Bên cạnh những dãy xưởng hiện đại tại nhà máy Coca-Cola Đà Nẵng là một hồ cá lớn. Những con cá đã ở đó từ lâu, trong bể chứa nước thải sau sản xuất của nhà máy.
“Khi được mời vào tham quan nhà máy, tận mắt nhìn thấy hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản, thông minh, ở đây họ nuôi cá trong hồ chứa nước thải sau sản xuất để chứng minh về độ sạch của nước, tôi lại càng thấy yên tâm hơn” - ông Ngô Kim Tuấn, người dân sống gần nhà máy Coca-Cola (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nói.
Ông Võ Văn Lanh là người chịu trách nhiệm chính trong quá trình kiểm soát xử lý nước thải là một người đã có hơn 20 năm làm việc tại nhà máy Coca-Cola Đà Nẵng. Chuyên gia này cho biết, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đang ứng dụng công nghệ xử lý vi sinh nước thải bằng phương pháp lọc màng, đảm bảo chất lượng nước thải thuộc cấp độ A. Đây là thành quả của quá trình đầu tư, nâng cấp trong nhiều năm và mới được đưa vào vận hành từ cuối 2017.
Thực tế, Coca-Cola thuộc Top 10 doanh nghiệp bền vững lĩnh vực sản xuất, theo bảng xếp hạng Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2017. Doanh nghiệp này đạt kết quả cao trên các tiêu chí đánh giá của bộ chỉ số CSI (Corporate Sustainability Index) về phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội.
Trong một nỗ lực khác, Coca-Cola cũng đã khởi xướng nhiều dự án tập trung bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông. Nhằm quản lý nguồn nước và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Coca-Cola đang phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ (NGOs), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chính quyền địa phương các tỉnh ở hạ nguồn Mekong trong việc nghiên cứu mô hình khoa học - kỹ thuật và áp dụng các giải pháp thực tiễn.
Từ năm 2007, Coca-Cola đã chi gần 40 tỷ đồng và hợp tác với WWF Việt Nam để tái sinh Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ước tính, 10 tỷ lít nước đã được bảo tồn mỗi năm kể từ khi dự án bắt đầu triển khai. Trong hơn 10 năm thực hiện, 130 loài cá và 256 loài chim đã được bảo vệ. Lượng khách du lịch tăng lên sau đó đã đóng góp không nhỏ vào kinh tế địa phương và giúp thu nhập của 300 hộ dân trong khu vực cải thiện 10%.
Khoảng 2 tỷ lít nước sạch đã được dẫn đến 65 nghìn người dân nghèo, trong khuôn khổ dự án “Nước sạch cho cộng đồng”. Tại 9 tỉnh, thành phố khác, người dân đang hàng ngày sử dụng dòng nước sạch được lọc bởi những thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. 9 trung tâm EKOCENTER đã cung cấp hơn 3 triệu lít nước uống an toàn và có thể sử dụng trực tiếp từ vòi.
Những nỗ lực trên phần nào thể hiện cam kết đầu tư vào Việt Nam: “Với mỗi lít nước được sử dụng, Coca-Cola sẽ trao trả một lít nước lại cho cộng đồng”.
Các dự án nước Coca-Cola đã thực hiện
Nhắc đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, điều luôn được chú ý là khả năng tạo ra việc làm cho người dân địa phương. Trước thềm Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (4/10/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định vai trò của khối FDI trong vấn đề giải quyết lao động và cải thiện nguồn nhân lực.
Ở một khía cạnh nào đó, nhân viên Võ Văn Lanh với hơn 20 năm làm việc tại nhà máy Coca-Cola Đà Nẵng là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ nhân viên Việt Nam đang đảm nhiệm các vị trí việc làm trên cả nước là 99%. Hơn 33 tỷ đồng được đầu tư mỗi năm để tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực trong nước.
Kết quả khảo sát của Website tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerBuilder Việt Nam cho thấy, Coca-Cola là doanh nghiệp đứng đầu danh sách “Nhà tuyển dụng yêu thích 2017”. Trong khi đó, Công ty chuyên lĩnh vực nhân sự Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đưa Coca-Cola vào top 5, theo khảo sát “100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”.
Mặc dù vậy, không chỉ nhân viên công ty mới có cơ hội phát triển bản thân. Việc triển khai EKOCENTER tại 9 tỉnh, thành phố cũng đang tạo ra không gian sinh hoạt, học tập cho cộng đồng địa phương. Sự hợp tác ba bên, giữa doanh nghiệp với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thúc đẩy sự ra đời của các khóa đào tạo trực tuyến (e-learning). Hơn 1.300 phụ nữ trên cả nước đã được cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi sự doanh nghiệp và kế hoạch tài chính trên con đường cải thiện kinh tế gia đình.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hỗ trợ sẽ nhằm tư vấn, đào tạo, cải thiện năng lực và sức cạnh tranh. Những hoạt động này trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam phát triển bền vững”. Ông Sanket Ray, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam cho rằng, phát triển bền vững chính là "phím enter” để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Một điểm nhấn trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp FDI như Coca-Cola là sự quan tâm đến chủ nhân tương lai của đất nước. 4 trường mầm non đã được nâng cấp cải tạo và xây mới tại Huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, Tỉnh Ninh Thuận cho hơn 100 em nhỏ.
Sự phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cũng thúc đẩy quá trình cải tạo 2 nhà cộng đồng thành các công trình phòng chống bão lũ, có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn cho hơn 1.377 hộ gia đình. Tuy vậy, cung ứng hàng hóa thiết yếu một cách nhanh chóng vẫn là việc làm cấp bách khi xảy ra thiên tai.
Có hàng triệu lít nước tinh khiết miễn phí đã được phân phát miễn phí cho người dân vùng mưa lũ miền Trung và miền núi phía Bắc. Trong số đó, có không ít chai nước được sản xuất từ vật liệu tái chế. Không dừng ở đó, việc hợp tác với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) trong dự án “Túi Má Khỉ” (Monkey Cheek) đã bảo tồn và phục hồi 450 ha đất sinh kế vùng lũ.
Coca-Cola cho biết, việc sử dụng chai nhựa tái chế (rPET Bottles) giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon trong quá trình hoạt động. Mục tiêu sử dụng rPET để sản xuất 10% chai nước Dasani vào đầu cuối 2018 – đầu 2019 đã được đưa ra.
Chiến dịch Thế giới không rác thải (World Without Waste) được triển khai ở cấp độ toàn cầu nhằm thu thập và tái chế lượng tương đương 100% bao bì mà Coca-Cola bán ra đến năm 2030. Để thực hiện chiến lược dài hạn này, Coca-Cola và nhiều đối tác đã phát động nhiều dự án nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và thành lập các điểm phân loại chai nhựa ở các thành phố.
Tất cả những hoạt động này đều hướng đến sự chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải - thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường - sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng. Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn cũng được coi là xu thế tất yếu để bảo đảm cuộc sống cho nhiều thế hệ kế tiếp.
Trí Thức Trẻ