img

Những người đi qua phố Cát Linh (Hà Nội) luôn thấy ngưỡng mộ hãng nội thất UMA bởi chỉ một cửa hàng nhưng chiếm diện tích mặt tiền rất lớn, đầy vị thế trên con phố đắt đỏ. Đầu tháng 6/2019, người ta thấy một cái tên mới là BAYA, sử dụng màu đỏ là chủ đạo, vẫn trưng bày những sản phẩm nội thất và trang trí nhà cửa đẹp hoàn mỹ nhưng dường như có sự thay đổi trong phong cách. Các cửa hàng khác tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng vậy.

"Việc đổi tên UMA thành BAYA là sự chuyển mình mang tính tư duy, chiến lược mà bản thân chúng tôi cảm thấy cần phải làm để mở ra một chương mới cho thương hiệu." - Ông Vũ Anh Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Anh Nguyên, kinh doanh thương hiệu UMA, nay đổi thành thương hiệu BAYA, nói.

BAYA và tham vọng kiến tạo không gian sống cho mọi tổ ấm Việt - Ảnh 1.

12 năm trước, khi muốn mua nội thất, người dân chỉ biết đến những cửa hàng đồ gỗ truyền thống với sản phẩm đơn thuần là giường, tủ, bàn ghế… Cửa hàng UMA đầu tiên ra đời trên con phố Trần Huy Liệu (Hà Nội) đánh dấu sự xuất hiện của một mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam, kết hợp cả nội thất và đồ trang trí đa dạng. Từ đó đến nay, chuỗi 14 cửa hàng do công ty Anh Nguyên mở ra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của hàng chục nghìn người tiêu dùng khi cần làm đẹp cho tổ ấm.

Đổi tên thành BAYA, mô hình tích hợp sản phẩm đang hoạt động hiệu quả vẫn được duy trì, nhưng BAYA đã có sự chuyển mình từ chỉ tập trung vào sản phẩm sang tư duy đặt khách hàng là trọng tâm.

Điều đó có nghĩa là các khách hàng đến với BAYA sẽ tìm thấy những sản phẩm không chỉ đơn giản là đẹp và chất lượng mà còn xuất phát từ chính nhu cầu sử dụng và những gì thân thương với người tiêu dùng Việt Nam. Ở mỗi cửa hàng BAYA, đội ngũ tư vấn sẽ đồng hành trong việc lựa chọn, phối hợp nội thất, đồ trang trí để tạo nên một không gian sống đúng như khách hàng mong muốn. Và như vậy, khi muốn "biến ngôi nhà thành tổ ấm", người tiêu dùng chỉ cần đến BAYA là có tất cả, một cách tiện lợi.

BAYA và tham vọng kiến tạo không gian sống cho mọi tổ ấm Việt - Ảnh 2.

CEO của thương hiệu BAYA cho biết, khách đến đây có thể mua nội thất trọn gói theo bộ sưu tập, nhưng cũng có thể phối đồ theo sở thích, hoặc thậm chí là đặt hàng thiết kế theo gu riêng của họ.

"Mọi người luôn mong muốn sẽ ngồi trong không gian được tạo nên từ những ý tưởng của chính mình dù có tư vấn thiết kế. BAYA hiểu điều đó nên sẽ đưa ra hướng tư vấn chuyên môn hợp lý, người quyết định cuối cùng luôn là khách hàng. Cho nên, càng có nhiều đồ trang trí, càng nhiều phong cách, màu sắc đa dạng thì khách hàng càng có nhiều lựa chọn".

Theo ông Vũ Anh Nguyên, sự thay đổi của BAYA là sự thức thời mang tính chiến lược khi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam thay đổi. Trước đây, khi thu nhập còn thấp đi cùng tiêu chuẩn sống chưa cao, người tiêu dùng không quá quan tâm đến việc bài trí nội thất. Giờ đây, khi thu nhập tăng lên cùng với sự đòi hỏi cao hơn về đời sống vật chất cũng như tinh thần, người ta đặc biệt quan tâm đến không gian sống của mình. Và đó là thời đại của đồ nội thất chất lượng đi kèm với sản phẩm trang trí thể hiện được cá tính của người chủ căn nhà.

BAYA và tham vọng kiến tạo không gian sống cho mọi tổ ấm Việt - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, sự thay đổi của khách hàng cũng thể hiện rõ nét ở chính những sản phẩm mà họ mua sắm. Trước kia, họ ưu tiên mua và gần như chỉ quan tâm tới những vật dụng lớn đóng vai trò "thiết yếu" trong nhà như giường, tủ, ghế sofa. Bây giờ, họ chăm chút hơn cho những chi tiết nhỏ bé nhưng có khả năng làm thay đổi cả căn phòng như đồ trang trí hoặc vật dụng mang lại sự tiện lợi như giá treo, gối dựa lưng, giỏ đựng đồ... Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng để tự mình cụ thể hóa và hiện thực hóa những suy nghĩ của bản thân. BAYA sẽ thực hiện điều đó cho khách hàng.

"Ngoài ra, ở Việt Nam, vấn đề vận chuyển và lắp đặt cũng là trở ngại lớn với khách hàng. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết vấn đề đó" - Ông Vũ Anh Nguyên chia sẻ.

BAYA và tham vọng kiến tạo không gian sống cho mọi tổ ấm Việt - Ảnh 4.

Chim Baya được mệnh danh là kiến trúc sư của thiên nhiên nhờ kỹ năng điêu luyện và sự cầu kỳ. Mỗi chiếc tổ của chúng được tạo nên từ hơn 500 loại lá và cây cỏ, dệt một cách tỉ mỉ để chờ người bạn đời, sau đó, tổ ấm tiếp tục được xây dựng khi đã tìm được bạn đồng hành.

Lấy cảm hứng từ loài chim đặc biệt này, Anh Nguyên chọn cái tên BAYA để khẳng định tôn chỉ hoạt động: Mang đến đa dạng những sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp cùng trọn vẹn sự quan tâm cho từng chi tiết nhỏ nhất cho tổ ấm của mỗi gia đình.

Nhưng ý nghĩa của cái tên BAYA không chỉ có vậy. Chim Baya cũng là loài chim phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, và nó cho thấy sự thay đổi của hãng nội thất 12 năm tuổi bằng việc đưa các chủ đề Á Đông và Việt Nam vào việc thiết kế sản phẩm, thay vì "đóng mác" phong cách châu Âu như trước.

"Các bộ tranh mới tại cửa hàng là do họa sĩ người Việt vẽ. Chúng tôi cũng sử dụng những bức tranh đó để làm chủ đề thiết kế cho các đồ trang trí" – Ông Anh Nguyên nói – "Với việc đa dạng hóa chất liệu, tăng cường thiết kế với màu sắc Á Đông và thuần Việt, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, BAYA là một thương hiệu nội thất đến từ Việt Nam".

BAYA và tham vọng kiến tạo không gian sống cho mọi tổ ấm Việt - Ảnh 5.

Cùng với sự thay đổi về phong cách và chiến lược, ông Anh Nguyên cho biết BAYA sẽ đầu tư mạnh hơn vào mảng kho bãi vận tải, với mục tiêu để hàng hóa từ BAYA đến với khách hàng một cách nhanh nhất. Theo CEO của thương hiệu BAYA, chất lượng chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn khá lạc hậu và kinh nghiệm 5 năm làm chuỗi cung ứng tại Mỹ của ông Anh Nguyên sẽ đem lại trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao cho những vị khách tại Việt Nam.

"BAYA đang thiết kế chuỗi cung ứng hiện đại, sử dụng công nghệ để trong thời gian sắp tới, giảm thời gian và tăng hiệu quả. Quan trọng hơn là nhân rộng được nhiều chuỗi cung ứng và đảm bảo vận hành được trơn tru." – Ông Anh Nguyên chia sẻ.

Song hành cùng chuỗi cửa hàng vật lý, BAYA cũng đẩy mạnh mô hình bán hàng trực tuyến trên website www.baya.vn, phù hợp với xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng hiện đại ngày nay.

"Một thương hiệu Việt, phải phục vụ nội thất phù hợp cho chính người Việt trước hết. Khi mới thành lập công ty, chúng tôi kỳ vọng mỗi gia đình đều có ít nhất một sản phẩm của mình. Đến nay, khi BAYA chuyển mình, ở mỗi tỉnh thành trên khắp cả nước đều có ít nhất một đơn hàng của BAYA, đó có thể coi là một tín hiệu vui" – Ông Anh Nguyên tự hào.

BAYA và tham vọng kiến tạo không gian sống cho mọi tổ ấm Việt - Ảnh 6.
BAYA và tham vọng kiến tạo không gian sống cho mọi tổ ấm Việt - Ảnh 7.

Theo số liệu từ Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) trong năm 2018, tổng giá trị tiêu dùng nội thất của thị trường Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD. Tiềm năng của thị trường nội thất và đồ trang trí không hề nhỏ khi được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của thị trường bất động sản. Các căn hộ chung cư với diện tích nhỏ hơn phù hợp với những món nội thất đơn giản, tập trung vào công năng. Xu hướng tiêu dùng của khách hàng trẻ là yêu thích tô điểm cho không gian sống của mình, thể hiện cá tính bằng những vật dụng xinh xắn, có gu.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Anh Nguyên, mô hình khách sạn nhỏ, homestay với cách trang trí độc đáo, có phong cách riêng đang phát triển sôi động ở Việt Nam là một đối tượng khách hàng tiêu thụ nội thất và đồ trang trí rất lớn. Chưa kể, khi những du khách đi du lịch, nghỉ ngơi tại homestay, họ sẽ thấy thích và có động lực thiết kế căn nhà của mình theo hướng như vậy.

Tuy nhiên bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp nội thất là đáp ứng nhu cầu "khó tính" của khách hàng. Và mô hình cửa hàng nội thất với khái niệm "one-stop shop" – mua tất cả tại một điểm như BAYA, kết hợp với những ứng dụng công nghệ để hỗ trợ tối đa khách hàng, là mô hình của thời đại này và trong tương lai.

BAYA và tham vọng kiến tạo không gian sống cho mọi tổ ấm Việt - Ảnh 8.

Ông Vũ Anh Nguyên cũng chia sẻ, BAYA sẽ không chỉ là nơi để khách hàng mua sắm nội thất mà định hướng trở thành một người đồng hành và truyền cảm hứng cho khách hàng trong việc kiến tạo không gian sống. Những bộ sưu tập thiết kế 3D cho căn hộ, những gợi ý về cách bố trí, phối hợp nội thất mà BAYA đưa ra có thể khiến khách hàng nhớ rằng BAYA là một trong những điểm nên đến khi họ có nhu cầu.

"Những bước đi của BAYA trong việc cải tiến thương hiệu thực sự là những thử thách lớn đối với toàn bộ nhân viên, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng từng ngày và mong khách hàng sẽ luôn yêu quý, tin tưởng và ủng hộ chúng tôi" – ông Vũ Anh Nguyên bày tỏ.

An An
Hương Xuân


An An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên