2 dành cho sinh viên, người mới tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng và chương trình thứ 3 dành cho nhân viên thử việc. Điều quan trọng nhất, sau khi tuyển dụng hàng loạt nhân sự như vậy, Samsung đã tìm cách để bản thân nội bộ công ty hình thành nên văn hóa coi trọng thiết kế.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 9.

Chiếc TV QLED 8K mới nhất là điển hình cho đỉnh cao thiết kế hình thành từ văn hóa Samsung. Bằng cách sử dụng thiết kế tối giản, chiếc TV với kích cỡ đồ sộ (nhỏ nhất là 65 inch) vẫn có thể được đặt vừa vặn và khéo léo trong gian phòng khách mà không hề phá vỡ đi bố cục căn phòng. Giải pháp One Invisible Connection - tối giản kết nối giữa thiết bị và TV bằng cách gộp toàn bộ dây nối trở thành một sợi cáp mảnh duy nhất, được làm mỏng dẹt gần như biến mất vào môi trường xung quanh, giúp cho TV QLED 8K trở nên vô cùng gọn gàng và việc lắp đặt trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Nhưng ấn tượng nhất là cách Samsung xử lý được vấn đề mảng đen. Sự thực là: TV càng lớn sẽ mang tới một vấn đề cũng lớn không kém: khi tắt, mảng đen của chiếc TV sẽ trở thành điểm trừ cho căn nội thất sang trọng của gia chủ. Đây là điều mà những người dùng ở tầng lớp cao cấp không hề mong muốn. TV QLED 8K giải quyết trọn vẹn vấn đề này bằng chế độ Ambient Mode thú vị. Khi không sử dụng nữa, chiếc TV QLED sẽ trở thành một bức tranh treo tường, hoặc hiển thị hình ảnh tĩnh theo ý chủ nhân (có thể lấy từ kho hình ảnh khổng lồ do Samsung cung cấp), hoặc đơn giản hơn là trở thành “tàng hình”, hòa lần với không gian xung quanh.

3 mũi nhọn giúp Samsung giữ vững sự thống trị trên thị trường TV - Ảnh 10.

Mọi chiếc TV trên thị trường đều tìm cách để “mỏng đi, nhẹ hơn” nhưng không một nhà sản xuất nào nghĩ tới việc làm cho TV “biến mất” như cách Samsung làm với TV QLED 8K mới nhất cả. Điều này cũng thể hiện tư duy thiết kế vượt trội của thương hiệu Hàn Quốc trong sáng tạo và xây dựng sản phẩm.

Đi đầu về công nghệ, kết hợp với việc bắt trúng xu hướng tâm lý thị trường chuyển dần sang màn hình lớn, đồng thời giữ vững tinh thần thiết kế phục vụ người dùng từ năm 1996, Samsung đang cho thấy họ đã sẵn sàng để giữ ngôi vương thị trường TV thế giới thêm một lần nữa, vào 2019 này.

Hà Phạm
Tom
Theo Trí Thức Trẻ25.04.09

Theo Hà Phạm Thiết kế: Tom

Trí thức trẻ

Trở lên trên