8 năm trước, vào tháng 9/2016, Techcombank gây “sốt” trên thị trường tài chính ngân hàng khi tiên phong với chính sách Zero Fee – miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển khoản điện tử. Đây là bước đột phá trong xu hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, không chỉ lúc bấy giờ mà kéo dài cho đến tận hôm nay. Làn sóng Zero Fee mà Techcombank khởi xướng đã được áp dụng trên toàn hệ thống, tạo điều kiện cho mọi người dân Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số đều hưởng lợi.
Tháng 01/2024, Techcombank ra mắt tính năng Auto-earning (Sinh lời tự động) trên ứng dụng ngân hàng điện tử Techcombank Mobile. Chỉ cần bật tính năng này một lần, tiền nhàn rỗi của khách hàng có thể đạt được lợi tức tối ưu trên tài khoản với mức lợi suất lên tới 3,2%/năm (theo chính sách từng thời kỳ), mà vẫn có thể sử dụng linh hoạt để giao dịch thanh toán bất cứ lúc nào cần, tiết kiệm thời gian với trải nghiệm tối ưu trên kênh số.
Có thể thấy, chuyển tiền qua tài khoản miễn phí “Zero Fee”, và hiện nay là tính năng “Sinh lời tự động” mà Techcombank thực thi, đã hướng đến một mục tiêu lớn hơn: Thúc đẩy xã hội không dùng tiền mặt, chuyển đổi cách làm số hóa của ngành ngân hàng. Tiếp sau khoản đầu tư 300 triệu USD vào hệ thống công nghệ từ 2016-2020 (chưa kể chi phí nhân sự), Techcombank hiện đang tiếp tục rót hơn 500 triệu USD trong chiến lược 5 năm 2021-2025, nhằm tiên phong những dự án lớn về chuyển đổi số, để xây dựng năng lực cạnh tranh mới.
Ấy vậy mà, hành trình ra mắt “Sinh lời tự động”, lại được ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của Techcombank, tóm tắt trong mục tiêu tưởng như đơn giản: “Chúng tôi mong khách hàng luôn xem Techcombank là người bạn đồng hành tin cậy trong mọi bước đường cuộc sống. Với tính năng “Sinh lời tự động”, ứng dụng Ngân hàng điện tử Techcombank Mobile có thể trở thành “trợ lý tài chính” giúp tiền tự lời”.
“Những đích đến tham vọng luôn đi kèm với sự chuyển đổi mạnh mẽ, và đi cùng với đó là những thách thức lớn lao. Với sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành tài chính trong kỷ nguyên công nghệ số, khát khao chinh phục những đỉnh cao mới sẽ không thể trở thành hiện thực nếu thiếu đi những người đồng hành. Nhất là khi thế giới đang thay đổi rất nhanh” – ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Trước khi “Sinh lời tự động” được chính thức ra mắt vào tháng 1/2024, đội dự án đã trải qua đến 18 tháng để thiết kế, thử nghiệm sản phẩm, và liên tục lấy ý kiến đánh giá, mời khách hàng trải nghiệm để đo lường mức độ hài lòng. Từ đó, đưa ra những điều chỉnh thiết kế phù hợp, thậm chí cấu trúc lại cả hành trình khách hàng và vận hành tính năng cho “Sinh lời tự động”.
“Tôi cho rằng, nếu mình làm mà không có định hướng cụ thể, không có tầm nhìn thì sẽ là áp lực. Còn khi mình đã có niềm tin chắc chắn rằng khi thực hiện được tính năng này, khách hàng sẽ yêu thích và được lợi, thì đó không phải là áp lực nữa. Đó là động lực!” – ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ nói.
Ông chia sẻ thêm: "Chúng tôi phải xác định xem những đặc tính nào cần được cải thiện đối với “Sinh lời tự động”, để mang đến sự tiện lợi và hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng. Tiếp đó, chúng tôi cần lắng nghe từ phía khách hàng thông qua các kênh tương tác, xem họ đánh giá ra sao, có nhu cầu như thế nào khi sử dụng ứng dụng. Từ đó, ngân hàng sẽ tiếp tục có những thay đổi phù hợp nhằm đảm bảo trải nghiệm khách hàng xuyên suốt nhất có thể".
Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm “Sinh lời tự động”, áp lực nội bộ là rất lớn. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, “Sinh lời tự động” là dự án trọng điểm được Ban lãnh đạo ngân hàng ưu tiên cao nhất, nghĩa là, phải dừng nhiều dự án khác để dành nguồn lực tài chính, nhân lực và thời gian hơn cho nghiên cứu phát triển. Nó không chỉ đơn thuần là áp lực ở bộ phận triển khai, mà cả ở các cấp quản lý, và rộng hơn là toàn hàng. Ban lãnh đạo phải đưa ra quyết định hết sức khó khăn để trung hoà giữa một bên là mong muốn tạo ra giá trị khác biệt cho khách hàng, nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành mục tiêu kinh doanh đặt ra.
Trên thực tế, tính năng “Sinh lời tự động” trên app ngân hàng điện tử rất phổ biến tại các nền kinh tế phát triển, với tên gọi “Auto Sweeping Facility”. Để thực hiện, đòi hòi các ngân hàng cần đầu tư bài bản cả về tính năng sản phẩm, hệ thống công nghệ, vì cùng một lúc phải đáp ứng được sự thuận tiện, trải nghiệm và nhiều lợi ích cho khách hàng. Và Techcombank tiên phong mang đến điều này cho khách hàng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, người phụ trách và đồng hành liên tục cùng “Sinh lời tự động” chia sẻ: “Techcombank luôn xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, đặt khách hàng lên trên hết. Với tính năng mới, khách hàng được lợi cả về thời gian, lẫn dòng tiền”.
Thời điểm tung ra thị trường “Sinh lời tự động” ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cũng là một câu chuyện thú vị. Nhớ lại, ông Tuấn cho rằng, dù tổ dự án đã rất tự tin với sản phẩm, song nếu hỏi đã chắc chắn 100% về mức độ hoàn hảo hay chưa, chưa ai có thể khẳng định. Cũng là đương nhiên thôi, bởi lẽ tính năng này dù mất gần 2 năm để phát triển, song mới được thử nghiệm trên các nhóm khách hàng nhất định. Trong lúc, Techcombank Mobile có đến gần chục triệu khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo mong muốn bật “Sinh lời tự động” vào đúng dịp Tết để mang đến “cả năm may mắn, lộc bền lâu” cho khách hàng.
Và thực tế đã chứng minh. Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi ra mắt, thông điệp “Tiền tự lời, bạn thảnh thơi” cùng Techcombank Mobile đã tạo trend trên mạng xã hội. Nhờ những định vị giá trị độc đáo, tính năng “Sinh lời tự động” đã thu hút số lượng gần 500.000 khách hàng đăng ký, và là động lực giúp Techcombank trở lại với vị thế quán quân với tỷ lệ CASA Quý 1/2024 lên đến 40,5%, và đạt tỉ lệ NIM ấn tượng ở mức 4%. Techcombank đang hướng đến mục tiêu thu hút 2 triệu khách hàng mới trong năm 2024, với động lực từ tính năng “tiền tự lời” này.
Techcombank đang đẩy mạnh bán lẻ, điều đó thấy rõ trong chiến lược phát triển của nhà băng tư nhân số 1 này những năm qua. Tính đến Quý 1/2024, tổng số lượng khách hàng mà nhà băng này phục vụ là 13,8 triệu người, trong đó chỉ riêng năm 2023, Techcombank thu hút thêm đến 2,6 triệu khách hàng mới – con số kỷ lục từ trước đến nay.
Khách hàng đến với Techcombank nhiều hơn, và họ không chỉ đơn thuần sử dụng 1 - 2 dịch vụ như thông thường, mà bình quân tới 4-5 dịch vụ của ngân hàng. Điều này đã giúp mảng bán lẻ của Techcombank phát triển nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đưa nhà băng này trở thàng ngân hàng giao dịch chính của khách hàng sử dụng dịch vụ, đồng thời góp phần giúp ngân hàng có chuỗi tăng trưởng liên tục suốt từ năm 2006 tới 2023.
“Tôi thấy rất vui khi từ khoảng 7h00 sáng, nhiều khách hàng dùng mã của Techcombank để đặt taxi, dùng điểm đổi cà phê, mua đồ ăn sáng… Buổi trưa cần mua hàng thì dùng giải pháp thanh toán, thẻ của Techcombank, và buổi tối đi chợ, hay giải trí cùng người thân đã có điểm thưởng Techcombank Rewards tặng voucher tại cửa hàng mua sắm, nhà hàng, nơi vui chơi…. ” – Giám đốc Khối Bán lẻ của Techcombank nói.
Nhìn lại thì Zero Fee và “Sinh lời tự động”, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, có khá nhiều điểm tương đồng, chỉ khác về “how” - tức là cách thức thực hiện.
Ngược dòng thời gian, Zero Fee đã gây ra cả một “chấn động” vào 8 năm trước, vì thời điểm đó, nguồn thu từ phí chuyển tiền rất cao, dễ dàng với các ngân hàng vì khách hàng “đã quen với việc phải trả phí để được chuyển tiền”. Techcombank lại nghĩ khác và làm khác, dù chính sách ngược dòng này khiến ngân hàng đối mặt ngay với sự “thâm hụt” hàng trăm tỷ đồng phí chuyển tiền thu được mỗi năm. Đấy là chưa kể việc phải đầu tư thêm hàng trăm triệu USD khác để nâng cấp hạ tầng công nghệ đáp ứng nhu cầu giao dịch dự kiến tăng đột biến…
Nhưng trên góc độ toàn hệ thống, cú huých Zero Fee của nhà băng này đã khởi đầu cho một làn sóng miễn phí chuyển tiền online rộng khắp toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Công cuộc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng trở nên thuận lợi hơn, từ đó.
Và sự “nghĩ khác, làm khác” đó cũng chính là nền tảng cho ra mắt “Sinh lời tự động” năm 2024.
“Mọi khách hàng, dù là cá nhân hay tổ chức, dù là doanh nghiệp hàng đầu hay nhà khởi nghiệp bản lĩnh, đều mang trong mình những hoài bão. Chúng tôi mong muốn trở thành người tạo điều kiện cho những hoài bão chinh phục ước mơ của họ”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Nhìn lại thành công của Techcombank, ông Nguyễn Anh Tuấn, người đã có 18 năm thâm niên tại ngân hàng, cho rằng đó là nhờ sự thay đổi hợp lý trong chiến lược kinh doanh, những khoản đầu tư lớn cho số hóa, tuyển dụng được nhiều nhân sự tài năng trong nước, cũng như từ các tổ chức tài chính quốc tế… “Song với tôi, kết quả vượt trội của Techcombank, có thể nói, bắt nguồn từ việc thực thi quyết liệt giá trị văn hóa cốt lõi “Khách hàng là trọng tâm” trong mọi hoạt động kinh doanh” – ông khẳng định.
Cùng với đó, ngân hàng không đặt nặng con số quy mô khách hàng, mà chú trọng vào chất lượng, tỷ lệ khách hàng active, sử dụng Techcombank là ngân hàng giao dịch chính. Với định hướng đó, Techcombank sẽ có cơ hội hiểu khách hàng nhiều hơn, và những sản phẩm phức tạp hơn cũng sẽ được đưa đến khách hàng với một hành trình và trải nghiệm vượt trội hơn nữa. “Chúng tôi mong muốn khi hiểu khách hàng hơn thì các giải pháp, đặc biệt là giải pháp về cho vay tín chấp dựa trên sự thuận tiện, nhanh chóng, đúng thời điểm và phù hợp với khách hàng, sẽ là những sản phẩm khác biệt, tiện lợi tiếp theo mà chúng tôi cung cấp cho khách hàng” – ông nói.
- Bài viết: Hằng Kim
- Thiết kế: Hải An
- Interactive: Lê Sơn