img

Ngày 26/3/1988, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) được thành lập theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tại Nghị định số 53-HĐBT. Năm 1990, Agribank bắt đầu hoạt động với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, vừa cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường dựa trên nguyên tắc "đi vay để cho vay" và nông nghiệp, nông thôn, nông dân là thị trường chủ yếu.

Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 214/QĐ-NHNN phê duyệt việc chuyển đổi hình thức sở hữu của Agribank từ Doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Trong suốt 35 xây dựng và phát triển, ngân hàng luôn đóng vai trò là chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, phổ cập dịch vụ tài chính đến vùng sâu vùng xa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 1.

Agribank là ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Dư nợ cho lĩnh vực này luôn chiếm 65-70% trong tổng dư nợ tín dụng của nhà băng này. Bởi vậy, khi nhắc đến "ngân hàng của nhà nông", người ta sẽ nghĩ ngay đến cái tên Agribank.

Hiện nay Agribank đang cho vay theo Nghị định số 55 ngày 09/6/2015 nay là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổng dư nợ đến cuối tháng 02/2023 là 904,589 tỷ đồng với gần 2,8 triệu khách hàng.

Ngân hàng cũng đang triển khai các chương trình tín dụng chính sách và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững: Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo quyết định số 63, 65, 68/QĐ-TTg của Chính phủ; Cho vay hộ nghèo đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN; Cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP…

Chẳng hạn như Chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo, thực hiện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Agribank đã thực hiện cho vay với dư nợ lũy kế đến cuối tháng 02/2023 là 458 tỷ đồng, cho 3.749 khách hàng, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,74% đã góp phần giúp đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn cho vay của Agribank đã "phủ" đến 100% số xã trong cả nước, trong đó trên 50% nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp giúp nâng cao các giá trị mặt hàng nông sản chủ lực. Dư nợ cho vay của Agribank cho chương trình này đến cuối tháng 12/2022 đạt 611,864 tỷ đồng, số khách hàng là hơn 2,1 triệu và tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,79%. Sự đóng góp tích cực của Agribank đã giúp cả nước có 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn nông thôn mới tính đến hết năm 2022.  

Năm 2021 khi đại dịch Covid-19 tạo nên cú sốc chưa từng có, Agribank đã thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch với quy mô 100.000 tỷ đồng; miễn giảm phí thanh toán; cho vay ưu đãi khách hàng doanh nghiệp lớn quy mô 30.000 tỷ đồng; giảm 20% lãi suất cho vay đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.… Song song với đó, ngân hàng cũng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, miễn phí dịch vụ gồm: miễn 100% phí chuyển tiền, 100% phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp, giảm phí rút tiền tại ATM,…

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 3.

Năm 2022, ngân hàng chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Năm 2023, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ biến động trên thị trường quốc tế, song mới đây Ngân hàng dành hơn 100 nghìn tỷ đồng và 500 triệu USD để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh;…

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 4.

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 5.

Với nhiều thành tích xuất sắc và đóng góp lớn của mình trong quá trình 35 năm xây dựng và phát triển, Agribank đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (2018); Huân chương độc lập Hạng Nhì (2008); Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (2003); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội; Danh hiệu ngân hàng vì cộng đồng… Trong dịp chào mừng kỉ niệm 35 năm ngày thành lập, Agribank vinh dự được tặng Huân chương lao động hạng Nhất về thành tích xuất sắc trong công tác cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xóa đói giảm nghèo.  

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 6.

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 7.

Agribank thực hiện đồng thời 2 mục tiêu, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị là đầu tư chủ lực cho nông nghiệp, nông thôn, vừa cung cấp nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển nền kinh tế và hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường. Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh của Agribank luôn đạt hiệu quả, tạo ra lợi nhuận và từ đó đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Sáu năm liền, Agribank nằm trong Top 10 Danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Còn nhớ thời điểm mới thành lập, Agribank phải đối mặt với muôn vàn thách thức và trọng trách nặng nề. Những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, khách hàng là các doanh nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã phần lớn làm ăn thua lỗ, sáp nhập giải thể, tự tan rã,… Tỷ lệ nợ xấu Agribank có thời điểm lên tới hơn 10%. Tổng tài sản ngân hàng khi đó chưa tới 1.500 tỷ đồng, tổng nguồn vốn 1.056 tỷ, trong đó vốn huy động chỉ chiếm 42%, còn lại 58% phải vay từ Ngân hàng Nhà nước. Tổng dư nợ của ngân hàng là 1.126 tỷ đồng, trong đó 93% là cho vay ngắn hạn.

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 8.

Sau 35 năm, Agribank hiện nay là một ngân hàng thương mại hiện đại, đi đầu trong việc thực thi chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNN, là công cụ quan trọng của Nhà nước, NHNN góp phần ổn định thị trường tiền tệ, đồng hành và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của Agribank đã đạt trên 1,89 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,71 triệu tỷ. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, nằm trong Top dẫn đầu của hệ thống NHTM, trong đó 65% dư nợ là đầu tư "Tam nông". Ngân hàng luôn kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu nhiều năm qua ở dưới mức 3% theo quy định của NHNN.

Xét về độ phủ sóng, Agribank là ngân hàng có mạng lưới hoạt động lớn nhất hiện nay với trên 40.000 cán bộ nhân viên, 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch. Trong khi hầu hết các ngân hàng thương mại tập trung mạng lưới giao dịch ở các thành phố với tiềm năng kinh doanh lớn, Agribank xây dựng mạng lưới phủ sóng toàn quốc với những chi nhánh, phòng giao dịch đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là ngân hàng thương mại duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo. Điều này đã thể hiện sứ mệnh cao cả mà Agribank đang thực hiện trong việc tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các SPDV ngân hàng hiện đại, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 9.

Agribank triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, tạo điều kiện thuận lợi đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngânhàng. Đến nay, ngân hàng đã triển khai phục vụ được hơn 1,4 triệu lượt khách hàng theo mô hình này. Song song với đó, Agribank đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ thấu chi cho bà con nông dân với nhiều chính sách ưu đãi, thủ tục đơn giản và linh hoạt. Từ đó, Agribank góp phần lớn đẩy lùi nạn "tín dụng đen" tại nhiều địa phương trên toàn quốc.

Với quy mô và hiệu quả hoạt động như vậy, Agribank là thương hiệu thường xuyên xuất hiện ở vị trí top đầu ở các bảng xếp hạng thương hiệu lớn trong và ngoài nước nhiều năm qua. Mới đây, Moody’s đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng của Agribank từ "ổn định" lên "tích cực". Tại Bảng xếp hạng 500 Thương hiệu ngân hàng giá trị lớn nhất toàn cầu, Agribank đứng thứ 157, tăng 16 bậc so với năm 2021, xếp hạng cao nhất trong 11 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam được xếp hạng toàn cầu năm 2022. Brand Finance cũng xếp Agribank ở vị trí thứ 6/50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2022 bởi sự duy trì đà tăng trưởng ổn định với giá trị tăng trưởng 22%, duy trì vị trí thương hiệu ngân hàng giá trị nhất Việt Nam với định giá 1,412 tỷ USD. 13 năm đứng trong TOP10 VNR500 và giữ vị trí quán quân trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.  

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 10.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, Agribank từ sớm đã xác định chuyển đổi số là bước đi chiến lược đúng đắn và quan trọng góp phần giúp ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc ứng dụng công nghệ, số hóa hoạt động giúp Agribank chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một ngân hàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của khách hàng.

Agribank hiện đang cung ứng hơn 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích, tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số thông qua việc liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số nhằm đơn giản hóa quy trình, nâng cao tiện ích cho khách hàng. Agribank là một trong những ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ định danh điện từ eKYC góp phần đơn giản hóa quy trình, giúp khách hàng có thể mở tài khoản hoàn toàn theo phương thức trực tuyến.

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 11.

Ngân hàng cũng đã ra mắt và triển khai sản phẩm thẻ chip nội địa theo chuẩn VCCS, sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay, tích hợp hai ứng dụng thẻ ghi nợ và tín dụng trên cùng một chip, giúp khách hàng linh hoạt và chủ động trong lựa chọn phương thức thanh toán.

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 12.

Ứng dụng Ngân hàng số Agribank Digital là sản phẩm công nghệ chủ chốt của Agribank, cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Trong lĩnh vực tài chính công, Agribank là một trong các ngân hàng đầu tiên triển khai phối hợp với các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước. Tiên phong triển khai  thanh toán hóa đơn điện tử, thu hộ học phí…

Không chỉ số hóa sản phẩm, dịch vụ, cán bộ nhân viên Agribank cũng được chú trọng đào tạo để nắm bắt sự thay đổi công nghệ, từ đó tư vấn và phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. "Khách hàng là trung tâm" đã trở thành kim chỉ nam trong mọi hoạt động của Agribank thời gian qua.

Với những nỗ lực không ngừng, các sản phẩm số của Agribank thời gian qua đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Tiêu biểu như Hệ thống thanh toán giá trị thấp thời gian thực của Agribank đã được vinh danh tại hạng mục "Sản phẩm công nghệ số tiêu biểu" và Hệ thống hạ tầng thanh toán tập trung của Agribank được vinh danh tại hạng mục "Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc" của Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022.

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 13.

Trong chặng đường sắp tới, Agribank cho biết sẽ quyết tâm cùng ngành ngân hàng thực hiện hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhà băng này đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư công nghệ thông tin vào các sản phẩm, dịch vụ tiện ích của ngân hàng để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đặc biệt là đối tượng khách hàng truyền thống khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại nhất.

Agribank – Hành trình 35 năm - Ảnh 14.

An An
Hương Xuân

Ánh Dương

Tổ quốc

Trở lên trên