img

Clip toàn cảnh trường Marie Curie

Bạn đang tìm một ngôi trường “đẹp-như-ở-Tây” cho con? Vậy đây chính là sự lựa chọn tuyệt vời! - Ảnh 2.

Vốn đã bị đóng khung trong đầu hình ảnh những ngôi trường thừa bê tông nhưng thiếu cây xanh và khí trời, nên khi bước chân vào cổng trường Marie Curie, tôi thấy mình thở phào một hơi thật dài, như thể để khẳng định chắc chắn rằng, đây là một trường học chứ không phải một công trình kiến trúc cần gây ấn tượng như bảo tàng hay nhà triển lãm nghệ thuật nào đó.

Bước chân qua cổng trường lớn - cổng Trường Sa, trước mắt tôi là những khối nhà trắng lớn cao tới 8 tầng, mặt bằng chẳng giống bất cứ nào ngôi trường nào mà tôi từng thăm quan trước đó. Nhìn khoảng sân rộng, những tiểu cảnh hài hòa như thác nước, hồ cá, cây xanh,... rồi những cô bé, cậu bé mặc đồng phục, má thì hồng rực bởi mải mê nhảy nhót cổ vũ bóng đá hay luyện tập bóng rổ dưới sân trường, tôi thấy lòng rạo rực hẳn lên sau một hành trình đi tìm trường cho con đầy căng thẳng và mệt mỏi.

Đã từng đọc một số thông tin từ trước về trường Marie Curie, đọc những câu chuyện về hoài bão của thầy Hiệu trường Nguyễn Xuân Khang về một ngôi trường mơ ước cho học sinh Marie Curie, nhưng khi đứng giữa quảng trường đầy ánh sáng, bóng mát và năng lượng tỏa ra từ những cô cậu học trò khỏe khoắn, hồn nhiên, tôi vẫn thấy bị choáng ngợp và cảm nhận rất rõ rằng: Ngôi trường xinh đẹp này hẳn đã được xây dựng nên với rất nhiều tâm huyết và tình yêu của những người sáng lập.

Hành trình xây dựng nên ngôi trường mơ ước này chứa đựng cả một câu chuyện dài về tình yêu và sự gắn bó cũng như tâm huyết của những người sáng lập. Hai kiến trúc sư trưởng của công trình trường Marie Curie là KTS Lê Duy Khoa và KTS Nguyễn Việt Nam, con trai của thầy Nguyễn Xuân Khang. Cùng các cộng sự của mình, anh đã dồn hết tinh hoa và tình yêu của mình để làm nên một công trình kiến trúc ấn tượng nhưng giàu tính nhân văn, để biến những ấp ủ lớn lao của cha mình - thầy Nguyễn Xuân Khang trở thành hiện thực. Ngay sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng năm 2014, công trình trường Marie Curie đã đoạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia của năm. Và tôi nghĩ, mỗi một học sinh của trường cũng đã tự trao cho ngôi nhà thứ hai của mình giải thưởng quý giá hơn rồi, đó là giải thưởng "ngôi trường trong mơ".

Bạn đang tìm một ngôi trường “đẹp-như-ở-Tây” cho con? Vậy đây chính là sự lựa chọn tuyệt vời! - Ảnh 5.

Là một người mẹ đang đi tìm trường cho con vào lớp 1, điều khiến tôi băn khoăn nhất có lẽ là Marie Curie là một trường liên cấp. Việc các em học sinh tiểu học học cùng với các anh chị cấp Hai, cấp Ba khiến cho tôi cảm thấy lo lắng khi con có thể sẽ tiếp xúc với những hành vi, cách bộc lộ tình cảm, quan điểm đang thời kì "ẩm ương" của các anh chị từ sớm. Nỗi lo đó giảm đi phần nào khi tôi được cô phụ trách tuyển sinh giới thiệu về cấu trúc phân chia cấp học của các tòa nhà trong trường.

Riêng một khối tòa nhà bên trái nhìn từ cổng trường là dành cho khối Tiểu học, để thuận tiện cho việc di chuyển vui chơi của các con, một sân chơi thiết kế ngay phía trước trên tầng lửng vô cùng rộng rãi được gọi là "rừng trúc". Khối cấp Hai, cấp Ba chia nhau hai block phòng học còn lại, trong đó khối cấp Ba tập trung học ở hai tầng cao nhất - tầng 7, tầng 8. Để thuận tiện cho việc đi lại và an ninh, nhà trường bố trí rất nhiều thang máy với camera giám sát trong thang 24/24h. Bóng mát của những cây trúc vươn cao và không gian vui chơi ngoài trời sáng tạo và việc đảm bảo an toàn cho học sinh cẩn thận này thực sự là một "điểm cộng" khiến tôi cảm thấy an lòng.

Bạn đang tìm một ngôi trường “đẹp-như-ở-Tây” cho con? Vậy đây chính là sự lựa chọn tuyệt vời! - Ảnh 7.

Đầu tiên phải kể đến cổng trường là cổng Trường Sa - Hoàng Sa. Cổng Trường Sa vươn dài bề thế, cổng Hoàng Sa xanh mát bóng cây. Các cổng chính đều được làm từ một loại gỗ tốt nhất, qua xử lý để có thể chống chọi với thời tiết trong vòng ít nhất 10 năm. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang tâm sự: "Thầy muốn hằng ngày, mỗi khi bước vào cổng trường là một lần các em được nhắc nhở về những quần đảo thân yêu của tổ quốc ở Biển Đông. Có lúc sóng gió, có lúc bị đe dọa, có lúc bị lấn chiếm phi nghĩa nhưng thế hệ các em phải có trách nhiệm giữ gìn những quần đảo thân yêu này".

Sảnh piano cũng là một không gian đầy bay bổng và tràn đầy cảm hứng. Các trụ lớn trên sảnh được ốp đá đầy nghệ thuật để khắc họa chân dung của các nhà soạn nhạc cùng năm sinh - năm mất. Đây là nơi vui chơi tự do của học sinh, khiến cho các em có cảm giác như những nốt nhạc du dương vang lên theo mỗi bước chân của mình. Được biết, thay vì sử dụng tiếng trống báo hiệu giờ nghỉ giữa giờ của học sinh tiểu học, các bản nhạc không lời sẽ vang lên để báo hiệu giờ nghỉ đã đến.

Không gian cho các hoạt động thể chất cũng là một điểm nhấn tuyệt vời của trường Marie Curie. Với phương châm phát triển thể chất là nền tảng vững chắc và "bệ phóng" quan trọng nhất của hành trình học tập, các nhà thể chất, sân bóng rổ, bóng đá, khu đồi vui chơi ngoài trời chiến phần lớn diện tích mặt bằng của trường và là không gian luôn sôi nổi, luôn "sống" với đầy ắp những nụ cười rạng rỡ, những giọt mồ hôi, và những thử thách được chinh phục của học sinh.

Bạn đang tìm một ngôi trường “đẹp-như-ở-Tây” cho con? Vậy đây chính là sự lựa chọn tuyệt vời! - Ảnh 9.

Có tận mắt đi thăm trường mới thấy cơ sở vật chất của các phòng học cũng được chăm chút từng li, từng tí. Bàn ghế phù hợp với từng cấp học, lan can thép chắc chắn, khoảng cách nan ban công rất hẹp và chiều cao tới ngang ngực của người lớn, đủ để người lớn yên tâm khi lũ trẻ chạy nhảy hay đứng quan sát các hoạt động thể thao đang diễn ra từ lan can. Phần ôm của khối phòng học là phía Tây, qua 12 giờ sẽ rất nắng, nên một hành lang rộng được thiết kế để nắng không chiếu trực tiếp vào lớp học. Đặc biệt ở lan can mỗi lớp học còn được lắp một tấm kính màu nho nhỏ hay cột nhà cũng được ốp những viên gạch màu sắc khiến khối phòng học sống động, màu sắc hơn hẳn.

Nấn ná ở lại trường đến giờ ăn trưa, tôi cảm nhận được sự khác biệt nữa của trường chính là khu căng tin. Nhìn từng tốp học sinh háo hức lựa chọn món ăn cho phần ăn của mình rồi vui vẻ chọn một chỗ ngồi yêu thích để thưởng thức bữa trưa, tôi thấy trước mắt mình hiện ra khung cảnh trường học trong những bộ phim teen Mỹ mà mình từng suýt xoa khi xem. Đặc biệt, trường cũng rất tâm lý khi dành cho khối cấp Ba một căng tin ở trên tầng 8, ngay cạnh khoảng sân trồng rau và những chậu cây cảnh mát mắt. Không gian nhiều cây xanh với góc view thoáng đãng thế này thực sự thu hút được khá nhiều cô cậu đang tuổi cần không gian riêng tư, ngại xuống sân chạy nhảy như lứa tuổi cấp Một, cấp Hai.

Bạn đang tìm một ngôi trường “đẹp-như-ở-Tây” cho con? Vậy đây chính là sự lựa chọn tuyệt vời! - Ảnh 12.

Tôi rất tâm đắc phương châm giáo dục đặt việc rèn luyện thể chất của học sinh lên vị trí ưu tiên số một của Marie Curie. Đó thực sự là một tư duy rất "Tây", khi học sinh được tạo điều kiện để vui chơi thể thao hết mình, mọi lúc mọi nơi. Với một nền tảng thể chất khỏe mạnh, không có gì lạ khi các em hào hứng học tập, say mê sáng tạo với một loạt các câu lạc bộ sở thích của trường. Chương trình học không đặt thành tích học tập thành một mục tiêu nặng nề, nhà trường ưu tiên tạo môi trường, khơi gợi sự sáng tạo tự thân cho học sinh và thông qua các hoạt động ngoại khóa để kết nối nhà trường với học sinh và cha mẹ học sinh. Chương trình tiếng Anh quốc tế cũng được triển khai từ hệ Tiểu học để đảm bảo trang bị cho học sinh vốn ngoại ngữ tốt nhất. Với mức học phí và tiền ăn trung bình hàng tháng khoảng từ 8 đến 10 triệu đồng, mạng lưới xe buýt tỏa rộng khắp Hà Nội, trường Marie Curie thực sự là một sự lựa chọn không phải suy nghĩ quá nhiều cho các bố mẹ.

Xin được kết thúc bài viết bằng một phác họa về trường Marie Curie trong tương lai của em Hoàng Minh Anh, học sinh lớp 9 của trường mà tôi đọc được trong tập san của trường: "Trường sẽ ngày càng hiện đại, giống như các trường cấp Ba trong High School Musical với khuôn viên thật to và đẹp: Thư viện, bể bơi, thang máy, sân bóng rổ, sân bóng đá trong nhà… Marie Curie sẽ đánh bật hoàng loạt các trường khác để trở thành ngôi trường "đình đám" nhất, "đỉnh của đỉnh" và là ước mơ của nhiều thế hệ học sinh, thậm chí vươn đến tầm thế giới…".



Theo Hoài Anh - Hà Trần

Theo Tri Thức Trẻ

Trở lên trên