Kể từ năm 2018, T&T Group liên tục ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn hàng đầu của thế giới ở nhiều lĩnh vực như cảng biển, y tế, nông nghiệp, công nghiệp… để triển khai các dự án lớn. Tại sao lại có sự thay đổi này?
Trải qua 25 năm thành lập và phát triển, T&T Group đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam. Thế nhưng, nếu muốn phát triển bền vững thì chúng tôi phải bắt kịp với xu hướng mới của thế giới, nâng cao năng lực quản trị điều hành trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, để tiếp tục mở rộng nhanh và mạnh, chúng tôi cũng cần những nguồn tài chính rất lớn mà việc huy động ở trong nước sẽ không đáp ứng đủ. Việc tìm kiếm hợp tác từ những tập đoàn lớn nhất trên thế giới ở các lĩnh vực, sẽ giúp T&T Group giải được bài toán này.
Cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển mạnh trên thế giới cũng như Việt Nam, ông đã chuẩn bị gì cho T&T Group trước xu hướng mới này?
T&T Group đang xúc tiến thành lập một trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và mời nhiều giáo sư, tiến sĩ, và các nhà khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu lớn ở một số nước có nền công nghệ tiên tiến trên thế giới về làm việc trực tiếp hoặc cộng tác.
Những nhà khoa học trong lĩnh vực 4.0 đều ở các lĩnh vực mà T&T Group đang kinh doanh như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, môi trường, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng… Họ sẽ là những nhân tố giúp chúng tôi đưa ra một chiến lược phát triển nhanh chóng nhưng bền vững với cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhưng T&T Group vốn không nổi tiếng về đầu tư cho công nghệ, giờ lại có một bước ngoặt khi tiến vào lĩnh vực 4.0 mạnh mẽ. Ông có tính toán gì với định hướng này?
Thực ra tôi xuất thân là dân công nghệ và rất đam mê. Từ thời học phổ thông cũng như đại học tôi đã mơ trở thành nhà khoa học hay nhà nghiên cứu rồi. Tốt nghiệp khoa Vật lý (Đại học Tổng hợp Hà Nội), tôi về Công ty Hanel một năm rồi chuyển sang Viện Công nghệ quốc gia (lúc đó trực thuộc Chính phủ) và có 14 năm làm cán bộ nghiên cứu ở đây.
Khi chuyển sang kinh doanh và bước vào lĩnh vực sản xuất xe máy, tôi quyết định phải sản xuất được bộ phận được coi là trái tim của chiếc xe: động cơ. Tất nhiên là vào những năm 1998-1999, tôi chưa được tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến cũng như chưa đủ tiềm lực tài chính để đầu tư các thiết bị hiện đại. Thế nhưng, tôi luôn khát khao làm mạnh về công nghệ. Cũng xin nói thêm là tên T&T Group nghĩa là Trade (thương mại) & Technology (công nghệ).
Bây giờ khi mình đã có lực rồi, việc tiếp cận công nghệ mới cũng đã có cách thực hiện thì làm thôi. Ở đây tôi xin nói thêm, việc tiếp thu công nghệ mới bắt đầu từ các quy trình quản trị bên trong, từ khát khao muốn đổi mới và bắt kịp xu hướng của thời đại, T&T Group đã có chuẩn bị cho điều đó. Hiện tại, riêng trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi có hợp tác với 25 tập đoàn hàng đầu thế giới, ở TOP 5 trong lĩnh vực của họ.
Việc hợp tác để tiếp thu công nghệ mới với nhiều tập đoàn lớn của thế giới như vậy có rơi vào hình thức hay không nhất là khi T&T Group mở rộng rất nhanh chóng?
Khi ký hợp tác với các tập đoàn lớn của thế giới, chúng tôi xác định rằng, ngoài việc hỗ trợ về công nghệ, quản lý, họ phải bỏ vốn cùng đầu tư dù tỷ lệ có thể không cao. Như ông bà ta đã nói “đồng tiền đi liền khúc ruột”, khi họ cùng xuống tiền với mình, trách nhiệm cho dự án sẽ rất khác. Còn với phía các cán bộ T&T Group, đương nhiên là chúng tôi sẽ tìm cách học tập để có thể độc lập phát triển sau này.
Gần đây nhất, T&T Group ký kết hợp tác đầu tư với tập đoàn xây dựng hàng đầu của Pháp là Bouygues cho Dự án đường sắt đô thị số 3 (1,4 tỷ Euro) và sân vận động Hàng Đẫy (250 triệu Euro). Ông sẽ tìm nguồn vốn cho các dự án này ra sao khi vốn trung dài hạn giá trị lớn như vậy ở trong nước rất khó kiếm?
Trong những chuyến công tác cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, Hà Lan… tôi thấy nguồn vốn từ nước ngoài còn rất nhiều tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư lớn đang muốn đầu tư vào Việt Nam và sắp có một làn sóng mới. Ví dụ như một tập đoàn lớn của Úc đang đầu tư vào năng lượng và hạ tầng tới 357 tỷ USD trên toàn thế giới, sẽ vào Việt Nam.
Đối tác Mỹ của chúng tôi cho biết là họ có nguồn từ 5-10 tỷ USD sẵn sàng đổ vào Việt Nam nhưng cần có các tập đoàn lớn của Mỹ hoặc thế giới với năng lực quản trị, công nghệ và uy tín tốt cùng vào đầu tư thì họ mới quyết định. Tương tự như vậy, đối tác châu Âu ở lĩnh vực năng lượng cũng có nguồn từ quỹ đầu tư trị giá hơn 4 tỷ USD đã sẵn sàng.
Và các tập đoàn nước ngoài đang tìm kiếm các đối tác trong nước như T&T Group để triển khai dự án.
T&T Group có gì hấp dẫn mà nhiều tập đoàn lớn của thế giới muốn ký kết hợp tác đầu tư như vậy?
Trước tiên, Việt Nam là một thị trường đầu tư tiềm năng và họ cần tìm một đối tác tin cậy ở đây để cùng triển khai các dự án. Còn việc vì sao họ chọn T&T Group thì tôi cũng không biết chính xác. Nhưng khi hợp tác với bất kỳ ai, nhất là khi triển khai dự án lớn, các tập đoàn lớn ở nước ngoài đều tìm hiểu rất kỹ quá trình hình thành và phát triển của đối tác. Họ đánh giá về những thành tựu kinh doanh, dự án đã thực hiện và đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cũng như người đứng đầu.
Tôi chỉ chia sẻ rằng, chiến lược của T&T Group là luôn tìm kiếm và tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước và luôn giữ chữ tín với đối tác. Nhiều đối tác không nói với chúng tôi đánh giá của họ về các năng lực của T&T GROUP nhưng bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp cho cộng đồng của chúng tôi, ví dụ như bóng đá.
Vì sao ông lại đầu tư lớn vào bóng đá với việc sở hữu cùng lúc nhiều đội bóng như vậy?
Vào bóng đá phải có tình yêu và khát vọng. Khát vọng đó phải thể hiện ở thành tích cao. Nhưng thành tích cao mà tôi mong muốn không phải kiểu ăn ngay mà là phát triển bền vững và đi từ đào tạo trẻ.
Khi T&T Group mới thành lập CLB đầu tiên ở hạng 3, có ông bầu đề nghị tôi mua CLB của họ để được chơi luôn V-League “chứ đi từ một CLB ở hạng 3 thì đến bao giờ mới lên đẳng cấp cao được” (lời ông bầu kia-PV). Thế nhưng tôi từ chối.
Tôi cũng muốn đội của mình chơi ở đẳng cấp cao và giành chức vô địch nhưng phải có truyền thống, đạo đức, văn hoá riêng. Còn mua ngay một CLB khác thì văn hoá tùm lum tà la, không phải của mình.
Tôi luôn nói với các cầu thủ trẻ: “Các con đang chơi hạng 3 thì phải nghĩ đến hạng nhì, đá hạng nhì phải nghĩ đến hạng nhất rồi V-League, sau V-League là đội tuyển quốc gia. Khi đã vào đội tuyển rồi thì phải luôn luôn nghĩ đến Tổ quốc và cống hiến. Thực sự là khi các cầu thủ của tôi đã vào đội tuyển thì tôi không nghĩ đến lợi ích CLB nữa mà luôn nghĩ đến quốc gia, niềm tự hào của đất nước.
Nhưng đầu tư vào nhiều đội bóng như vậy sẽ tốn rất nhiều tiền, ông phải thu lợi được điều gì khi làm như vậy chứ?
Nếu làm bóng đá mà nghĩ đến lợi ích kinh tế thì tôi bỏ ngay. Nói thật là có những lúc tôi rất nản. Mình thì tâm huyết và cống hiến, không nghĩ đến lợi ích kinh tế khi đầu tư vào bóng đá. Thế nhưng, cũng có người không hiểu cứ nghĩ vào bóng đá ông Hiển phải lấy được cái gì đó, đạt được điều gì đó rất lớn về kinh tế. Thực tế là tôi có được đất cát gì đâu!
Vào bóng đá thì phải xác định là cống hiến, không đặt vấn đề đòi hỏi gì và phải rất kiên trì, có những lúc phải chịu đựng. Nhưng như các cụ đã nói rồi, “gái có công thì chồng chẳng phụ”, cái tôi được không phải lợi ích kinh tế mà là được cống hiến cho đội tuyển quốc gia và đội tuyển đã đạt được các thành tích lớn.
Tôi đã đầu tư vào bóng đá hơn 12 năm rồi và luôn tin là Việt Nam có ngày sẽ đạt được thành tích cấp khu vực. Bây giờ đã có câu trả lời rồi đó.
Những điều mình có được khi đóng góp cho bóng đá nước nhà không phải tiền mà là uy tín, thương hiệu, sự vinh dự và tự hào. Nó còn lớn hơn tiền. Có tiền cũng mua làm sao được huy chương bạc châu Á.
Hạnh phúc lắm bạn ạ. Lúc Quang Hải đá phạt, ghi bàn trong trận chung kết ở Thường Châu, tôi đã khóc nhưng quay đi vì không muốn người khác nhìn thấy. Niềm tự hào dân tộc, cảm xúc dâng lên…
Ông có nói đến việc xây dựng văn hóa riêng của CLB, văn hóa đó là gì?
Văn hóa là cống hiến đã. Nhiều cầu thủ cứ nói với tôi: “Chủ tịch ơi, chủ tịch yên tâm, con sẽ chiến đấu hết mình vì Chủ tịch”. Tôi mới bảo: “Thứ nhất, các con phải chiến đấu vì con trước. Các con là những cầu thủ chuyên nghiệp thì phải chiến đấu, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với bản thân và gia đình, vì các con sống bằng cái nghề này.
Thứ hai, ra sân thì con phải tôn trọng khán giả, người hâm mộ. Các con ra sân mà không chơi hết mình, không trung thực là xúc phạm khán giả, cổ động viên. Mà bóng đá không có cổ động viên là bóng đá chết. Thứ ba là con phải vì màu cờ, sắc áo CLB thành phố, và quốc gia này. Sau đó, các con mới nghĩ đến chú.
Còn với chú, đã chơi là phải vô địch, phải có mục tiêu, tham vọng để chiến đấu. Chơi với chú, về nhì là thất bại. Nhưng chú sẵn sàng xuống hạng nếu các con tiêu cực. Chú sẵn sàng ‘treo’ chúng mày lên, không cho đi đâu cả, cho xuống tập với U13. Phạt!”.
Tôi cũng nói với các cầu thủ là: “Các con cứ chơi đi, đừng nghĩ có tiền mới đá”. Với các cầu thủ của tôi, cứ đá hay, đá đẹp, đá cống hiến thì “hàng về”; còn những cầu thủ mà chưa ra sân đá đã hỏi tiền thưởng là tôi cho ngồi ngoài. Tôi thường nói đùa quy tắc này của mình là bài hát: “Ta yêu nhau không cần ai làm chứng…”.
T&T GROUP đã trở thành một công ty lớn, hoạt động đa ngành nhưng mô hình cơ bản vẫn là kiểu công ty gia đình. Ông có thấy việc điều hành với mô hình này gặp vấn đề về quản trị hay không?
T&T Group là công ty cổ phần nhưng cổ đông ít bởi vì tôi chưa muốn đưa thành đại chúng như ngân hàng SHB. Tôi đặt ra mục tiêu, trước khi T&T Group trở thành công ty đại chúng vào năm 2020, tập đoàn sẽ phải nâng trình độ quản trị lên một đẳng cấp mới, theo chuẩn quốc tế về sự chuyên nghiệp, hiệu quả cũng như tính minh bạch. Việc mời các tập đoàn lớn trên thế giới hợp tác với T&T Group là để hướng tới mục tiêu đó. Tất cả cần được thực hiện theo lộ trình và tới thời điểm đó, các cán bộ công nhân viên T&T Group sẽ trở thành cổ đông của công ty.
Trụ sở của T&T Group có treo một bảng hiệu với câu “Hãy cạnh tranh với chính mình, không giết cái cũ của bản thân thì sẽ bị đối thủ tiêu diệt”. Với chính mình, ông giết cái cũ của bản thân như thế nào?
Cứ mỗi buổi sáng tỉnh dậy, tôi luôn tự hỏi mình: Có cái gì khác không, có cái gì mới không? Xã hội giờ thay đổi từng ngày và đất nước đã bước sang cách mạng công nghiệp 4.0 rồi. Nếu cứ giữ mãi cách làm cũ, suy nghĩ cũ tức là dừng lại rồi và đối thủ sẽ vượt lên mình.
Ở T&T Group, vài năm gần đây, tôi phải thúc đẩy mọi người liên tục, để dám phá đi những cái cũ và tiến lên. Tất nhiên, cái này nói thì dễ chứ làm rất khó nhưng phải cố gắng làm hàng ngày để tư duy đổi mới ngấm dần vào mọi người trong tổ chức.
Ông chuẩn bị cho 2 con trai của mình kế nghiệp các công việc tại T&T Group ra sao?
Cậu lớn thì tốt nghiệp vài năm rồi, đang làm Giám đốc T&T Group ở Mỹ. Tôi không muốn cậu ấy dựa dẫm và bản thân cậu ấy cũng không muốn vậy. Cậu ấy bảo tôi: “Con nên tách ra để tự học và tự làm trước. Chứ con ở đây, làm được cái gì thì người ta cũng nói là nhờ dựa ba”. Sang Mỹ, học và tiếp cận quản trị hiện đại, rồi tự phấn đấu, khẳng định mình đã, rồi về Việt Nam làm việc tiếp. Còn cậu nhỏ thì mới ra trường, đang làm việc ở Ban đầu tư, còn phải học hỏi nhiều.
Slogan của T&T Group là “Đa lĩnh vực, một niềm tin”, niềm tin ở đây là tin vào ai vậy?
Cuộc sống phải có niềm tin, đất nước phải có niềm tin. Trong mỗi con người chúng ta đều phải có niềm tin. Có niềm tin mới có sức mạnh, có niềm tin mới có sự quyết tâm. Và có niềm tin chúng ta mới đạt dược điều mình muốn. Đó là triết lý mà slogan của T&T Group muốn nói.
Trong cuộc sống cũng như công việc kinh doanh, chắc chắn ai cũng sẽ gặp khó khăn, trắc trở. Những lúc như vậy, nếu không có niềm tin thì sẽ thất bại; và kể cả khi thất bại rồi, nếu có niềm tin thì mình mới vượt qua được.
Niềm tin ở đây không phải là vào tôi, vào đối tác, vào công ty mà là niềm tin vào chính con người trong mỗi chúng ta. Có nó, chúng ta sẽ tìm ra biện pháp để vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Trí Thức Trẻ