Covid-19 là phép thử sức sống của doanh nghiệp. Điều này có đúng với Huy Thanh Jewelry trong thời gian qua không thưa ông?
Chúng tôi xem Covid giống như 1 phép thử để doanh nghiệp có cơ hội "detox" lại bản thân. Kinh doanh vàng trang sức vốn là một ngành đặc thù chịu tác động lớn từ thị trường quốc tế, nhìn lại 2 năm vừa qua thị trường này càng phải đối mặt với nhiều biến động về nguồn cung nguyên liệu, logistic... Trong làn sóng Covid lần thứ nhất (tháng 3-5/2020) chúng tôi đã phải đóng cửa 2 tháng nhưng may mắn thay đến cuối năm doanh thu vẫn tăng trưởng 10%. Nhưng đến năm 2021 tình hình kinh doanh không còn được khả quan như vậy. Do không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu nên toàn bộ hệ thống phải đóng cửa trong suốt thời gian giãn cách xã hội (tháng 5 - 9/2021). Bán lẻ là kênh phân phối duy nhất của Huy Thanh Jewelry, đồng nghĩa với việc doanh thu hệ thống khi đó bằng 0 mà chúng tôi vẫn phải chi trả các chi phí cố định để duy trì doanh nghiệp.
Vào thời điểm đó chính sách cắt giảm nhân sự đã được nhiều doanh nghiệp triển khai như một biện pháp khẩn cấp nhằm chống đỡ với đại dịch. Điều này có xảy ra tại Huy Thanh Jewelry không?
Chúng tôi chưa bao giờ đặt ra bài toán này lên bàn cân kể cả trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn nhất. Mặc dù bộ máy kinh doanh bị tê liệt hoàn toàn nhưng chúng tôi không cắt giảm bất kỳ một nhân sự nào. May mắn thay cũng không một ai nghỉ việc, dù trong những ngày giãn cách, nhân sự chỉ nhận hỗ trợ 80.000đ/ngày. Thay bằng việc "án binh bất động" chúng tôi đã bắt tay vào một cuộc cải cách để đón đầu cơ hội thời hậu dịch. Đầu tiên là phát triển kỹ năng của nhân sự nội bộ. Các phòng ban chuyên môn vẫn liên tục có những cuộc họp hàng tuần, hàng tháng để cập nhật tình hình công việc, bên cạnh đó là đào tạo, bổ sung các kiến thức, kĩ năng chuyên môn. Tôi hiểu rằng nhân sự là cốt lõi của doanh nghiệp vì vậy tôi chưa bao giờ xem nhẹ việc phát triển con người.
Thứ hai, chúng tôi cũng dành thời gian nghiên cứu và tối ưu sản phẩm. Phòng Phát triển sản phẩm vẫn làm việc và liên tục cập nhật các thiết kế, chỉnh sửa bản vẽ, tối ưu giá thành sản xuất, sẵn sàng cho ngày trở lại.
Thứ ba, chúng tôi vẫn duy trì các kênh truyền thông tương tác với khách hàng. Chúng tôi tạo ra những nội dung hữu ích, giữ kết nối với khách hàng để thương hiệu không bị lãng quên và sẵn sàng phục vụ khách hàng khi đại dịch qua đi.
Bằng những chiến lược như vậy, Huy Thanh đã vững vàng đi xuyên qua đại dịch và bùng nổ mạnh mẽ.
Chủ động thay đổi, thậm chí đầu tư nhiều hơn vào hệ thống bán hàng và vận hành có được xem là một cú liều với Huy Thanh Jewelry tính đến thời điểm này?
Mạo hiểm rót vốn nhưng tôi không nghĩ đây là một chiến lược liều lĩnh. Thực tế là thị trường đã tăng bật trở lại ngay sau đại dịch bởi nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ như một chiếc lò xo bị nén chặt sau 2 năm Covid. Chúng tôi đã cán mốc 1 triệu khách hàng bán lẻ trong tháng 9/2022. Doanh thu 8 tháng đầu năm nay của chúng tôi đã đạt bằng cả năm 2019, số lượng sản phẩm bán ra bằng cả năm 2020, đó là chưa tính đển cao điểm mùa cưới cuối năm tính từ tháng 10 đến tháng 12. Hiện nay giá trị trung bình đơn hàng tăng 30% với các dòng sản phẩm nhẫn cưới và trang sức, tỷ lệ khách quay lại chiếm 40% tương đương gấp đôi thời điểm trước dịch. Bởi vậy, năm 2022 chúng tôi dự tính doanh thu sẽ tăng 20% so với thời điểm trước dịch.
Cùng với sự phát triển của hệ thống cửa hàng, số lượng nhân sự làm việc tại Huy Thanh cũng tăng lên 30% so với thời điểm trước dịch. Mục tiêu của doanh nghiệp là sẽ phát triển đa kênh bán hàng, bên cạnh đó, tăng độ phủ trên các kênh truyền thông tiếp cận khách hàng và cả các sàn thương mại điện tử.
Ông có thể chia sẻ về mục tiêu trong 5 năm tới của Huy Thanh không?
Từ cột mốc 1 triệu khách hàng, chúng tôi có tham vọng rằng thương hiệu có thể cán mốc 10 triệu khách hàng trong 5 năm tới. Để đạt được con số khách hàng như vậy, chúng tôi sẽ cần mở rộng mạng lưới chi nhánh bán lẻ thêm ít nhất 20 cửa hàng.
Chúng tôi định hướng Huy Thanh Jewelry là một thương hiệu nữ trang đúng nghĩa chứ không phải là 1 doanh nghiệp "bán vàng". Huy Thanh đang xây dựng định vị là một "local brand" (thương hiệu quốc nội) mang đầy đủ phẩm chất của một "international brand" (thương hiệu quốc tế). Từ khâu thiết kế sản phẩm đón đầu xu hướng được chọn lựa từ Hàn Quốc, Pháp, Ý... đến trải nghiệm mua sắm online (trực tuyến), offline (trực tiếp) đều được chúng tôi hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Và đưa thương hiệu này có mặt ở một số quốc gia ngoài Việt Nam là mong muốn xa hơn của tôi.
Vàng bạc trong quan niệm của con người luôn là thứ bền bỉ, lâu dài trong tất cả các loại đồ vật có thể làm quà tặng nhau, dù 50 năm nữa thì các món trang sức vẫn giữ nguyên giá trị và đều có thể trở thành các món kỷ vật truyền đời. Tôi mong muốn mỗi khách hàng của mình đều sở hữu một "chiếc hộp kỉ niệm" mà khi mở ra, mỗi món trang sức đều ghi dấu 1 câu chuyện, 1 khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời của mỗi người.
Để tạo lập được tệp khách hàng thân thiết như vậy, triết lý kinh doanh nào đang được ông theo đuổi?
Tại Huy Thanh Jewelry chúng tôi mang tới cho khách hàng sự chân thành như cách đối đãi với người thân trong gia đình. Ai cũng muốn mang đến cho người thân của mình những gì tốt đẹp nhất. Vậy nên với khách hàng, tôi cũng luôn tâm niệm phải mang đến cho họ những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất.
10 triệu khách hàng không phải là một con số nhỏ, Huy Thanh Jewelry cần phải làm những gì để biến mục tiêu thành hiện thực, đặc biệt ở khâu đảm bảo chất lượng sản phẩm?
Tôi đã vạch ra một định hướng rõ ràng cho Huy Thanh Jewelry từ năm 2014, để làm ra sản phẩm chất lượng tốt phải dốc tâm và dốc sức. Từ khâu kiểm soát từng hạng mục trong quy trình chế tác 1 sản phẩm, kết nối với những nhà thiết kế thế giới để mua thiết kế độc quyền, dựng thiết kế 3D hay chế tác sản phẩm mẫu... tôi đều tham gia không bỏ sót bước nào. Huy Thanh Jewelry luôn có bước chế tác mẫu cho mọi sản phẩm và sẵn sàng huỷ các sản phẩm không đạt yêu cầu. Tôi muốn sản phẩm đến tay khách hàng phải đạt chất lượng tốt nhất!
Có thể thấy Huy Thanh Jewelry đã sẵn sàng cho một kế hoạch kinh doanh bền vững, còn về phía khách hàng, làm thế nào để ông có tối ưu trải nghiệm mua sắm của họ?
Tôi nhận thấy nền kinh tế tuy đã khởi sắc nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, điều này đã ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng của khách hàng đặc biệt là nhóm khách hàng chủ lực của Huy Thanh Jewelry. Nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ gia tăng nhưng không đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ trở nên dễ tính hơn. Nếu như trước đây tâm lý "sống gấp, sống vội", dành ít thời gian lựa chọn sản phẩm thì hiện nay khách hàng ngày càng khó tính hơn trước. Họ sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để tìm kiếm, tham khảo thông tin sản phẩm trên các nền tảng online, thu thập dữ liệu, so sánh giữa các thương hiệu rồi mới tới cửa hàng. Do đó chúng tôi đã đầu tư lớn vào xây dựng hình ảnh trên website, cung cấp đầy đủ hình ảnh, video trực quan, thông tin kĩ thuật của sản phẩm... trên cả hai nền tảng online và offline tạo nên sự thuận tiện nhất cho khách hàng.
Đó có phải là lý do thúc đẩy Huy Thanh Jewelry xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử không?
Chính xác. Nếu nói ngành kinh tế nào phát triển rực rỡ trong và sau đại dịch thì chính là thương mại điện tử. Hiện nay 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet, trong đó gần 50% người tiêu dùng mua sắm online, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử thanh toán mua hàng online. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự báo đến năm 2025 quy mô thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, trở thành thị trường có quy mô lớn thứ 3 khu vực ASEAN.
Chúng tôi đã tham gia trên Shopee Mall từ 3 năm trước và khá thành công trong việc thu hút nhóm khách hàng trẻ. Khi tiếp cận mỗi sản phẩm với mức giá từ tiền trăm nghìn đến tiền triệu, khách hàng được cung cấp đầy đủ hình ảnh, clip quay sản phẩm cùng mức giá niêm yết. Hiện nay gian hàng đã thu hút được gần 7.000 lượt theo dõi với mức đánh giá 4,9 sao. Rõ ràng với tiêu chuẩn lựa chọn hàng hóa khắt khe hơn trước, hiện nay khách hàng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn mua sắm hàng hóa hơn với cùng một mức giá. Thay bằng việc tặng một thỏi son hay một chai nước hoa, khi bạn tặng vàng trang sức sẽ mang nhiều ý nghĩa và có giá trị lâu dài hơn.
Còn trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng thì có sự nâng cấp nào không thưa ông?
Theo đuổi triết lý "Less is more", chúng tôi tạo nên không gian mua sắm thư giãn tối đa cho khách hàng. Tone màu chủ đạo tại các cửa hàng là màu creamy pastel kết hợp với màu rosegold - màu vàng hồng cũng là màu sắc đặc trưng của sản phẩm tại Huy Thanh Jewelry. Màu sắc này khi kết hợp với hệ thống ánh sáng được tái tạo gần nhất với ánh sáng tự nhiên sẽ khơi gợi cảm giác thoải mái cho khách hàng khi mua sắm tại cửa hàng.
Hiện nay chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên sử dụng hình thức trưng bày trang sức trên tủ đứng, rút ngắn tối đa khoảng cách từ khách hàng đến sản phẩm. Các gương toàn thân được lắp đặt cạnh tủ để khách hàng có thể ngắm nhìn toàn bộ outfit của mình sau khi thử sản phẩm. Giá sản phẩm cũng được công khai cụ thể để dễ dàng quan sát và lựa chọn. Thay phương thức bán hàng truyền thống, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo nên không gian mua sắm thân thiện, mỗi nhân viên sẽ như một người bạn đi shopping cùng khách hàng.
Nếu như coi một sản phẩm vàng trang sức trở thành món quà tặng thông thường thì người mua chưa chắc đã là người sử dụng. Vậy làm thế nào để Huy Thanh Jewelry có thể đáp ứng được yêu cầu của mọi khách hàng?
Kịch bản này đã được chúng tôi tính tới với cách giải quyết là cửa hàng sẽ áp dụng chương trình đổi miễn phí trong vòng 72 giờ. Sau thời gian 72 giờ, chúng tôi áp dụng chính sách đổi linh hoạt, giữ đến 80% giá trị sản phẩm cho khách hàng. Với riêng khách hàng mua trên Shopee Mall sẽ được gia tăng chính sách hậu mãi theo quy định chung của Shopee là miễn phí vận chuyển, hỗ trợ đổi trả trong vòng 7 ngày. Chúng tôi mong muốn khách hàng của mình luôn sở hữu những sản phẩm mới nhất, đẹp nhất, vì vậy chính sách đổi cũ lấy mới rất linh hoạt. Chúng tôi hy vọng khách hàng của mình không chỉ là khách hàng một lần mà sẽ là khách hàng một đời.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Trí thức trẻ