Một ngày như mọi ngày, tôi đưa con tới trường, hôn con lúc cô nhóc chuẩn bị xoay người bước vội cho kịp giờ học và không quên dặn dò "Chúc con một buổi học vui. Mẹ yêu con". Cùng khi con bước vào lớp, mẹ tôi gọi tới: "Con à, cuối tuần này có về không. Từ Tết đến giờ...". Tôi nói hơi to: "Con phải đi làm mỗi thứ 7 nên về nhà cũng không được là bao. Đợi ngày nào nghỉ dài dài chút con về. Thế đã mẹ nhé! Con sắp muộn giờ làm. Tối con gọi lại".
Và rồi buổi tối hôm ấy là vòng quay của nấu cơm, dọn dẹp, cùng con học bài và cả công việc ở công sở còn dính dáng tới buổi đêm đã khiến tôi lịm đi trong giấc ngủ muộn. Tịnh không nhớ tới một lời hứa. Vòng quay ấy khá thường lặp lại, thỉnh thoảng nhớ ra tôi lại giục con mình: "Gọi điện cho bà đi con", con tôi nhấc máy nói chuyện với bà trong khi tôi vẫn đang nấu bữa tối...
Nhưng đến hôm nay, khi facebook của cô đồng nghiệp đổi hình đại diện màu đen với dòng chữ: "Mẹ ơi, sao bỏ con đi như thế. Con biết phải sao bây giờ...", tim tôi chẳng hiểu sao thắt lại.
Mọi người bàn tán, hoang mang trước tin tức về một vụ tai nạn đã cướp mẹ cô ấy đi, không một lời báo trước. Có lẽ cô ấy không thể ngờ tiếng lạch cạch mở cửa quen thuộc sáng nay lại là âm thanh cuối cùng của mẹ. Có lẽ cô ấy không thể ngờ, người mà cô chỉ cần cất tiếng "mẹ ơi" là lập tức đến bên lại ra đi bất ngờ như thế.
Tôi thấy mình giật mình: Mọi thứ thật vô thường và mẹ tôi cũng đã già.
Tôi chợt nhận ra lần về thăm nhà lần trước tôi vẫn nói lớn tiếng với mẹ. Tôi cũng nhận ra đã rất lâu rồi tôi không nói: "Con yêu mẹ" hay dành cho mẹ một vòng tay ôm. Tôi đã nghiễm nhiên coi rằng mẹ sẽ vẫn ở đấy, chỉ cần tôi lên tiếng, mẹ sẽ đáp lời. Mẹ như bóng cây đại thụ phủ mát đời tôi, và có lẽ cái bóng cây quá lớn ấy khiến tôi quên mất là mình đã được che trong bóng mát để thấy cảm kích và quý trọng.
Thực ra mẹ vẫn luôn ở trong tim này, chỉ có điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến một ngày chia xa như cách cô đồng nghiệp kia đã phải đối diện, để không quên bày tỏ tình yêu thương với mẹ... mỗi ngày.
Tôi nhớ về những ngày còn đi học, khi tôi bị điểm thấp tôi đã buồn biết thế nào nhưng một lời động viên của mẹ là khiến lòng tôi lại có thể bừng sáng mà vui vẻ trở lại. Tôi biết mẹ đã luôn ở đó với cả những vấp ngã tôi đã trải qua, đau với những nỗi đau tôi đã qua lúc thành người lớn, buồn vui với mọi bước đi cùng tôi.
Khi tôi làm mẹ, tôi đã biết chính xác nghĩa của từ "thót tim" khi con tôi lạc khỏi tay mình trong dòng người hỗn loạn ấy. Tôi đã lo lắng với bất cứ biểu hiện nhỏ nào, điên cuồng google rồi nơm nớp lo sợ khi con tôi ốm. Tôi đã hạnh phúc với nụ cười đầu tiên, với câu nói thơ ngây của con, với triết lí "bà cụ non" khi cô bé lớn hơn một chút. Tôi hạnh phúc tràn ngập khi được con trai ôm siết và nói rằng: "Con yêu mẹ nhất". Đó là niềm hạnh phúc được làm mẹ!
Cả trái tim này tôi đã dành cho con mình, mà quên mất mẹ tôi vẫn luôn bao dung ở đó, nhẫn nại chờ những ngày cuối tuần đón tôi về nhà. Nước mắt chảy xuôi, mẹ yêu tôi, tôi yêu con tôi. Tôi cũng yêu mẹ nhưng ngại tỏ bày. Điều duy nhất tôi chắc chắn, đó là tôi biết mẹ vẫn luôn ở đó nguyên vẹn trong trái tim của tôi như khi tôi còn cô bé con nơm nớp lo sợ mẹ già.
Tôi biết hết những buổi mẹ thức thâu đêm khi con ốm, những lo lắng vật lộn về kinh tế nuôi anh em tôi ăn học từng ấy thời gian mẹ đã trải qua. Tôi nghĩ về ngày tôi đi thi vào trường chuyên mất vài ngày. Khi về đến nhà tôi mới biết mẹ bị rắn cắn vừa qua cơn thập tử nhất sinh. Mẹ đã tưởng mình không qua khỏi và dặn dò hết mọi điều với bố, với anh chị, nhưng nhất quyết không để ai báo tin cho tôi vì sợ tôi dang dở ước mơ của mình.
Tôi nhớ lần đi công tác trước, tôi gọi điện cho mẹ sẽ tạt qua nhà 30 phút. Ấy vậy mà khi về trên bàn ăn đã có đĩa bánh cuốn được xếp ngay ngắn. Mẹ bảo: "Tranh thủ ăn chút đi con. Hàng bánh cuốn quen đầu ngõ con vẫn thích đó". Tôi nghẹn ngào vì vừa rời khỏi bữa tiệc với sơn hào hải vị ê hề. Tôi chạy vào phòng ngủ, chiếc giường quen thuộc gắn với tuổi ấu thơ ấy, mẹ đã bọc bộ ga mới màu xanh, màu tôi thích. Trên bàn khách là bình hoa nhỏ xinh xắn ngay vườn nhà, mẹ biết tôi lãng mạn, thích vẻ đẹp đồng nội của hoa dại... Tất cả như chào mừng tôi về nhà, dù chỉ là 30 phút chớp nhoáng.
Tôi đứng ngây người nhìn thấy thước phim về hình ảnh mẹ tất bật sửa soạn lại nhà cửa, đi mua bánh cuốn, thay bộ ga mới dù biết tôi không ngủ lại nhà... Cảm giác bình yên lan tỏa, niềm hạnh phúc thơ bé ùa về làm tôi xúc động. Nhưng khi bước lên xe về nơi đô thị, tất cả sẽ lại bị cuốn vào quên lãng. Tôi đã cho rằng niềm hạnh phúc ấy nghiễm nhiên tôi được hưởng. Thậm chí tôi nhận ra mình đã về đúng nghĩa thăm nhà mà quên ôm lấy mẹ một cái, dẫu thật nhanh!
Đối với cha mẹ con cái là tài sản lớn nhất nhưng với con cha mẹ là bao nhiêu phần tài sản? Khi hôm nay bạn mải vui với những cuộc hẹn hò mà không về vào buổi sinh nhật mẹ. Khi bạn dành cả tháng lương để mua tặng bạn gái chiếc đồng hồ hàng hiệu nhưng chưa bao giờ mua tặng mẹ chiếc khăn tay. Khi bạn bực mình với bà mẹ già lẩm cẩm mà quên những lời ngọt ngào mẹ hát ru bên chiếc nôi...
Tôi đã nghe chuyện về người mẹ khác vào một ngày cảm thấy gần đất, xa trời, cô ấy nói với chồng: "Anh ơi, em sắp phải đi rồi. Em chẳng tiếc gì đâu, em chỉ tiếc con em thôi. Giá mà em được nhìn thấy con lớn lên, được đưa con đến trường, rồi con mình lấy vợ... Ước gì em sống thêm được vài năm, không, chỉ vài tháng, hay mấy tuần nữa thôi cũng được. Em sẽ mua cho con bộ đồ chơi con thích...". Vậy đấy, "cá chuối đắm đuối vì con", ngay cả khi cái chết cận kề, người mẹ ấy cũng không tiếc thân mình, vẫn chỉ nghĩ cho con thôi.
Tôi cũng từng nghe về câu chuyện của người mẹ nghèo khó, sống vô gia cư, một ngày giá lạnh, qua chiếc cầu thì đến cơn đau đẻ. Cô ấy xuống gầm cầu và tự sinh con ở đó. Sáng hôm sau 1 người phụ nữ khác đang chạy xe qua cầu thì xe bỗng dưng chết máy, khi xuống xe kiểm tra thì cô nghe tiếng khóc nhỏ vang lên đâu đó. Cô ta xuống dưới chân cầu và phát hiện 1 đứa bé được quấn trong những lớp quần áo dày, còn người mẹ đã chết vì lạnh bởi không có 1 mảnh áo che thân.
Một câu chuyện khác tôi cũng từng đọc là về người con bất hiếu coi mẹ già ốm yếu là gánh nặng. Anh ta liền cõng mẹ già lên núi để bỏ lại cho thoát thân. Anh ta cố gắng leo cao hơn nữa để mẹ không thể tự xuống được. Khi quay lại, phát hiện ra mẹ đang rắc một nắm hạt đậu, anh con trai bực mình quát: "Mẹ làm cái gì đó". Mẹ già bảo: "Con ngốc ạ, mẹ sợ chút con xuống núi một mình bị lạc. Chút con cứ đi theo đường hạt đậu này mà đi".
Dù những trường hợp để mẹ phải rắc nắm đậu thế kia thật hi hữu, nhưng con cái dù trưởng thành vẫn là cha mẹ buồn là điều có thật, dù chúng ta có thể không cố ý. Nhưng nước mắt thì vẫn cứ chảy xuôi. Mẹ sẽ yêu con đến hơi cùng, lực kiệt, như đường đi của hạt đậu kia, thứ tha, bao dung và nhân từ như thế.
Một câu quen thuộc văng vẳng lên trong đầu tôi: "Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?". Tôi nhấc điện thoại lên, tiếng trầm ấm của mẹ: "Mẹ đây, nay con tan làm sớm sao? Tối gọi cho mẹ cũng được mà. Sao con lại khóc? Ai làm gì con?". Tôi đã òa như một đứa trẻ: "Mẹ ơi, cuối tuần này con sẽ về nhà. Con xin lỗi. Con... yêu mẹ". Tôi có thể cảm thấy mẹ cũng đang khóc.
"Con yêu ạ, có một cái cây lớn vẫn luôn ở đó che mưa, che nắng cho mẹ mỗi ngày, đấy là mẹ của mẹ. Bà là người tuyệt vời như thế. Sau này con làm mẹ cũng sẽ hiểu lòng mẹ và bà", tôi nói với con gái như thế trên chuyến xe về với mẹ vào một ngày vô tình mà thật đặc biệt.
Không chỉ hôm nay đâu, từ giờ mỗi ngày tôi sẽ đều coi là Ngày của mẹ, để trái tim của mẹ mỗi ngày khi còn đập sẽ được hát hoan ca...
Trí thức trẻ