Tôi được biết anh từng có ý định làm một kiến trúc sư nhưng lý do nào khiến anh cuối cùng lại gắn bó với nghề nha khoa thẩm mỹ như hiện nay?
Ngay từ ngày còn nhỏ tôi đã thích những công việc liên quan đến sự khéo léo của đôi bàn tay. Tôi thích vẽ, thích đàn, thích nặn đất… nên ngày học phổ thông tôi đã đi học vẽ với dự định sẽ thi vào trường kiến trúc để trở thành một kiến trúc sư tương lai. Bước ngoặt để đển với công việc hiện tại chính là vào thời điểm giữa năm lớp 11, cô giáo chủ nhiệm nhận thấy tôi học tốt môn sinh học nên đã đưa tôi vào danh sách đội tuyển thi quốc gia môn sinh. Rất may mắn là tôi đã đoạt được giải 3 thi quốc gia năm 2001 và được tuyển thẳng đại học. Tôi chọn ngành nha khoa thẩm mỹ vì nghề này đòi hỏi tính tỉ mỉ, phù hợp với khả năng của mình. Lỡ dở với nghề kiến trúc sư cũng là bởi lý do này (cười).
Đó có phải là lý do khiến anh từ chối không ít ca làm răng sứ?
Chủ yếu là như vậy. Nếu như kiểm tra các điều kiện của bệnh nhân đều tốt thì có thể làm răng sứ được. Còn nếu khi họ há miệng mà khớp kêu lục khục, bị lệch miệng hoặc hay bị đau nửa đầu, đau thái dương, đau vai gáy nhiều thì cần có sự lựa chọn khác toàn diện hơn cho sức khỏe. Tôi thường từ chối bệnh nhân trong trường hợp các bạn trẻ răng mọc lộn xộn, vì làm răng sứ sẽ phải can thiệp chữa tủy rất nhiều. Hoặc những bệnh nhân mà chiều cao và chiều rộng của răng không tương xứng thì cũng khó đạt được kích thước tối ưu cho một răng sứ đẹp. Hoặc có những người răng đã đẹp sẵn rồi thì thay bằng việc làm răng sứ họ nên đi tẩy trắng hay dán veneer, làm như vậy sẽ giữ gìn được vẻ đẹp tự nhiên của răng thật mà ít phải can thiệp công nghệ.
Tuy từ chối không ít khách hàng nhưng tôi được biết số răng anh đã làm gấp rất nhiều lần so với tuổi nghề của anh?
Tôi bắt đầu công việc này đến nay là được 12 năm, số lượng những chiếc răng sứ tôi đã xử lý chắc tầm 12.000 chiếc, gấp 1.000 lần.
Anh có nghĩ đến lý do tại sao nhiều khách hàng tìm đến mình như thế không?Điều này có phải do chính sách dịch vụ của trung tâm có sự khác biệt?
Vì Trung tâm Nha khoa thẩm mỹ Smile Care có một điều rất khác biệt đó là hợp đồng điều trị cho từng khách hàng. Nên chúng tôi đặc biệt chú ý theo dõi và chăm chút cho từng ca răng thẩm mỹ. Thông thường bác sỹ lắp một hàm răng sứ mất khoảng 3 - 4 giờ, nhưng tôi lắp thì mất thời gian khoảng hơn 12 giờ, thực sự là rất lâu (cười).
Thời gian trung bình để hoàn thành một bộ răng sứ gấp 3 lần so với thông thường. Công đoạn nào khiến anh tốn nhiều thời gian đến thế?
Làm răng sứ muốn đẹp tự nhiên thì cần tôn trọng sự cá nhân hóa của mỗi khuôn mặt, vì vậy tôi không sử dụng các phần mềm công nghệ để khiến hàm răng đều chằn chặn rất mất tự nhiên. Tôi không muốn bệnh nhân của mình sau khi làm răng xong mà do vấn đề kỹ thuật răng bị hỏng, bị vỡ. Do vậy, tôi chủ yếu dành nhiều thời gian để căn chỉnh đường hoàn tất giữa răng thật và răng sứ, chỉnh khớp, đảm bảo tính thẩm mỹ sao cho nhìn bộ răng cảm thấy tự nhiên nhất. Thay bằng việc lắp liên tục cả hàm rồi căn chỉnh như thông thường thì tôi lắp từng chiếc một, kiểm tra xem khu vực kết nối răng cũ và răng mới đã sát khít với nhau chưa. Sau đó tôi mới chiếu đèn để lấy chất rắn ra, xử lý sạch sẽ cái răng này xong thì mới chuyển sang răng khác, bởi vậy nên tốn nhiều thời gian.
Việc xử lý kỹ càng từng chiếc răng được anh thực hành ngay trong những ngày đầu làm việc hay là kết quả của một quá trình dài quan sát sau đó?
Thực ra rất hiếm có bác sỹ nào ngay từ khi bắt đầu làm việc đã hoàn thiện ngay được các kỹ năng. Tôi đã dành nhiều thời gian quan sát, nghiên cứu và tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân để hoàn thiện hơn tay nghề. Cũng có ca tôi buộc phải đối mặt với thất bại, nhưng bù lại tôi tích lũy được kinh nghiệm kha khá.
Anh có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện đó không?
Trong thời gian đầu tiên đi làm tôi đã gặp một bệnh nhân muốn làm lại răng sứ. Trước đây chị ấy đã làm răng ở Pháp rồi nhưng vẫn không ưng ý. Yêu cầu chị ấy đặt ra cho tôi là làm sao để tìm lại được nụ cười tự nhiên cho chị ấy vào thời điểm cách đó 6, 7 năm. Quả thực là một bài toán khó đối với tôi bởi vì tôi không hề có thông tin về răng cũ của chị ấy như thế nào khi tất cả các răng đều đã bị mài rồi. Tôi vừa tạo hình bằng composite để xem bệnh nhân thích ứng như thế nào, vừa xử lý vấn đề nha chu, khớp cắn, hình thể răng. Mặc dù chị ấy đã kiên trì hợp tác với tôi trong vòng hơn 1 năm nhưng kết quả vẫn không được như kỳ vọng. Tôi liền giới thiệu chị ấy đến một bác sỹ khác trong TP. HCM nhưng anh ấy cũng không đưa ra được phác đồ hiệu quả. Đó là bài học lớn nhất của tôi tính đến thời điểm hiện tại, sau đó tôi luôn cố gắng để bệnh nhân của mình không còn rơi vào tình trạng như thế nữa.
Như vậy theo anh tiêu chuẩn nào để đánh giá một bộ răng sứ thẩm mỹ đẹp?
Tôi nghĩ cả bộ răng sứ đẹp tự nhiên phải hài hòa với đường nét khung mặt, tạo sự thoải mái cho bệnh nhân trong quá trình phát âm, ăn uống. Thực tế là có nhiều người khi làm răng xong bị viêm lợi, đây chủ yếu là do vấn đề kỹ thuật. Trong quá trình mài răng, bác sỹ phải lấy dấu thật rõ ràng, răng khi mài xong phải đảm bảo thật nhẵn đặc biệt tại đường hoàn tất. Điều này sẽ đảm bảo cho quá trình lắp răng sứ không còn khe hở với răng thật, từ đó gia tăng độ bền cho răng mới.
Nhu cầu làm răng thẩm mỹ ngày càng nhiều, nhưng anh nghĩ những đối tượng nào thì mới nên làm răng sứ?
Đối tượng phù hợp nhất để làm răng sứ thẩm mỹ là họ bị men răng xấu, răng nhiễm màu, răng khấp khểnh nhẹ (ít) hoặc hình thể răng không đẹp, không gặp các vấn đề đặc biệt về khớp thái dương hàm (khớp ở tình trạng ổn định không đau, không há miệng hạn chế).
Được đồng nghiệp đánh giá cao bởi quá trình tự hoàn thiện tay nghề, ngoài việc thực hành nhiều thì anh có tham gia thêm những khóa học ngoài nữa không?
Gần đây tôi đang tham gia một khóa học tại Mỹ, về cơ bản thì nội dung của chương trình lại không liên quan lắm đến răng sứ mà nó mang tính bao quát hơn về lĩnh vực khớp hàm. Việc nhiều người muốn làm răng sứ là xuất phát từ yếu tố thẩm mỹ nhưng xét cho cùng thì đó chỉ là phần ngọn của vấn đề. Phần gốc của vấn đề là làm sao để khách hàng có được một cơ cấu hàm khỏe, đáp ứng được chức năng vận động hàng ngày. Bộ máy nhai của con người không chỉ có mỗi hàm răng mà còn liên quan đến nhiều bộ phận khác nữa. Tôi mong muốn sau khi học xong khóa học này sẽ có cơ hội mở rộng về chuyên môn, chăm sóc sức khỏe răng miệng cho khách hàng được kỹ càng hơn.
Đây có vẻ là một lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới lạ tại Việt Nam đúng không thưa anh?
Mới lạ thì cũng không hẳn, chỉ là có ít người quan tâm thôi. Người Việt Nam không chăm sóc răng tốt nên thường gặp nhiều bệnh lý về răng. Thay bằng việc chỉ tư vấn cho họ khả năng làm răng thẩm mỹ thì tôi sẽ tư vấn được các vấn đề tổng thể về khớp hàm, mang đến sự dễ chịu cho bệnh nhân khi cải thiện được khả năng nhai, ngoài ra còn gia tăng yếu tố thẩm mỹ tự nhiên cho họ.
Để người Việt có ý thức chăm sóc răng miệng tốt hơn không thể chỉ diễn ra trong ngày một, ngày hai. Anh có lường trước được những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt trong tương lai không?
Con đường này không mạo hiểm nhưng lại chông gai (cười). Răng sứ thẩm mỹ đáp ứng được tiêu chí làm đẹp và thực tế thống kê có đến 90% bệnh nhân sẽ thích ứng được với răng sứ. Nhưng kéo theo đó là sự không thoải mái trong quá trình sử dụng bởi vì răng sứ làm thay đổi khớp cắn của bệnh nhân và không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Có những bác sỹ khi học khóa học này đã ý thức được việc căn chỉnh một khớp hàm hài hòa có tác động tích cực như thế nào đến sức khỏe của con người. Có người thậm chí đã từ bỏ công việc làm răng sứ mà quay sang chuyên môn về khớp hàm. Còn tôi thì xác định là mình cần kiên trì hơn nữa trong quá trình tư vấn cho bệnh nhân để kết quả cuối cùng là họ không chỉ có một hàm răng đẹp tự nhiên mà còn có hệ thống khớp hàm hoạt động tốt, mang lại sự thoải mái trong quá trình hoạt động.
Xin cảm ơn anh về những thông tin hữu ích liên quan đến răng sứ thẩm mỹ. Chúc anh sớm đạt được thành công trên con đường đã chọn!
Trí Thức Trẻ